Sức sống mới ở những địa phương sau sáp nhập

Đầu tháng 4/2022, Quảng Ninh đã triển khai thực hiện việc sáp nhập các thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh. Dù mới chỉ thực hiện được thời gian ngắn, nhưng việc sáp nhập đã mang lại những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Đời sống nhân dân ổn định, bộ máy lãnh đạo mới ở cấp thôn được kiện toàn với sự tín nhiệm cao của nhân dân đã hoạt động hiệu quả, trở thành 'cánh tay nối dài' của đảng bộ, chính quyền các cấp.

Khu Bình Quyền, thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu) sau sáp nhập tổ chức họp chuẩn bị bầu trưởng khu (tháng 5/2022).

Khu Bình Quyền, thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu) sau sáp nhập tổ chức họp chuẩn bị bầu trưởng khu (tháng 5/2022).

Đảm bảo gắn kết cộng đồng

Thực hiện Nghị quyết số 89/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu) sáp nhập 10 khu có quy mô nhỏ thành 5 khu mới. Cụ thể, đã sáp nhập khu Bình Quyền và khu Bình Dân thành khu Bình Quyền; khu Nà Pạ 1 và Nà Pạ 2 thành khu phố Nà Pạ; khu Co Nhan 1 và khu Co Nhan 2 thành khu phố Co Nhan; khu Chang Chiếm và khu Nà Kẻ thành khu Nà Kẻ; khu phố Pắc Liềng 1 và Pắc Liềng 2 thành khu phố Pắc Liềng.

Đến khu Bình Quyền, chúng tôi được bà Hoàng Thị Liên, Trưởng Ban Công tác mặt trận khu, giới thiệu: Khu Bình Quyền đuợc hình thành từ việc sáp nhập 2 khu Bình Quyền và Bình Dân từ tháng 4/2022. Ngoài đáp ứng đủ những nguyên tắc, tiêu chí theo quy định, việc sáp nhập 2 khu trên còn dựa trên sự tương đồng về truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của người dân. Sau sáp nhập 2 khu, bà con ngày càng đoàn kết, hòa đồng, giúp đỡ nhau; thôn luôn hoàn thành tốt mọi chương trình, kế hoạch các cấp, ngành đề ra, đời sống của người dân ngày càng ổn định và nâng cao hơn.

Sau sáp nhập, khu Bình Quyền mới vẫn duy trì sử dụng 2 nhà văn hóa để luân phiên tổ chức sinh hoạt, các cuộc họp thường niên.

Đặc biệt, từ việc sáp nhập khu, các chỉ số về diện tích đất đai, quy mô dân số được nâng lên, số lượng đảng viên trong chi bộ khu cũng tăng hơn, góp phần đưa chi bộ vững mạnh hơn. Trước khi sáp nhập, khu Bình Quyền có 104 hộ dân và khu Bình Dân có 92 hộ dân. Kể từ khi khu Bình Quyền được thành lập, dân số toàn khu tăng lên 196 hộ, số đảng viên là 68 người.

Các tổ chức đoàn thể trong thôn, như: Thanh niên, phụ nữ, nông dân có đông hội viên và nguồn lực để triển khai nhiều mô hình, hoạt động phù hợp với địa phương. Đặc biệt là các nội dung hướng về xây dựng nông thôn mới nâng cao ngày càng được chú trọng và có chiều sâu hơn. Hiện tại, khu duy trì sử dụng 2 nhà văn hóa cũ để luân phiên tổ chức sinh hoạt, các cuộc họp thường niên. Theo bà Liên, đối với bà con nơi đây, nhà văn hóa là sự gắn kết của tất cả mọi người. Chính vì vậy, việc sử dụng luân phiên giữa 2 nhà văn hóa không chỉ nhằm thay đổi không gian họp hành, tạo cho bà con sự thuận tiện về khoảng cách di chuyển, mà còn góp phần gắn kết tất cả mọi người lại với nhau, phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu) Hoàng Thị Nghị cho biết: Qua công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 89 của HĐND tỉnh về sáp nhập thôn, bản, khu phố, nhiều kết quả khả quan và tích cực đã được ghi nhận trên địa bàn thị trấn. Cụ thể, đối với các chủ trương, chính sách của địa phương, bà con thống nhất cao hơn trước. Việc bố trí các vị trí cán bộ khu được tinh giản, tuy nhiên lại đạt được hiệu quả công việc tốt hơn trước, đặc biệt trong công tác tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm để xây dựng cuộc sống ngày càng tiến bộ, phát triển; khí thế thi đua lao động sản xuất và các phong trào, cuộc vận động đã sôi nổi hơn, thu hút được nhiều người tham gia hơn.

Cán bộ xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu) đến các hộ dân tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xây dựng cuộc sống ngày càng tiến bộ.

