Sức sống mới trên vùng đất anh hùng

Từng ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, gắn liền những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong kháng chiến, Khu ủy miền Đông và Trung ương Cục miền Nam ngày nay đã trở thành 'địa chỉ đỏ' để giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử và là 'địa chỉ xanh' của du lịch sinh thái.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh dâng hương tại di tích Trung ương Cục miền Nam (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: L.Na

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh dâng hương tại di tích Trung ương Cục miền Nam (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: L.Na

Vùng đất và con người nơi đây đang vươn mình đón vận hội mới nhưng vẫn chú trọng gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống; giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau trong quá trình phát triển.

* Tự hào truyền thống cách mạng

Tự hào truyền thống anh hùng 60 năm qua, Đảng bộ, chính quyền các cấp ở Đồng Nai luôn chú trọng thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Vùng đất Chiến khu Đ nơi có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia được công nhận là Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông Nam bộ và địa đạo Suối Linh đã không ngừng thay da đổi thịt. Nhiều công trình, dự án văn hóa tiêu biểu đã, đang được triển khai tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai; đời sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện.

Trong định hướng phát triển giai đoạn 2020-2025, Đảng bộ H.Vĩnh Cửu đã xác định những bước đột phá, trong đó tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông. Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện vào năm 2030, trọng tâm là du lịch cảnh quan thiên nhiên gắn với di tích lịch sử, xây dựng thương hiệu du lịch rừng, hồ Trị An, sinh thái vườn; hỗ trợ phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tham gia xã hội hóa hạ tầng du lịch, hình thành một số tuyến, điểm du lịch đặc trưng của địa phương.

Hệ thống giao thông nơi đây được cải tạo nâng cấp, trường học được xây mới khang trang để con em trong H.Vĩnh Cửu có điều kiện học tập, nâng cao trình độ dân trí. Nhiều hộ đồng bào dân tộc trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, tích cực khơi dậy và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Năm 2017, H.Vĩnh Cửu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và hiện tại đang xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, một phần đất rừng của vùng đất này đã trở thành lòng hồ thủy điện Trị An, hóa thân thành dòng điện thắp sáng cho các tỉnh miền Đông Nam bộ và cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Từng sống, chiến đấu trong những năm tháng ác liệt của chiến trường miền Đông Nam bộ, chứng kiến sự đổi thay của vùng đất anh hùng, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (nguyên Hội trưởng Phụ nữ miền Đông Nam bộ, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) kể rằng, trong kháng chiến, phụ nữ miền Đông tích cực tham gia lực lượng làm công tác binh vận ở những nơi có đồn bốt địch đóng giữ, vận động binh lính góp đạn, lựu đạn; đồng thời tham gia bảo vệ, nuôi giấu cán bộ để bảo tồn lực lượng cách mạng. Khi bị địch bắt, chịu những trận đòn tra khảo tàn nhẫn của kẻ thù nhưng các mẹ, các chị vẫn một lòng không khai báo nửa lời... Giờ đây, tuy tuổi đã cao, sức yếu nhưng làm bất cứ việc gì thì bản thân bà vẫn nêu cao truyền thống anh hùng, với tinh thần “trẻ xung phong, già gương mẫu”.

* Sức sống mới

Là một trong những nhân chứng lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gắn bó với vùng đất Chiến khu Đ, Trung ương Cục miền Nam hơn 11 năm, ông Phạm Đình Tuất (ngụ tại TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu) chia sẻ: “Phát huy truyền thống cách mạng, với bản chất cần cù, chịu khó bà con nơi đây đã tạo dựng được cuộc sống ổn định, đầy đủ và ngày càng sung túc hơn. Chúng tôi rất tự hào khi quê hương mình đang đổi mới. Thật không uổng công mồ hôi, xương máu của cha ông đã đổ xuống để đổi lại hòa bình, độc lập hôm nay”.

Đường về Khu ủy miền Đông, Trung ương Cục miền Nam năm xưa giờ đây đã đổi thay nhiều. Đi trên con đường mới, hòa mình trong không khí mát lành giữa cây rừng xanh bạt ngàn càng cảm nhận hết được sự đổi thay kỳ diệu và sức sống phi thường của thiên nhiên cũng như con người khi phải oằn mình suốt mấy mươi năm trường kỳ kháng chiến, gian khổ để cất vang khúc khải hoàn chiến thắng mùa xuân năm 1975. Đặc biệt là sự đóng góp, hy sinh to lớn của các thế hệ đồng bào dân tộc Chơro, S’tiêng ở Lý Lịch, Vĩnh An... để làm tròn được nhiệm vụ cách mạng giao

Anh Nguyễn Văn Tùng (con trai của cố già làng Năm Nổi, xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) cho hay: “Trong những năm qua, bà con dân tộc Chơro chúng tôi được Đảng, Nhà nước và chính quyền quan tâm, hỗ trợ rất nhiều. Đời sống vật chất và tinh thần của bà con đều được nâng cao, sản xuất ngày một phát triển hơn. Giờ đây bà con đã có của ăn, của để. Điều đó khiến chúng tôi rất phấn khởi, luôn tin tưởng và một lòng đi theo Đảng, Bác Hồ”.

Địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống

Khu ủy miền Đông và Trung ương Cục miền Nam ngày nay đã trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia vô cùng quý giá, không chỉ đối với Đồng Nai mà còn đối với người dân cả nước. Khu di tích này đã và đang được Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai quan tâm, thường xuyên trùng tu, tôn tạo, cải tạo cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp. Nhiều cuộc thi sáng tác nghệ thuật mới, triển lãm trưng bày, sưu tầm hiện vật, tư liệu lịch sử quan trọng được tổ chức, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân và du khách.

Học sinh trên địa bàn tỉnh tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử tại di tích Khu ủy miền Đông Nam bộ

Phó giám đốc phụ trách Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Nguyễn Hoàng Hảo cho biết, các di tích Khu ủy miền Đông, Trung ương Cục miền Nam hiện nằm trong Chiến khu Đ, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Đây là nơi hội đủ các yếu tố của một trung tâm du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử hấp dẫn với nhiều “địa chỉ đỏ” để tổ chức các chuyến du khảo về nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng, tạo nên tiềm năng to lớn về du lịch sinh thái tại địa phương.

“Những năm qua, Khu Bảo tồn đã làm tốt công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích văn hóa lịch sử, đặc biệt là bảo tồn rừng, xem đây là lá phổi xanh của miền đất Đông Nam bộ. Số lượng khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến với Khu Bảo tồn ngày càng tăng, trong đó có nhiều đoàn của học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Các em vừa đến tham quan, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ vừa tìm hiểu lịch sử, văn hóa của dân tộc trên mảnh đất miền Đông gian lao mà anh dũng” - ông Hảo nói.

Cùng với khu bảo tồn, vài năm trở lại đây, Tỉnh đoàn đã tăng cường tổ chức nhiều hoạt động về nguồn cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh tìm hiểu lịch sử, văn hóa vùng đất và con người vùng chiến khu. Ngoài ra, Tỉnh đoàn còn tổ chức các hội thi trực tuyến tìm hiểu lịch sử Đồng Nai và phối hợp với Đài PT-TH Đồng Nai tổ chức chương trình Lăng kính xanh... Qua đó, giúp đoàn viên, thanh niên tiếp nối và phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, tình nguyện xung kích, cố gắng đóng góp sức mình để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202102/ky-niem-60-nam-thanh-lap-khu-uy-mien-dong-va-trung-uong-cuc-mien-nam-1961-2021-suc-song-moi-tren-vung-dat-anh-hung-3044978/