'Sức mạnh mềm' của âm nhạc trong mùa COVID-19

Sở dĩ gọi là 'sức mạnh mềm' là vì dù không 'đao to búa lớn', nhưng hiệu quả, thành công mang lại đã vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Năm 2020 vừa qua - năm của mất mát, đại dịch, khó khăn, nhưng công tác truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó có tận dụng sức mạnh âm nhạc, công tác phòng chống đại dịch ở Việt Nam đã được bạn bè, các hãng truyền thông khắp toàn cầu ghi nhận và đánh giá cao.

Với sự đa dạng của các kênh, phương tiện và nền tảng công nghệ, âm nhạc vẫn chiếm một vị thế đặc biệt, có sức hút và lan tỏa với đông đảo công chúng. Thú thật, nếu không có đại dịch COVID-19, người viết bài này có lẽ chẳng bao giờ ngồi xuống nghe một bản nhạc trọn vẹn của Khắc Hưng hay Quang Đăng. Rất nhiều lời chia sẻ, khẳng định từ những người bạn của tôi rằng họ không biết Quang Đăng là ai, cho đến khi xem trên các phương tiện truyền thông quốc tế vào thời điểm đỉnh của dịch.

Nhạc sỹ Khắc Hưng – tác giả của “Ghen Cô Vy”.

Nhạc sỹ Khắc Hưng – tác giả của “Ghen Cô Vy”.

Giữa đỉnh điểm dịch, một buổi sáng sau khi tập thể dục xong, tôi nhận được tin nhắn kèm đường dẫn bài hát từ một người bạn ở Helsinki (Phần Lan) gửi cho. Thật là điều thú vị khi đó là lời bài hát “Ghen Cô Vy” phiên bản tiếng Phần Lan. Tôi nghe ngay và cảm thấy rất hay, nhất là tinh thần chống dịch. Chưa bao giờ tôi nghe một bài hát mà lòng đầy cảm xúc như thế. Nghe từng câu, thấm từng lời, bảng tiếng Việt lẫn tiếng Anh, đôi khi tôi cay mắt, xen lẫn niềm vui và tự hào: “Cùng rửa tay xoa xoa xoa xoa đều/Đừng cho tay lên mắt mũi miệng/Và hạn chế đi ra nơi đông người”.

Ca từ, vũ điệu, tạo cho tôi cảm giác mọi thứ đang làm cho người nghe ghi nhớ dễ dàng mà không phải khiên cưỡng hay ép buộc các nguyên tắc phòng chống dịch. Sát khuẩn, rửa tay, mang khẩu trang. Và những cụm từ này, cùng với từ pandemic - tức đại dịch, là những từ phổ biến của năm, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên mọi phương diện trải dài suốt năm 2020 và có lẽ nhiều năm sau nữa. Có thể nói, bài hát, với ca từ hội đủ những hấp dẫn, kiến thức cần lưu ý, những điều cần thực hiện về phòng chống dịch được đúc kết với một thái độ lạc quan, một lối ca từ nền nã và thu hút. Một sự cuốn hút, nhưng không tạo cho người nghe một cảm giác khó chịu cảm tính vì tính ép buộc.

Chương trình “Last Week Tonight” với phần dẫn dắt của người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng John Oliver cũng đã dành những lời khen tặng, tôn vinh đến “Ghen cô Vy” như “rất tuyệt vời”, “Ca khúc như một bài hát hộp đêm sôi động”, “Bài hát sẽ mắc kẹt trong tâm trí bạn nhiều ngày”.

Dù thế giới đã công nhận, “ngả mũ” ngợi khen nhưng người Việt Nam luôn cảm thấy cần phải sáng tạo hơn nữa. Những ý tưởng độc đáo tuyệt vời ra đời để nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân, cộng đồng. Ai cũng biết, sống trong thời đại dịch bệnh dễ làm người ta trở nên căng thẳng, cáu gắt. Chúng ta đều đồng ý rằng, sống lâu trong cảnh bức bối, không mấy dễ chịu, con người dễ mất thăng bằng, cơ thể mệt mỏi. Nhưng khi nghe những điệu nhạc, có âm điệu, thúc giục, những nỗi phiền muộn được vơi đây phần nào. Tinh thần, nhờ vậy, cũng được cải thiện một cách đáng kể, nhất là trong thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội.

Tất nhiên, không chỉ có “Vũ điệu rửa tay”, “Ghen Cô Vy” của Khắc Hưng, Quang Đăng, mà trước đó cũng có rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ thực thụ giỏi và họ đã ít nhiều thành công mang văn hóa Việt Nam, lan tỏa tinh thần, sức mạnh đoàn kết dân Việt Nam. Qua những thời khắc gian nan, hoạn nạn, mới thấy được tinh thần cộng đồng, yêu nước của dân ta vẫn luôn nồng nàn, tiềm ẩn trong mỗi con người.

Còn nhớ, thời điểm giữa năm 2011, khi tàu Bình Minh 2 đang khảo sát địa chấn trên thềm lục địa của Việt Nam, bị tàu Trung Quốc cắt cáp, hòa chung tâm trạng và suy nghĩ về trách nhiệm của văn nghệ sĩ trước thời cuộc, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn và Nguyễn Phan Quế Mai đã cùng kết hợp cho ra đời một ca khúc trở thành hiện tượng đặc biệt kể từ thời điểm đó đến hôm nay.

“Tổ quốc gọi tên mình” mang theo giá trị cổ vũ, khơi gợi ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước đã phủ sóng khắp các kênh truyền thông, trên các trang mạng xã hội, trên sóng truyền hình. Nhiều người thích nhất ở tác phẩm này, không phải là âm nhạc, mà là cái chất Việt Nam đặc trưng, tinh thần dân tộc Việt Nam đặc trưng trong đó.

Âm nhạc luôn giữ một vai trò quan trọng trong cuộc sống. Truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình kiến tạo và duy trì nhận thức xã hội về thay đổi hành vi.

Các nhà nghiên cứu truyền thông trên thế giới có chung nhận định, dưới góc độ dùng truyền thông để tác động thay đổi hành vi, cần chú ý vào các tiêu chí như ngắn gọn, rõ ràng; nội dung cần tập trung dễ hiểu; hướng đúng đối tượng mục tiêu mà vẫn chứa được thông điệp hay định hướng hành vi kế tiếp thông qua việc lồng ghép các thông điệp; lặp lại đồng bộ trên các kênh, sản phẩm truyền thông (ghi dấu và ghi nhớ). Những điểm này có thể, hoặc ít nhất được xem xét khi đào tạo các nhà báo, cán bộ truyền thông, văn nghệ sĩ, trong các chiến dịch, định hướng tuyên truyền, những người mà công việc của họ có ảnh hưởng đến đại số đông nhận thức, thái độ của công chúng.

Nhìn vấn đề dưới các giá trị tốt đẹp hơn, tôi tin, thông qua các giá trị âm nhạc của “Vũ điệu rửa tay”, “Ghen Cô Vy”, thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn. Đó cũng là cách mà âm nhạc và truyền thông mang Việt Nam, kèm theo những giá trị tốt đẹp, vươn xa hơn...

Hồng Chi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giai-tri-van-hoa/suc-manh-mem-cua-am-nhac-trong-mua-covid-19-631671/