Sức sống của di sản xòe Thái

Xòe Thái là loại hình nghệ thuật đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc Việt Nam. Qua góc nhìn của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã khẳng định thêm nhận định này.

Đây chính là cơ sở để chúng ta tự tin đưa xòe Thái lên một cung bậc giá trị mới: Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Di sản đáng trân trọng, tự hào

Nói đến đồng bào dân tộc Thái (đặc biệt là ở vùng Tây Bắc) người ta nghĩ đến nghệ thuật múa xòe (hay còn gọi là xòe Thái). Qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia đã minh chứng được rằng: Xòe Thái mang tính biểu tượng thể hiện nhân sinh quan, vũ trụ quan, tâm tư, tình cảm của người Thái và có nhiều ý nghĩa, chức năng đối với cuộc sống tinh thần của người Thái ngày nay. Nghệ thuật xòe Thái tượng trưng cho cái đẹp, chứa đựng giá trị nghệ thuật vũ đạo, âm nhạc, ca hát, trang phục, ẩm thực và ứng xử văn hóa của cộng đồng người Thái. Ngày nay, nghệ thuật xòe Thái đã trở thành biểu tượng của lòng hiếu khách, là dấu ấn văn hóa của tộc người và bản sắc văn hóa của người Thái vùng Tây Bắc.

Trình diễn xòe Thái trong lễ hội Mường Lò 2019. Ảnh: TUẤN HUY.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết, nghệ thuật xòe Thái đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2014 và đến nay được Chính phủ đồng ý cho xây dựng Hồ sơ quốc gia trình UNESCO để xét duyệt vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trước thềm sự kiện này, Bộ VHTTDL vừa tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật xòe Thái trong xã hội đương đại". Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Đặc biệt, hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Lào… những nước có chung cộng đồng dân tộc Thái và nghệ thuật trình diễn tương đồng với xòe Thái. Bên cạnh đó, các chuyên gia đến từ châu Âu, châu Mỹ và vùng Đông Bắc Á cũng có sự so sánh xòe Thái với những điệu múa dân gian của các dân tộc bản địa.

GS, TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian đã có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến nguồn gốc xòe Thái. Ông nói: “Ở Tây Bắc (Việt Nam) xưa có nhiều cộng đồng dân tộc Thái địa phương khác nhau, có những sắc thái riêng trong ngôn ngữ và văn hóa. Xòe Thái là một đặc điểm để nhận dạng những cộng đồng dân tộc Thái. Điệu múa khá đa dạng nhưng có điểm chung là xòe vòng, đây là loại hình múa tập thể, càng đông càng vui. Hiện nay, người Thái còn múa những điệu có kết cấu thành đội hình với động tác riêng cho từng điệu. Nếu tôi không nhầm thì loại hình ngày nay là “múa dư hứng” có nguồn gốc từ lễ Kin Pang Then (nghĩa là lễ mừng mệnh Then). Nội dung của buổi lễ là một bản trường ca kể về vũ trụ quan, nhân sinh quan của người Thái”. Xòe Thái là loại hình nghệ thuật có ảnh hưởng sâu sắc đối với đời sống tinh thần của người Thái. Chỉ riêng các điệu múa cổ đã có: Múa khăn, múa quạt, múa nón, múa rung nhạc ngựa… liên quan đến đó là những loại nhạc cụ như đàn tính, chũm chọe, lục lạc; hay các loại hình khác của bộ gõ, như mõ, gõ ống tre (trong múa sạp), trống. Vai trò của xòe trong đời sống tâm linh của người Thái không chỉ dừng ở sinh hoạt văn nghệ, mà còn là những nghi thức, nghi lễ tác động rất lớn đến đời sống con người.

PGS,TS Nguyễn Thị Hiền, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, khẳng định: "Xòe Thái là hồn cốt văn hóa của người Thái. Đó là sự kết nối, thể hiện tình cảm, tạo nên sự thăng hoa cũng như cộng cảm, sự gần gũi thân thiện giữa con người với con người. Qua xòe, chúng ta có thể tin rằng, người Thái cởi mở, sống trong cộng đồng đùm bọc nhau và xòe chính là cái tạo ra sự cởi mở, đùm bọc đó".

