Sức 'quyến rũ' trăm năm của chữ Quốc ngữ

Lấy mốc ngày 28/2/1918, vua Khải Định ra đạo dụ chính thức bãi bỏ khoa cử nho học và năm 1919 khoa thi hương cuối cùng được tổ chức – các nhà khoa học cho rằng, chữ Quốc ngữ đã có 'tuổi đời' cả trăm năm và luôn có sức 'quyến rũ' đặc biệt đối với công tác nghiên cứu khoa học…

PGS.TS Hoàng Dũng (giữa) tại một cuộc trò chuyện về những giá trị ngôn ngữ và văn hóa của “Từ điển Việt - Bồ - La”. Ảnh: Bình Thanh.

PGS.TS Hoàng Dũng (giữa) tại một cuộc trò chuyện về những giá trị ngôn ngữ và văn hóa của “Từ điển Việt - Bồ - La”. Ảnh: Bình Thanh.

Từ “Từ điển Việt - Bồ - La”

Nghiên cứu về nguồn gốc chữ Quốc ngữ thì không thể không nhắc đến cuốn “Từ điển Việt - Bồ - La” (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latium). Từ những nghiên cứu chuyên sâu, PGS.TS Hoàng Dũng (Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh đến những giá trị vượt thời gian của cuốn từ điển.

Đó là, về mặt ngôn ngữ học, “Từ điển Việt - Bồ - La” của Alexandre de Rhodes đã phản ánh tình trạng đa phương ngữ của tiếng Việt vì tính chất thực dụng, giúp cho việc truyền giáo được thuận lợi.

Có lẽ, nhiều người sẽ nghĩ cuốn từ điển đã miêu tả tiếng Việt phương Bắc vì ở đó tiếng Việt được thể hiện có 6 thanh và Alexandre de Rhodes chính là tác giả của Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh. Nhưng không hẳn thế.

Theo PGS.TS Hoàng Dũng, đặc điểm của phương ngữ miền Trung và miền Nam cũng được từ điển Việt - Bồ - La ghi lại. Điều đó được thể hiện ở từ vựng: “Đức mụ - cô, dì”, của Đàng trong quen được gọi như vậy, “sui gia - thông gia”; ở ngữ âm, từ điển ghi 6 trường hợp với chữ j: Jà, jì, jó, jờ, jủ, jữ.

Không chỉ thế, trong từ điển còn có sự lẫn lộn ngữ âm đặc trưng cho ngữ âm ba miền. Ví dụ, sự tương ứng hỏi/ngã: “Phủ phàng – phũ phàng”, “ăn lải - ăn lãi”; sự tương ứng ưi/ươi: “Chưỡi – chửi”, “gưởi – gửi”; sự tương ứng nh/d/r: “Dà/nhà/rà, nhìn/rìn, rỉ/ dỉ, ríp”…; tương ứng i/â: “Nhin sâm – nhân sâm”, “nhít – nhất, nhịt – nhật”...

Cũng theo PGS.TS Hoàng Dũng, bên cạnh việc cho thấy sự tiếp biến văn hóa giữa châu Âu và Việt Nam, “Từ điển Việt - Bồ - La” thể hiện cái nhìn của người châu Âu đối với văn hóa Việt Nam. Điều này được thể hiện ở nhiều lĩnh vực.

Như trong lĩnh vực sản vật, từ “cà cuống” được từ điển giải nghĩa đầy thú vị: Là “côn trùng giống con ve người An Nam ăn một cách khoái trá”. Hay trong phong tục tập quán, từ điển giải nghĩa cụm từ “bẻ tiền bẻ đũa” là “ly dị, bởi vì việc bẻ đồng tiền và những chiếc đũa dùng để ăn, là dấu hiệu sự tan vỡ của hôn nhân khiến cho người vợ từ lúc đó có thể lấy chồng khác mà không có tội”; từ “ăn chay”có nghĩa là “kiêng ăn thịt và cá, nhưng vẫn ăn nhiều lần trong một ngày”.

Ở lĩnh vực tôn giáo, từ “ngã ba sông” được từ điển giải nghĩa là “người Lương dân sợ những thứ đó một cách ngô nghê”…

Một giá trị đặc biệt quan trọng nữa của “Từ điển Việt - Bồ - La” mà PGS.TS Hoàng Dũng nhấn mạnh đến là việc viết rời từng âm tiết. Theo ông Dũng, A.de.Rodes đã tiếp thu thành quả của người đi trước - Gaspar do Amaral – người đầu tiên viết tiếng Việt rời từng âm tiết một cách nhất quán (trong hai tài liệu viết tay năm 1632 và 1637).

