Sức mạnh tiêm kích Rafale của Pháp sắp thăm Việt Nam

Rafale với thiết kế cánh tam giác độc đáo đem lại khả năng linh hoạt cao cùng hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, đưa nó trở thành một trong những tiêm kích hàng đầu thế giới.

2 tiêm kích Rafale bay dưới máy bay tiếp dầu KC-10 trong cuộc tập trận Pitch Black tại Australia. Thông cáo của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết 3 tiêm kích Rafale cùng máy bay vận tải A400M, máy bay tiếp dầu trên không C-135 và máy bay A310 sẽ có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 26-29/8. Đây là một phần trong chiến dịch PEGASE của Không quân Pháp tại châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Bộ Quốc phòng Australia.

Rafale hiện là chiến đấu cơ chủ lực của Không quân Pháp, do tập đoàn Dassault Aviation, một trong những hãng chế tạo máy bay lâu đời nhất thế giới sản xuất. Rafale phục vụ trong Không quân Pháp từ đầu những năm 2000. Ảnh: Bộ Quốc phòng Pháp.

Đến những năm 1980, Pháp và một số nước lớn ở châu Âu bắt tay triển khai dự án chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon, nhằm tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả cạnh tranh thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, do bất đồng quan điểm, Pháp rút khỏi dự án để độc lập phát triển Rafale. Rafale có thiết kế cánh tam giác, một đặc trưng trong các loại máy bay chiến đấu do Dassault Aviation chế tạo. Nhà sản xuất giới thiệu khái niệm "tất cả trong một" trên cùng một thiết kế đối với Rafale. Ảnh: Airforce Technology.

Chiến đấu cơ này có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát, chiếm ưu thế trên không, tấn công mặt đất, hàng hải và ném bom hạt nhân chiến thuật. Rafale thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 7/1986. Tuy nhiên, việc sản xuất và đưa vào sử dụng gặp nhiều khó khăn. Mãi đến năm 2001, Rafale mới được chính thức giới thiệu trong Không quân Pháp. Ảnh: Defense Update.

Máy bay được trang bị 2 động cơ phản lực Smecma M88, lực đẩy thô 50 kN/chiếc, 70 kN có đốt sau. Động cơ sử dụng hệ thống kiểm soát nhiên liệu kỹ thuật số giúp tăng lực đẩy, tiết kiệm nhiên liệu và giảm bức xạ hồng ngoại, tốc độ tối đa 1.912 km/h ở cao độ lớn, 1.390 km/h ở độ cao mực nước biển. Ảnh: Wikipedia.

Rafale được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến. Buồng lái kiểu "nhà kính" hiện đại với các màn hình LCD khổ lớn cung cấp thông tin chi tiết về vũ khí, nhiên liệu và môi trường xung quanh máy bay. Rafale được chế tạo với 3 phiên bản, Rafale C một chỗ ngồi, sử dụng trên các căn cứ ở đất liền, Rafale M hoạt động trên tàu sân bay và Rafale B 2 chỗ ngồi. Các phiên bản giống hệt nhau về thiết kế và thiết bị, chỉ khác về cấu trúc khung và thiết bị móc đuôi ở phiên bản hoạt động trên tàu sân bay. Ảnh: Dassault Aviation.

Một trong những điểm độc đáo tạo nên sức mạnh cho Rafale là hệ thống chiến tranh điện tử tích hợp có tên SPECTRA. Hệ thống này được trang bị các cảm biến bố trí xung quanh máy bay, cung cấp khả năng phát hiện, nhận dạng và xác định mối đe dọa. Nó giúp phi công nhận thức được tình huống và đưa ra biện pháp đối phó phù hợp nhất, tăng khả năng sống sót cho máy bay trong chiến đấu. Ảnh: De l'auteur .

Rafale có tới 14 điểm treo vũ khí dưới cánh với phiên bản B/C, 13 với phiên bản hải quân. Tổng tải trọng vũ khí mang theo lên đến 9,5 tấn. Rafale thường mang theo vũ khí hỗn hợp cả không chiến và tấn công mặt đất trong mỗi nhiệm vụ. Ảnh: Jeffhead .

Rafale tham chiến lần đầu trong chiến dịch Bình minh Odyssey, thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Libya vào tháng 3/2011. Trong chiến dịch này, Rafale đã nhanh chóng chứng minh giá trị và hiệu quả cao trong các nhiệm vụ chiến đấu. Điều đó đã góp phần làm tăng giá trị thương hiệu của Rafale trong xuất khẩu. Ảnh: Defense Update.

Ngoài quân đội Pháp, Rafale đã được xuất khẩu cho Ai Cập, Ấn Độ và Qatar. Theo dữ liệu của Quốc hội Pháp, đơn giá mỗi chiếc Rafale dao động từ 78-90 triệu USD/chiếc, chưa bao gồm vũ khí. Đơn giá cao được xem là một trong những rào cản đối với Rafale trong việc xuất khẩu. Ảnh: Jeffhead .

Trung Hiếu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/suc-manh-tiem-kich-rafale-cua-phap-sap-tham-viet-nam-post868671.html