Sức trẻ của điêu khắc đương đại

Điêu khắc trẻ đang có những bước chuyển mình rõ rệt, thể hiện ở sức sáng tạo dồi dào, tác phẩm mang đậm hơi thở thời đại, khẳng định tính độc lập. Tuy nhiên, để giữ được nhịp độ này, theo giới trong nghề, cần có chính sách khuyến khích người trẻ trong quá trình sáng tạo.

Sáng tạo sung sức, tác phẩm chất lượng

Theo dõi một số triển lãm của sinh viên điêu khắc, nhóm sinh viên đã tốt nghiệp và làm nghề, nhà điêu khắc Vương Học Báo, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nhận xét, giới điêu khắc trẻ mặc dù khó khăn nhưng vẫn âm thầm sáng tác, tích cực tổ chức trưng bày tác phẩm với quy mô nhỏ, thành nhóm. Họ vô cùng dũng cảm bởi dám bỏ sức lực, thời gian, kinh phí để thực hiện các tác phẩm có khối lượng lớn, chất liệu quý và đắt tiền như inox, sắt hàng, đồng… Đáng quý hơn, họ không ngừng vận động để bắt nhịp thời đại. Nhiều tác phẩm bảo đảm yêu cầu về chất lượng và thẩm mỹ tham gia triển lãm quốc tế và khu vực. “Tôi thực sự kính nể sức lao động của họ, dám xông vào nghề và làm nghề, mang tác phẩm đến với người dùng trong thời buổi điêu khắc vẫn trong giai đoạn khó khăn, kén công chúng. Một số nhà điêu khắc trẻ như Vũ Bình Minh, Thái Nhật Minh… đã mạnh dạn mang tác phẩm của mình giới thiệu và thành công tại các nước trong khu vực”.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn đánh giá, rõ ràng ngôn ngữ điêu khắc đương đại Việt Nam ngày càng gần thế giới. Các nhà điêu khắc trẻ đang làm thay đổi cảm nhận về điêu khắc, và họ đã làm đúng thời điểm. Tác phẩm của họ không chỉ dừng ở tượng lớn với chất liệu rắn chắc như đồng, sắt, thạch cao, đá, gỗ… mà chuyển sang làm từ giấy dó, bột màu, đất sét… và cả những vật liệu tái chế (ống hút, túi nylon…). Trong các không gian nghệ thuật sắp đặt, sự có mặt của tác phẩm điêu khắc ngày càng được chú trọng, để tăng tính thẩm mỹ, truyền tải thông điệp và tăng tương tác với khán giả.

Tác phẩm của các điêu khắc gia trẻ ngày càng tiệm cận với cuộc sống đương đại. Ảnh: HS

Ở một số không gian nghệ thuật sắp đặt, tác phẩm điêu khắc của người trẻ với chất liệu đất sét, vải vụn, thậm chí là nước và ánh sáng… khiến cho tác phẩm nhiều màu sắc, chất liệu mềm mại, dễ thể hiện hoặc thay đổi nhiều chủ đề mà không mất chi phí quá nhiều, tác phẩm vì thế truyền cảm hứng cho công chúng, được công chúng đón nhận. Hơn nữa, theo nhà điêu khắc Phạm Thái Bình, thế hệ trẻ ngày càng có điều kiện, thực sự thích nghệ thuật, yêu nghệ thuật, chơi nghệ thuật, có cơ hội sáng tác nhiều xu hướng điêu khắc trong nhà, điêu khắc công sở, điêu khắc phục vụ không gian công cộng… “Tôi đánh giá cao việc họ lựa chọn phong cách điêu khắc có ngôn ngữ hiện đại, bày tỏ cái tôi nhiều hơn, thể hiện quan điểm của họ nhiều hơn. Việc đề cao cái tôi trong tác phẩm điêu khắc chính là sự văn minh, tiến bộ trong thời điểm hiện nay”, nhà điêu khắc Phạm Thái Bình nói.

Tạo thêm cơ hội cho nghệ sĩ trẻ

Từng mang tác phẩm giới thiệu tại triển lãm ở Hong Kong (Trung Quốc), nhà điêu khắc Phạm Thái Bình nhìn nhận sự phát triển của công nghệ thông tin, cho phép các nhà điêu khắc, nhất là nhà điêu khắc trẻ nắm bắt nhanh và chính xác các xu hướng, xu thế trong khu vực và thế giới, song điều này cũng dễ làm cho họ đánh mất bản sắc khi không giữ được văn hóa, nguồn cội, tính cá nhân trong con đường sáng tác nghệ thuật. Bên cạnh đó, do điêu khắc chưa có thị trường, người làm điêu khắc đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình sáng tác và làm nghề, đòi hỏi có hướng đi và chính sách riêng.

Nhằm khích lệ trực tiếp người trẻ theo đuổi điêu khắc, ông Vương Học Báo cho rằng, chính các nhà sưu tập, các đơn vị, tổ chức nên học tập các nước, bỏ tiền đặt hàng tác phẩm. Tiêu biểu như cách Flamingo Đại Lải với dự án nghệ thuật “Art In The Forest (Nghệ thuật trong rừng) mang đến cơ hội cho các điêu khắc gia trẻ suốt 6 - 7 năm qua. Cũng nhờ đó, đến nay Flamingo Đại Lải đã có khối tài sản lớn, giá trị, đủ để thiết lập một bảo tàng điêu khắc ngoài trời, các nghệ sĩ cũng có điều kiện hơn trong sáng tác lâu dài.

Nhà điêu khắc Phạm Thái Bình góp ý thêm, cùng với các tổ chức, cá nhân, biểu hiện tích cực từ phía các cơ quan Nhà nước cũng khuyến khích nhà điêu khắc trẻ trong sáng tác. Đó là sự thay đổi cách thức tổ chức cuộc thi và triển lãm điêu khắc toàn quốc, thay vì 10 năm như trước kia, từ năm 2023, sân chơi này sẽ được tổ chức 5 năm 1 lần. “Với thay đổi này, cá nhân tôi đánh giá, giới điêu khắc sẽ tích cực hưởng ứng để sáng tác và thể hiện. 5 năm vừa đủ giúp nghệ sĩ kịp thời thể hiện sáng tạo trên tác phẩm, thêm cơ hội để Nhà nước nhìn nhận, công chúng đánh giá, từ đó khẳng định mình, tiếp tục sáng tác, cống hiến và sống với nghề”.

“Ngoài ra, hàng năm, ngân sách của Nhà nước, của mỗi địa phương cũng nên dành kinh phí để có được tài sản nghệ thuật của các nghệ sĩ trẻ. Nếu không thay đổi quan niệm trong sử dụng tác phẩm điêu khắc hiện nay, chúng ta sẽ bị lỡ nhịp với nghệ thuật quốc tế trong thời gian tới”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận định.

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/suc-tre-cua-dieu-khac-duong-dai-i330091/