Sức sống mãnh liệt của 'Như có Bác trong ngày đại thắng'

30 tháng 4 - Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước gợi nhớ những bài hát của một thời chiến đấu đầy hy sinh gian khổ, nhưng cũng hào hùng, oanh liệt. Một trong những tác phẩm tiêu biểu đi cùng năm tháng gắn với ngày này là 'Như có Bác trong ngày đại thắng' của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Đến nay, đã 43 năm trôi qua nhưng mỗi lần giai điệu của ca khúc ngân lên, thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc lại sống dậy như sự kiện trọng đại này đang diễn ra vậy.

2 giờ cho cả cuộc đời

Từ đầu tháng 4 - 1975, tin thắng trận dồn dập từ các chiến trường miền Nam báo về, cùng với đó các nhạc sĩ cũng dồn dập gửi bài hát mừng chiến thắng từ các tỉnh phía Nam về để dàn dựng thu thanh. Với tinh thần “Kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất”, các nhạc sĩ lúc bấy giờ đã dõi theo từng bước tiến quân, từng trận đánh để “kịp thời nhất, nhanh chóng nhất” có những bài hát hừng hực khí thế chuyển ra mặt trận, phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam để cổ vũ, động viên kịp thời quân và dân trên từng chặng đường chiến dịch.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên

Ngày đó, nhạc sỹ Phạm Tuyên đã 40 tuổi, làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, phụ trách biên tập âm nhạc. Khi nghe Tổng biên tập, lúc đó là đồng chí Trần Lâm giao nhiệm vụ “sắp tới sẽ có chiến thắng rất lớn, vĩ đại nên anh em nghệ sỹ phải có tác phẩm hoành tráng để ăn mừng”.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã chuẩn bị và phác thảo một bản hợp xướng 4 chương gồm: Miền Bắc lũy thép, Miền Nam thành đồng, Tiến công và nổi dậy và Toàn thắng. Nhưng cuối cùng Phạm Tuyên lại ngừng việc hoàn thành bản hợp xướng trên vì ông cho rằng: “Dựng lên như vậy nhưng vẫn cảm thấy có cái gì đó gờn gợn trong lòng. Hơn nữa, nếu đất nước giải phóng, người dân sẽ đổ ra đường chứ chẳng ai ở nhà mà nghe hợp xướng cả”.

Nhân dân rước ảnh Bác Hồ mừng ngày thống nhất đất nước.

Đêm ngày 28 - 4 - 1975, sau khi nghe bản tin cuối cùng của đài có tin Phi công Nguyễn Thành Trung ném bom sân bay Tân Sân Nhất, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ từ 9 giờ 30 phút tối đến 11 giờ, Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết xong bài “Như có Bác trong ngày đại thắng”.

Trong một lần, khi được một người đồng nghiệp hỏi: “Ông sáng tác ca khúc trong thời gian bao lâu?”, Nhạc sĩ Phạm Tuyên trả lời: “Chỉ có 2 giờ. Nói đúng hơn là chỉ có 2 giờ cho cả cuộc đời”. Tuy vậy bài hát chỉ được hội đồng duyệt nhạc của đài thông qua và đưa vào kế hoạch dàn dựng, thu thanh phục vụ kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 do có ý kiến cho rằng bài hát đơn giản và ngắn quá.

Tuy nhiên, khi nghe Phạm Tuyên hát bất ngờ, đồng chí Trần Lâm chạy lên vỗ vai mừng rỡ “Ôi! chỉ cần bài này thôi, không cần bài nào to hơn nữa đâu!”. Sáng ngày 30 tháng 4, nhạc sĩ được ban biên tập đài triệu tập và bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” đã được chọn để phát vào chương trình thời sự đặc biệt lúc 17 giờ chiều khi Việt Nam chính thức công bố tin giải phóng miền Nam trước toàn thế giới.

Nói về bài hát của mình, Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã tâm sự: “Lời bài hát như là tiếng lòng, là ước vọng bao nhiêu lâu tôi mong ước, có không biết bao nhiêu người cảm động và khóc khi hát vang khúc ca này. Và cảm giác bài hát như có sẵn rồi, không phải là tôi thì sẽ là một nhạc sĩ khác của dân tộc viết ra nó”.

Chiều ngày 30/4 tất cả anh em ca sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam được huy động dàn dựng bài hát này từ cổng ra vào đến trong phòng thu. Bài hát do đồng ca nam nữ của Đoàn ca nhạc Đài thể hiện với hai giọng ca lĩnh xướng Tuyết Thanh và Đặng Hùng. Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể, trong buổi chiều đáng nhớ đó, từ người kéo đàn, người chỉ huy, người lĩnh xướng đều khóc vì vui, niềm hạnh phúc dâng trào non sông thống nhất, khóc vì những ngày gian khổ, chia cắt...

