Sức mạnh quy tụ của người đứng đầu

Sức mạnh cơ quan báo chí bắt nguồn từ nhiều yếu tố, song yếu tố có ý nghĩa quyếtđịnh chính là nhân cách trong sáng, đạo đức nghề nghiệp công tâm và năng lực, trìnhđộ thẩm định sáng suốt các tác phẩm báo chí của người lãnh đạo tòa soạn.

Nhiều cơ quan đang có tình trạng chia bè, kéo cánh. Ảnh: TL

Cơ quan báo chí địa phương nọ có gần 40 người, nhưng đã chia thành “ba tốp” với “ba phong cách làm việc” khác biệt nhau khá rõ ràng.

“Tốp thứ nhất” phần lớn là những người làm việc thuộc loại “thường thường bậc trung”, họ thích “tác nghiệp” ở trong phòng kín và trên bàn giấy nhiều hơn là xông xáo, lặn lội xuống cơ sở.

“Tốp thứ hai” thì ngược lại, họ phần đông là những người có lòng tự trọng nghề nghiệp, năng động, thích khám phá và tìm tòi cái mới, phát hiện ra các vấn đề nhức nhối, nổi cộm trong đời sống, mọi mặt xã hội để thông tin, phản ánh trên mặt báo. Họ luôn có mặt ở những “điểm nóng” để tác nghiệp nên những bài viết có sức lôi cuốn bạn đọc.

“Tốp thứ ba” cơ bản là những người thuộc diện thành phần “8C” (“Con cháu các cụ cả, cần chiếu cố”) có văn bằng đại học chuyên ngành báo chí hẳn hoi (nhưng chủ yếu là học tại chức) làm việc theo kiểu “làm công ăn lương”, cơ quan giao việc gì thì làm việc ấy, ít có đề xuất, kiến nghị với cấp trên về công tác chuyên môn và nói chung, họ không thật sự “mặn mà” và đam mê lắm với nghề viết lách. Họ tồn tại với nghề này chủ yếu là để có “vị trí” trong xã hội.

Uy tín của người đứng đầu sẽ bị “lung lay” và giảm sút nếu chỉ vì lợi ích đơn thuần của cá nhân. Ảnh: TL

Chuyện chẳng có gì trở nên phức tạp nếu người lãnh đạo tòa soạn biết ưu điểm, hạn chế, thế mạnh và điểm yếu của mỗi “tốp” để có phương pháp chỉ đạo, điều hành, phân công công việc và ứng xử, đối đáp với họ một cách phù hợp. Tuy nhiên, “tốp thứ nhất” được lãnh đạo ưu ái hơn cả vì họ biết “chiều lòng sếp” bằng các mối quan hệ thân thiết như trong gia đình. Do đó, các tin, bài, ảnh của họ đều được đăng đúng ý định, cho dù đó là những bài viết phần lớn được “xào xáo” lại từ các bản báo cáo.

Đối với “tốp thứ ba”, vì liên quan đến nhiều mối quan hệ “tế nhị” với một số cán bộ chủ chốt của địa phương nên “sếp” cũng thường rất quan tâm, chú trọng đến bài vở của họ.

Riêng đối với “tốp thứ hai”, “sếp” luôn tỏ ra là người lãnh đạo nghiêm khắc, biên tập và sàng lọc bài viết của anh em rất chặt chẽ, tỉ mỉ, công phu, nếu bài viết nào không “hợp gu”, “sếp” sẵn sàng bỏ qua ngay. Từ cách ứng xử phiến diện, thiên vị đó, mối quan hệ giữa các đồng nghiệp trong cơ quan ngày càng doãng ra, bầu không khí đoàn kết nội bộ trở nên căng thẳng. Một số lần sinh hoạt chi bộ, có thành viên trong “tốp thứ hai” thẳng thắn phê bình cách đối xử này nhưng “sếp” cố tình tảng lờ theo kiểu “không nghe, không biết, không thấy”!

Người lãnh đạo nên là người “đứng mũi chịu sào”, “cầm cân nảy mực” trong cơ quan. Ảnh: TL

Sức mạnh cơ quan báo chí bắt nguồn từ nhiều yếu tố, song yếu tố có ý nghĩa quyết định chính là nhân cách trong sáng, đạo đức nghề nghiệp công tâm và năng lực, trình độ thẩm định sáng suốt các tác phẩm báo chí của người lãnh đạo tòa soạn.

Được ví như người “đứng mũi chịu sào”, “cầm cân nảy mực”, người đứng đầu tòa soạn gương mẫu trong đối nhân xử thế, biết vun trồng, bồi dưỡng và trân trọng những người có trình độ chuyên môn tốt, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và loại bỏ những biểu hiện không lành mạnh và trái với lương tâm nghề nghiệp - đó là động lực thúc đẩy đội ngũ phóng viên rèn luyện, phấn đấu trưởng thành, tiến bộ và quy tụ được trí tuệ, công sức của mọi người để xây dựng cơ quan báo chí ngày càng phát triển và có nếp sống văn hóa, bầu không khí thân ái, đoàn kết.

Còn nếu chỉ vì lợi ích đơn thuần của cá nhân mình mà không dung hòa được các mối quan hệ trong cơ quan không chỉ làm giảm sức mạnh của tập thể, mà vị thế, uy tín của người đứng đầu cũng sẽ bị “lung lay” và giảm sút.

Thiện Văn

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/suc-manh-quy-tu-cua-nguoi-dung-dau-n9454.html