“Các vị truyền giáo người châu Âu từ mấy trăm năm trước đã viết rời từng âm tiết của tiếng Việt. Cách ứng xử đó phù hợp với cảm thức ngôn ngữ của người Việt. Không hiểu sao người châu Âu có cách nhìn tôn trọng tiếng Việt như thế, tôi thấy lạ” – PGS.TS Hoàng Dũng bày tỏ.

Đến bộ “Nam Việt - Dương hiệp tự vị”

Theo GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, chữ Quốc ngữ thuộc hệ thống chữ ghi âm được các giáo sĩ Tây phương chế tác với mục tiêu truyền giáo. Có thể thấy, ngay từ lúc khởi thảo ban đầu cho đến lúc định hình căn bản, chữ Quốc ngữ đã có nhiều thay đổi.

Tuy nhiên, mốc định hình của chữ Quốc ngữ phải nhắc đến là bộ từ điển “Nam Việt – Dương hiệp tự vị” (Dictionarium Annamatico - Latinum) của Jean - Louis Taberd (1794 - 1840), tên Việt là cố Từ. Bộ từ điển này được in năm 1838, trên cơ sở cuốn từ điển viết tay của Pigneau de Béhaine (hoàn thành năm 1773).

“Chữ Quốc ngữ là sản phẩm của một quá trình rất dài, ít nhất là hơn một thế kỷ thử nghiệm, mày mò, điều chỉnh. Từ điển de Bé haine – Taberd là sản phẩm gần như hoàn thiện của toàn bộ quá trình này” – GS.TS Nguyễn Văn Hiệp nhấn mạnh.

Điều này cũng được nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận và khẳng định: Diện mạo chữ Quốc ngữ trong từ điển Pigneau de Béhaine – Taberd như là nền tảng của chính tả hiện đại.

Chẳng hạn, trong lời giới thiệu “Tự vị Annam Latin”, Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên có viết: “Với Bỉ Nhu, tức Pigneau de Béhaine, lối viết chữ Quốc ngữ như chúng ta có ngày nay, trừ vào chi tiết không đáng kể”.

Hay như Hoàng Xuân Việt đã nhận định: “Cách viết của Taberd hầu như không khác mấy với chữ Quốc ngữ hiện nay. NGND.GS.TS Đoàn Thiện Thuật thì khẳng định: “Nếu không có bộ từ điển in thì cách viết này còn lâu mới thắng thế và giành địa vị độc tôn… (từ điển Taberd) góp phần điển chế hóa chính tả.

Nó làm cho cách viết mà Pigneau de Behaine lựa chọn thắng thế và lưu truyền mãi đến nay”.

Lý giải về sự thành công của từ điển de Béhaine – Taberd, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp đưa ra 3 lý do: Sự biến đổi của ngữ âm khiến tiếng Việt cuối thế kỷ 19 giống với tiếng Việt ngày nay, tính nhất quán và hiểu biết rõ hơn về âm vị học.

Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh đến nguyên nhân hiểu biết rõ hơn về âm vị học mà ở đây ông đã đưa ra giả định: Có lẽ, các nhà truyền giáo phải nhờ đến sự cộng tác tích cực của chính người bản địa, với tư cách các nhà ngữ âm học nghiệp dư, để trắc nghiệm các giải pháp âm vị học.

“Người bản ngữ ắt hẳn đã đóng một vai trò rất lớn trong việc lựa chọn phương án chính tả phù hợp hơn cả cho cộng đồng” – GS.TS Nguyễn Văn Hiệp đưa ra giả thuyết.

Quá trình La-tinh hóa tiếng Việt: Gồm 3 giai đoạn: Từ 1615 – 1630, giai đoạn tìm hiểu tiếng Việt và tìm phương pháp ghi tiếng Việt; từ 1630 - 1634 là những năm bản lề của việc La-tinh hóa tiếng Việt; từ 1634 - 1651 là những năm phổ biến lối viết này và chuẩn bị in từ điển Việt - Bồ - La. Từ năm 1540 - 1773: Các thừa sai Dòng Tên đã soạn 164 cuốn từ điển, 165 cuốn ngữ pháp và 430 văn bản của 134 ngôn ngữ và 6 thổ ngữ (Kloter 2007 : 195).

TS Phạm Thị Kiều Ly

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/suc-quyen-ru-tram-nam-cua-chu-quoc-ngu-4043527-b.html