Tương tự như thị trấn Bình Liêu, tại các địa phương thực hiện sáp nhập thôn, bản, khu phố, đến nay các thôn, bản, khu phố mới đều hoạt động rất ổn định. Các phong trào văn hóa, thể thao của địa phương sôi nổi hơn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh. Sau sáp nhập tính tự quản của người dân cũng tăng hơn; nhân dân có điều kiện khôi phục, duy trì các truyền thống văn hóa tốt đẹp trước đây.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Bình (huyện Đầm Hà) Chu Huy Bân cho biết: Sau hơn 2 tháng thực hiện việc sáp nhập thôn Tân Việt và thôn Đông Sơn thành thôn Tân Sơn, việc huy động nguồn lực từ nhân dân tăng lên rõ rệt, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu. Việc cơ cấu lại ngành nghề ở nông thôn cũng thuận lợi hơn bởi quy mô dân số lớn, hạn chế được tính chất sản xuất nhỏ lẻ, manh mún ở nông thôn. Đồng thời tạo điều kiện cho người dân hợp tác sản xuất, tạo chuỗi cung ứng dịch vụ sản xuất nông nghiệp ở địa phương, tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung.

Khởi động bộ máy mới

Kiện toàn, bố trí đội ngũ cán bộ sau sáp nhập thôn, bản, khu phố là việc làm cấp thiết nhằm bảo đảm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở địa phương. Vì vậy, ngay sau khi thực hiện việc sáp nhập các thôn, bản, khu phố, tỉnh đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn hướng dẫn cơ sở nhanh chóng kiện toàn lại hệ thống chính trị, các chức danh hoạt động không chuyên trách ở các thôn, bản, khu phố mới theo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong quá trình hoạt động.

Người dân thôn Khe Quang mới (xã Đại Dực, huyện Tiên Yên) làm thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại của xã.

Trên cơ sở các hướng dẫn của tỉnh, các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc sắp xếp lại các chi bộ; tiến hành kiện toàn các chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp thôn bảo đảm theo quy định; thực hiện chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ chịu tác động do sắp xếp, sáp nhập bảo đảm kịp thời, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.

Trước khi sáp nhập, toàn tỉnh có 1.542 thôn, bản, khu phố. Sau khi sắp xếp, hiện còn 1.452 thôn, bản, khu phố. Hiện nay, các thôn, bản, khu phố mới thành lập sau sáp nhập đều chính thức hoạt động với bộ máy mới. Các chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh đều được kiện toàn lại và hoạt động theo đúng chức năng. Các chức danh không chuyên trách cấp thôn cũng được bố trí kiêm nhiệm, đảm bảo đúng số lượng đề ra. Ngày 5/6 vừa qua, cùng với các thôn, bản, khu phố trong toàn tỉnh, các thôn, bản, khu phố sau sáp nhập đã tiến hành đồng loạt bầu trưởng thôn, bản, khu phố theo đúng quy định. Các trưởng thôn, bản, khu phố mới đều nhận được số phiếu tín nhiệm rất cao,

Bà Chu Bích Sen, Trưởng khu Nà Pạ, thị trấn Bình Liêu, cho biết: “Ngày bầu cử vừa qua, tôi cũng được cử tri trong khu tín nhiệm 100% bầu giữ chức vụ trưởng khu. Các chức danh còn lại trong khu cũng đã được kiện toàn đầy đủ. Sau khi có bộ máy mới, chúng tôi đã bắt tay ngay vào nhiệm vụ. Công việc sau sáp nhập khu nhiều hơn vất vả hơn. Ban lãnh đạo các khu mới đều có đại diện lãnh đạo khu cũ nên cũng thuận lợi trong quá trình triển khai. Hiện nay, toàn khu đang tập trung thực hiện chương trình xây dựng NTM để quyết tâm về đích NTM trong năm nay; đồng thời xóa 3/5 hộ nghèo, 10/15 hộ cận nghèo.

Sau sáp nhập thôn, bản, khu phố, đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số cũng được nâng lên.

Cùng với việc bắt tay ngay vào thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hiện các thôn, bản, khu phố đang tích cực chuẩn bị cho đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2022-2025 sẽ diễn ra vào ngày 3/7 tới đây. Trong đó, đang tập trung công tác chuẩn bị báo cáo trình tại đại hội; dự thảo quy chế hoạt động; giới thiệu nhân sự vào chi ủy khóa mới. Đối với chức danh bí thư chi bộ, thống nhất thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Song song với đó, việc nắm bắt và lập danh sách số hộ, số khẩu ở các thôn, bản, khu phố mới đã được cập nhập và theo dõi thường xuyên. Các thôn, bản, khu phố đang tiến hành xây dựng lại quy ước, hương ước.

Có thể nói, sau sáp nhập tuy không tránh khỏi những khó khăn nhưng các thôn, bản, khu phố mới bước đầu đi vào hoạt động đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, đã giúp tăng quy mô các thôn, khu trên địa bàn tỉnh, góp phần kiện toàn, củng cố các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp thôn mạnh về số lượng, chất lượng; tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, cũng góp phần phát huy truyền thống văn hóa ở địa phương; xây dựng, giữ vững danh hiệu thôn, khu văn hóa; phòng chống các tệ nạn xã hội, phát triển đô thị văn minh, hiện đại; phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi và thực hiện công cuộc giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tại các địa phương.

Thu Chung

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/suc-song-moi-o-nhung-dia-phuong-sau-sap-nhap-3191721.html