“Giây phút ấy tôi lặng người vì không tin những lời ca này là bài hát của mình, nghe như bài hát này có từ trước. Nếu giờ phút ấy tôi không viết thì sẽ có người khác viết thôi! Tôi như người ghi sẵn những âm hưởng tự đến như là định mệnh”. Thu thanh xong, buổi chiều 30/4/1975 sau khi Đài phát tin tuyên bố thắng lợi ra thế giới, bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” dõng dạc vang lên đầy hùng tráng, tự hào cho đến hết đêm. Sáng hôm sau, khi đi qua Hồ Gươm, xe quân nhạc đã thổi rộn rã và tại Sài Gòn bài hát đã vang khắp hang cùng, ngõ hẻm trong ít ngày sau đó.

Bài ca đi cùng năm tháng

Tên gọi chính xác của bài hát được Nhạc sĩ Phạm Tuyên đặt là “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Tuy vậy tác phẩm vẫn thường được mọi người quen gọi là “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” mặc dù đây chỉ là câu hát mở đầu của bài. Có thể nói đây là bài hát hay nhất và cũng được đông đảo người dân biết đến trong số các bài viết về ngày toàn thắng của dân tộc ta.

Vì thế, Nhạc sĩ Phạm Tuyên có rất nhiều kỷ niệm với ca khúc này. Một trong những kỷ niệm đó là trong một chuyến công tác ở Tây Ninh, kết thúc buổi họp bỗng có một cô gái trẻ tìm gặp ông và nói: “Cháu chào bác. Bác đã đặt tên cháu đấy!”. Đang không hiểu chuyện gì xảy ra, cô gái cười tươi: “Nhờ có bài “Như có Bác trong ngày đại thắng” mà cháu có tên là Huy Hoàng...”.

Hóa ra cô gái đó được sinh vào ngày 30/4/1975. Sau khi nghe bài hát được phát đầu tiên vào buổi chiều ngày hôm ấy, bố cô đã nhắn về “Nếu là con trai sẽ đặt tên là Đại Thắng”. Khi biết là con gái, người bố ấy không nao núng, hát vang cả bài, đến đoạn “Lời bác nay đã chiến thắng Huy Hoàng”... thì ngừng lại vì đã tìm được tên cho cô con gái bé bỏng.

Với giai điệu giản dị, gần gũi, lời ca ngắn gọn, súc tích, cả nhan đề và lời chưa đến 60 từ. Vì vậy, bài hát được phổ biến một cách rộng rãi ở Việt Nam, được rất nhiều người dân biết đến và hát trong những ngày lễ, kỉ niệm lớn hay trong những dịp đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng.

Đã 43 năm kể từ ngày bài hát ra đời, khắp các làng bản, xóm thôn, thị thành đến các miền hải đảo, núi cao mọi lớp người đều yêu thích. Trong trận thắng của U23 Việt Nam vượt U23 Qatar để giành vé vào Chung kết Giải vô địch bóng đá U23 Châu Á, khoảng khắc các cầu thủ và các cổ động viên cùng hòa giọng hát vang “Như có bác trong ngày đại thắng” đã khiến triệu con tim xúc động, rưng rưng nước mắt:

Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng

Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng.

Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông,

Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công.

Việt Nam Hồ Chí Minh.

Việt Nam Hồ Chí Minh.

Việt Nam Hồ Chí Minh.

Việt Nam Hồ Chí Minh.

Bài hát cũng đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam để lan tỏa ở nhiều nước như Nga, Đức, Cuba, Trung Quốc... Đặc biệt từ năm 1979, Hội Âm nhạc lao động Nhật Bản đã dịch bài hát ra tiếng Nhật và in phổ biến xuống tận 49 tỉnh thành, tờ Lettre du CAEF của Pháp cũng đã in nguyên bản tác phẩm.

Với việc sáng tác ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng”, Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được nhà nước trao tặng Huân chương Lao động để ghi nhận những công lao đóng góp của ông. Trong tấm bằng huân chương do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh ký cũng có ghi: “Thưởng nhạc sĩ Phạm Tuyên – Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Ủy ban Phát thanh-truyền hình Việt Nam đã có thành tích xuất sắc trong việc sáng tác bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” - góp phần cổ vũ kip thời cho ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”.

Kỷ niệm 1 năm kết thúc chiến tranh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã lấy tên bài hát để đặt tên cho một bài viết của Đại tướng trên báo Nhân dân, nêu bật ý nghĩa của chiến thắng vĩ đại ấy.

Đã qua 43 năm lửa và hoa, giữa thời bình hôm nay, lời ca dản dị, giai điệu vui tươi ấy vẫn vang lên thật xúc động mỗi dịp chào mừng ngày 30/4 lịch sử và các lễ kỷ niệm trọng đại. Với Nhạc sĩ Phạm Tuyên, đó là nguồn động viên lớn vì phần thưởng lớn nhất của người nghệ sĩ là tác phẩm của mình có sức sống lâu dài và có chỗ đứng trong lòng công chúng.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/suc-song-manh-liet-cua-nhu-co-bac-trong-ngay-dai-thang-72486.html