Những gợi ý cho việc bảo tồn di sản xòe Thái

Bên lề hội thảo đã có một vài ý kiến khá thú vị liên quan đến xòe Thái. Các ý kiến cho rằng, nhiều loại hình nghệ thuật đều có quá trình vận động để phù hợp với đời sống đương đại. Bản thân nghệ thuật xòe Thái cũng có những mốc thời gian như các năm 1920, 1959 liên quan đến những đợt nghiên cứu, tìm hiểu, khôi phục và “đại chúng hóa”.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở các nước sở hữu cái loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống. GS,TS So Inhwa, Trung tâm quốc gia Gugak (trung tâm biểu diễn nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc), cho biết: Tại Hàn Quốc cũng có nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian cổ đã có những vận động sáng tạo để bước lên sàn diễn nghệ thuật hiện đại khá ấn tượng. Bà nói: “Ban nhạc BTS nổi tiếng ở Hàn Quốc cũng từng có một chương trình biểu diễn riêng cải biên từ nghệ thuật múa trống cổ. Sô diễn đã rất thành công và nghệ thuật truyền thống này đã tiếp cận với thế hệ trẻ. Nhiều người đã đánh giá cao cách làm của BTS trong việc nuôi dưỡng di sản trong đời sống đương đại”.

Ở Trung Quốc và Lào, nơi có cộng đồng người Thái khá đông đảo, câu chuyện giữ gìn và phát huy giá trị của điệu múa truyền thống này diễn ra khá khác. GS Trịnh Hiền Vân, Đại học Hồ Bắc (Trung Quốc) cho biết: “Nhìn chung từ năm 1950, do không gian biểu diễn bị biến đổi nên múa Thái cũng có những biến đổi nhất định. Cụ thể có 3 hình thức của không gian biểu diễn là: Lễ hội cộng đồng, sân khấu chuyên nghiệp và sản phẩm du lịch. Hiện nay, chính phủ khuyến khích người dân giữ gìn các điệu múa cổ thông qua các hoạt động lễ, tết của người dân”. Còn ở Lào, điệu múa Thái được coi là điệu múa ngẫu hứng và điểm khó khăn của Lào là thiếu đội ngũ kế cận, thiếu lực lượng nghệ nhân.

Nghệ thuật xòe Thái ở Việt Nam hội đủ nhiều yếu tố để trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ở tỉnh Điện Biên, việc bảo tồn di sản nghệ thuật xòe Thái đã được tỉnh chú trọng từ năm 2013 với Đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế-xã hội. Tỉnh cũng tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy nghệ thuật xòe Thái, ưu tiên truyền dạy các điệu xòe cổ cho các bản, các đội văn nghệ người Thái. Bên cạnh đó, tỉnh cũng lập hồ sơ khoa học di sản, kiểm kê, tư liệu hóa di sản, có chính sách quan tâm tới các nghệ nhân, tổ chức các lễ hội, các hội thi, hội diễn… để tạo nhiều cơ hội thực hành nghệ thuật xòe Thái trong nhân dân. Được biết, Điện Biên là một trong 4 địa phương có phong trào gìn giữ xòe Thái tốt nhất Việt Nam hiện nay (cùng với Lào Cai, Sơn La và Yên Bái).

TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, khẳng định: "Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể tràn đầy sức sống và tương lai có thể góp phần vào bức tranh đại diện của nhân loại. Tin rằng với sự vào cuộc mạnh mẽ từ các nhà quản lý, nhà khoa học, cũng như các nghệ nhân và đặc biệt là sự hưởng ứng của đồng bào Thái, trong tương lai không xa, tin vui sẽ sớm về với cộng đồng dân tộc Thái ở Việt Nam".

ĐÔNG ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/suc-song-cua-di-san-xoe-thai-593519