Sức sống của làng nghề đan lát hơn 100 năm tuổi ở Tp.HCM

Theo dòng chảy thời gian và quá trình phát triển, các làng nghề truyền thống ở Tp.HCM dần co cụm lại và mất dần vị thế trên thị trường tiêu dùng.

Làng nghề hơn 100 năm tuổi

Trước những năm 2000, làng nghề đan lát ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, Tp.HCM vô cùng phát triển. Ở thời kỳ đỉnh cao, làng nghề có khoảng 2.000 hộ dân với gần 4.000 người lao động thành thục các kỹ năng đan lát các sản phẩm từ mây, tre, trúc. Mỗi xóm, mỗi ấp đều có một sản phẩm đặc trưng từ ngành nghề đan lát này.

Cơ sở của bà Mai giữ gìn nghề đan lát truyền thống đến nay, với nhiều sản phẩm đan lát đa dạng bằng mây, tre, trúc.

Nhưng rồi theo nhịp điệu phát triển của Tp.HCM, làng nghề đan lát xã Thái Mỹ cũng dần trở nên vắng lặng. Bẵng đi một thời gian, cư dân ở vùng Đông Nam bộ dường như đã quên hẳn làng nghề một thời hưng thịnh này. Nhưng vẫn còn đó, hàng trăm hộ dân nhiều năm qua miệt mài giữ đất trồng tre, trồng trúc và gìn giữ làng nghề trăm năm này.

Theo bà Nguyễn Thị Ngắt (70 tuổi), ngụ xã Thái Mỹ, trước đây tre, trúc mọc khắp nơi. Nhà nhà đều trồng khiến tre, trúc bao quanh rợp mát cả một vùng. Tận dụng nguyên liệu sẵn có, vào lúc nông nhàn, người dân làm nên những dụng cụ phục vụ cho nghề nông, cho cuộc sống thường nhật rồi dần trở thành nghề truyền thống của cả làng.

“Để tạo ra được một sản phẩm chỉ có giá từ 5.000 – 25.000 đồng phải mất rất nhiều thời gian và theo quy trình đan lát như chặt trúc, cưa đoạn, ra vóc, chẻ nan, đan thành phẩm, cuối cùng là hoàn thành sản phẩm. Một người thợ có thể làm số lượng bao nhiêu trong một ngày tùy từng loại sản phẩm và tay nghề lâu năm. Sản phẩm hoàn thành được các thương lái trong vùng đến tận nhà thu gom, bán đi các địa phương lân cận”, bà Ngắt chia sẻ.

Một trong những công đoạn đan thành phẩm để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (chủ cơ sở mây tre lá Hạnh Mai, ấp Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ) cho hay, vẫn luôn giữ gìn nghề truyền thống của gia đình lâu đời dù gặp khá nhiều khó khăn.

Đây là một trong số các cơ sở giữ gìn nghề đan lát truyền thống đến nay với nhiều sản phẩm đan lát đa dạng bằng mây, tre, trúc… như: thúng, nia, dần, sàng, giỏ xách, giỏ đựng chậu hoa,... Không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước, sản phẩm của cơ sở còn được xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan, Anh... với số lượng hàng vạn cái mỗi năm.

Tuy nhiên, theo bà Tuyết Mai do giá trị kinh tế mang lại không cao, nhu cầu thị trường chủ yếu chuộng những các mặt hàng được làm từ nhựa và các vật liệu khác bởi tính tiện dụng. Đồng thời, do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh chóng cũng khiến nguyên liệu đầu vào như tre, trúc, mây không đáp ứng đủ, giá cả đầu ra sản phẩm thấp.

Mặt khác theo thời cuộc, những thế hệ sau dần bỏ nghề của cha ông để tìm công việc khác có thu nhập ổn định hơn.

“Tôi có niềm đam mê và mong muốn làng nghề đan lát phát triển ổn định, cơ sở đã kết nối với các đối tác trong nước thực hiện gia công các sản phẩm hệ chậu cây với nhiều mẫu mã, kiểu dáng khác nhau. Ngoài ra, để đảm bảo đơn hàng, cơ sở mây tre lá Hạnh Mai còn hợp tác với các hộ gia đình nhận làm gia công từng công đoạn sản phẩm cho các cơ sở lớn điều này giúp tiết kiệm nhân công, thời gian, song sản phẩm làm ra vẫn đòi hỏi trình độ tay nghề cao của người làm nghề”, bà Mai tâm sự.

Hướng đi cho làng nghề truyền thống

Sự ra đời của các sản phẩm bằng nhựa và kim loại khiến cho các sản phẩm đan lát trở nên khó cạnh tranh hơn trên thị trường trong nước. Do đó, các sản phẩm thủ công này không còn được sản xuất và bày bán đại trà như trước kia, mà chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng của các quán, nhà hàng ẩm thực.

Nhưng đặt biệt các sản phẩm đan lát thủ công này rất được ưu chuộng ở thị trường nước ngoài như Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản...và một số nước ở khu vực Đông Âu. Do đó, phần đầu ra, cũng như nguồn thu nhập cho người dân phần nào được ổn định hơn.

Để tạo ra được một sản phẩm phải mất rất nhiều thời gian và theo quy trình đan lát.

Hiện nay, chính quyền các cấp đã và đang phát triển nhiều chính sách giúp đỡ cho bà con theo nghề để nỗ lực bảo vệ nét văn hóa đặc sắc của vùng Củ Chi. Đồng thời, tạo động lực để thế hệ trẻ quay trở lại gắn bó và phát triển với nghề đan lát này.

Cùng với các làng nghề truyền thống này, huyện Củ Chi có nhiều tài nguyên du lịch như địa đạo Củ Chi, địa đạo Bến Dược, Bến Đình; làng nghề Một thoáng Việt Nam, Khu du lịch người dân tộc thiểu số cùng các sản phẩm du lịch sinh thái vườn… nhưng lại thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù, có tính cạnh tranh.

Tuyến tham quan du lịch chính của Củ Chi là Địa đạo Bến Đình, Bến Dược, xuất phát từ trung tâm Tp.HCM theo lộ trình Quốc lộ 22 - Tỉnh lộ 15 - đường Nguyễn Thị Rành - điểm tham quan và ngược lại. Xã Phú Hòa Đông có lợi thế nằm ở trục đường Tỉnh lộ 15 rất thuận tiện trong việc xây dựng trạm dừng chân cho du khách mua sắm, nghỉ ngơi trước khi đến với điểm tham quan chính.

Vì vậy, nếu đẩy mạnh việc phát triển các làng nghề truyền thống sẽ góp phần đa dạng nguồn tài nguyên du lịch địa phương, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, góp phần quảng bá và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho làng nghề.

Gắn kết với du lịch là một trong những giải pháp căn cơ để bảo tồn và phát huy giá trị của các làng nghề một cách hiệu quả, bởi nó huy động được nguồn nhân lực tại chỗ, khơi gợi ý thức của người dân, phát huy tính chủ động, tạo công ăn việc làm và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thông qua du lịch, các làng nghề sẽ được bảo tồn và phát triển một cách hiệu quả. Ngược lại, nhờ có làng nghề, các sản phẩm du lịch sẽ phong phú và đa dạng hơn, thu hút khách tham quan nhiều hơn.

Nguyễn Quốc Lâm

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/suc-song-cua-lang-nghe-dan-lat-hon-100-nam-tuoi-o-tphcm-a590914.html