Sức sống một di sản

Được đưa ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 8/12/2017, sau hơn 1 năm hát Xoan đang dần khẳng định những giá trị văn hóa quý báu của vùng đất Tổ nói riêng và trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.

Hát Xoan Phú Thọ đang khẳng định giá trị di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hát Xoan Phú Thọ đang khẳng định giá trị di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

Sự chuyển mình

Theo báo cáo của Sở VHTTDL Phú Thọ, sau hơn 1 năm đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại toàn bộ không gian văn hóa thực hành di sản tại các phường Xoan trên địa bàn tỉnh đã được tu bổ và phục hồi hoàn chỉnh; các lễ hội truyền thống gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan được duy trì và phục hồi tạo không gian văn hóa cho cộng đồng thực hành, trình diễn và trao truyền di sản. Từ chỗ chỉ còn 7 nghệ nhân có khả năng truyền dạy di sản đến nay đã có gần 100 nghệ nhân có khả năng truyền dạy và 300 nghệ nhân kế cận. Không những vậy, từ các phường Xoan gốc, khúc hát môn đình lan tỏa khắp 13 huyện, thị, thành.

Toàn tỉnh hiện có 34 câu lạc bộ cấp tỉnh với trên 1.500 người tham gia thực hành hát Xoan. Hát Xoan còn được thực hành ở 64 câu lạc bộ hát Xoan và dân ca cấp huyện và 42 câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca cấp xã. Ngoài ra, để hỗ trợ các phường Xoan gốc, các câu lạc bộ, tỉnh còn triển khai nhiều giải pháp thiết thực, trong đó có hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác truyền dạy và thực hành…

Bên cạnh đó, hiện nay, 100% các trường từ cấp tiểu học đến đại học trên địa bàn TP Việt Trì đã được phổ cập Hát Xoan trong chính khóa và ngoại khóa. Trong đó, mô hình “Trường học gắn với di sản hát Xoan” của ngành Giáo dục Phú Thọ đã phát huy hiệu quả, giúp học sinh nâng cao kiến thức, gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc.

Cùng với đó, là điểm nhấn trong lễ hội Đền Hùng 2019, tỉnh Phú Thọ vẫn tiếp tục tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về di sản Hát Xoan bằng hoạt động tổ chức trình diễn Hát Xoan. Theo đó, Hội Xoan năm nay sẽ tiếp tục được tổ chức ở nhiều điểm, từ di tích được cho là nơi khởi phát làn điệu Xoan nổi tiếng (miếu Lãi Lèn, phường Phượng Lâu, thành phố Việt Trì) đến không gian lễ hội dân gian đường phố, hứa hẹn mang đến cảm nhận sâu sắc về một loại hình di sản đặc biệt của vùng đất Tổ.

Không chỉ chú trọng trong công tác bảo tồn, một trong những giải pháp thiết thực mà Phú Thọ triển khai thời gian qua là việc gắn hát Xoan với phát triển du lịch và thành sản phẩm du lịch đặc trưng. Việc ra mắt sản phẩm du lịch “Hát Xoan làng cổ” và tour du lịch hằng ngày Hà Nội - Phú Thọ đã tạo nên một hướng đi chuyên nghiệp. Ở đó, “Hát Xoan làng cổ” trong thời gian qua đã trở thành điểm du lịch không thể thiếu trong tour du lịch của các công ty lữ hành đón khách về Phú Thọ.

Sau khi thăm viếng Đền Hùng, du khách sẽ tham gia chương trình trải nghiệm “Hát Xoan làng cổ”, từ đây du khách hiểu được toàn vẹn, sâu sắc hơn về nền văn hóa đất Tổ cội nguồn còn lưu giữ được trên mảnh đất Phú Thọ. Sản phẩm du lịch còn kết nối với các tour du lịch gắn với Thanh Thủy, Xuân Sơn và liên vùng Đông - Tây Bắc như Sapa, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng hay vùng đồng bằng sông Hồng như Hà Nội, Vĩnh Phúc.

Điều thú vị nhất với du khách chính là khi được hòa mình vào không gian cổ kính, được các nghệ nhân và đào kép Xoan hướng dẫn múa, hát cùng phường Xoan để có thể cảm nhận thêm những giá trị văn hóa gắn kết cộng đồng của hát Xoan. Mọi sự khác biệt về văn hóa, tuổi tác, ngôn ngữ bỏ lại phía sau, những du khách đến từ các quốc tế đều có thể cùng nhau giao lưu, tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống, độc đáo và đặc sắc của đất Tổ.

Theo bà Phùng Thị Hoa Lê - Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch (Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ): “Mỗi năm, các làng Xoan gốc đón và phục vụ hàng chục ngàn lượt khách về tham quan, công tác tổ chức biểu diễn và thuyết minh hướng dẫn đã sẵn sàng và chuyên nghiệp. Đặc biệt được sự quan tâm của tỉnh, các ngôi đền - không gian diễn xướng của hát Xoan được tu bổ, phục dựng, đây là thành tựu lớn lao, mang lại niềm tự hào, niềm vui không kể xiết của nhân dân vùng bảo tồn đặc biệt của Hát Xoan và của nhân dân trên toàn tỉnh Phú Thọ, chủ nhân của di sản quý báu của dân tộc”.

Hướng đi đúng

Để có được những thành công này, không thể phủ nhận hát Xoan có được sự chung tay tích cực từ cộng đồng, tổ chức xã hội... TS Lê Thị Minh Lý- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam chia sẻ: “Khi chúng tôi tham gia làm hồ sơ thì chỉ có 7 nghệ nhân Hát xoan nhớ được các bài bản một cách tương đối nhưng không có không gian thực hành. Ngay lập tức, tỉnh Phú Thọ đã có biện pháp bằng cách là phục hồi các bài bản, sau đó tạo ra một lớp công chúng mới. Lớp công chúng này là cộng đồng thông qua giáo dục và thông qua truyền thông”. Tuy nhiên, không phải hướng đi nào cũng “đúng đắn”.

TS Lê Thị Minh Lý dẫn chứng khi hát Xoan đưa vào danh sách cần bảo vệ khẩn cấp, Phú Thọ cũng đã có một chiến lược gần như là “phổ cập” hát Xoan. Tuy nhiên, theo ý kiến của các thành viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia lúc cho rằng không nên phổ cập hát Xoan như vậy, vì nó sẽ mất bản sắc và làm ảnh hưởng đến chính các cộng đồng. Sau đó, Phú Thọ đã thay đổi chiến lược và địa phương này coi như việc phổ biến ấy là tạo ra lớp công chúng thăng hoa thay vì xem họ là thực hành di sản chính thức.

“Từ quá trình bảo vệ và phát huy giá trị của hát Xoan Phú Thọ cũng đưa ra một số bài học về việc thực hiện công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam hiện nay, trong đó cần “lôi kéo” sự tham gia của các chuyên gia và các các tổ chức phi chính phủ” - TS Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh.

Có thể thấy, hiếm có trường hợp nào trên thế giới đặc biệt như hát Xoan của Việt Nam, di sản đầu tiên có sự chuyển đổi đặc biệt từ Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đặc biệt câu chuyện gìn giữ, bảo tồn hát xoan ở Phú Thọ thông qua các tour du lịch sẽ giúp nhiều người tin rằng du lịch hoàn toàn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển các di sản văn hóa phi vật thể khác.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/suc-song-mot-di-san-tintuc433709