Sức vóc miền Trung

Như một kỳ tích, dấu ấn sự vươn lên mạnh mẽ, bứt phá phát triển đang hiển hiện, dần thay thế cho hình ảnh lam lũ, nghèo khó vốn gắn chặt bao đời nay ở dải đất miền Trung. Trước những thời cơ mới, vận hội mới thênh thang mở lối, người dân miền Trung càng tự hào, vững tin vào tương lai rực rỡ trong mùa xuân mới Quý Mão 2023 này.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trò chuyện cùng Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng bên lề hội nghị quán triệt Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị diễn ra cuối năm 2022.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trò chuyện cùng Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng bên lề hội nghị quán triệt Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị diễn ra cuối năm 2022.

Sôi động miền Trung

Rong ruổi dọc tuyến huyết mạch ven biển duyên hải miền Trung khoảng giao mùa chuyển sang năm mới, có thể cảm nhận đầy đủ, rõ nét hơi thở gấp gáp bước chuyển mình mạnh mẽ, đầy năng lượng ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Sau 2 năm bị dồn nén bởi dịch bệnh, thiên tai, miền Trung như chiếc lò xo bật lên chạy đua với thời gian để bứt tốc lao mình về phía trước. Chưa bao giờ, sức vóc, vị thế, tiềm năng của miền Trung được khai phóng lên tầm cao mới đến thế. Miền Trung với nguồn lực dồi dào kinh tế biển đã vươn lên trở thành vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững. Vùng đất vốn được ví như chiếc đòn gánh lam lũ, nhọc nhằn này giờ đây đã đổi thay đến ngỡ ngàng. Bóng dáng nhiều khu đô thị trẻ, hiện đại có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ hiển hiện, kết nối các trung tâm công nghiệp, dịch vụ, các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực. Miền Trung đang khẳng định một cách ấn tượng sứ mệnh lịch sử là vùng kinh tế trọng điểm quốc gia có sức hút, sức lan tỏa của một cực tăng trưởng mạnh mẽ như các vùng hai đầu đất nước và là “mặt tiền”, “cửa ngõ” ra biển của vùng Tây Nguyên và trục hành lang kinh tế Đông - Tây nối Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar.

Trong nền bức tranh tươi sáng ấy, Đà Nẵng như một lát cắt điển hình của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Thành phố “đầu biển cuối sông” đang xác lập vị thế, tư thế vai trò đô thị hạt nhân có sức lan tỏa, là trung tâm kinh tế - xã hội của toàn vùng. Nói như PGS. TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Sau khi tách khỏi Quảng Nam, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xác lập vị thế, tư thế trung tâm trong liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm duyên hải miền Trung. Đà Nẵng đã khai thác hiệu quả các nguồn lực nội sinh để vươn lên mạnh mẽ, định hình thương hiệu “thành phố đáng sống”, thành phố du lịch biển đáng tự hào. Tương lai xa, Đà Nẵng cần định hướng, tầm nhìn mới với chiến lược phát triển mới phù hợp với xu thế thời đại và sứ mệnh vùng, quốc gia trên nền tảng kinh tế số, trung tâm đổi mới - sáng tạo - công nghệ quốc gia và là trung tâm tài chính quốc tế của cả khu vực Đông Nam Á”. Ý tưởng ấy càng có cơ sở hơn bởi kết thúc năm 2022, Đà Nẵng xác lập các chỉ số phát triển mang tính chiều sâu và bền vững: Tốc độ tăng trưởng cao thuộc tốp đầu cả nước (GRDP, giá so sánh 2010 ước đạt 73.859 tỷ đồng, ước tăng 14% so với năm 2021 (Nghị quyết tăng 6-7%). Tổng thu ngân sách năm 2022 trên địa bàn đạt 23.578 tỷ đồng, bằng 120,1% dự toán, tăng 3,5% so với năm 2021. GRDP bình quân đầu người đạt 4.309 USD. Những chỉ số tích cực ấy giúp Đà Nẵng tự tin bước vào năm 2023 “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.

Đà Nẵng, thành phố như một cánh buồm căng vươn mình ra biển lớn.

Ngược vào phía Nam, “người anh em” của Đà Nẵng là Quảng Nam cũng bước vào năm mới với tâm thế ấn tượng: Tổng thu ngân sách vượt con số 32.000 tỷ đồng và nhiều thành tựu lớn trên các lĩnh vực. Quan trọng hơn, Quảng Nam còn đóng một dấu son trong chuỗi liên kết vùng khi có hàng loạt “đại bàng” vào “làm tổ” khiến vùng Đông sôi động. Nổi bật nhất là Khu kinh tế mở Chu Lai được ví như “trái tim” của toàn vùng gắn chặt với những “thương hiệu quốc gia” như Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO). Từ khi thành lập đến nay, THACO đã đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 180.000 tỷ đồng, riêng năm 2022 dự kiến nộp ngân sách gần 32.500 tỷ đồng. Như cách “nói cho vui” nhưng lại hàm chứa tư duy, hành động của vị thế đầu tàu, động lực miền Trung của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh về câu chuyện Quảng Nam cùng “đại bàng chúa” THACO tiếp tục xây tổ để có thêm nhiều “đại bàng” tiên phong. Ông tâm sự: “Cách đây 25 năm, tỉnh Quảng Nam ngay từ khi chia tách dù còn rất nghèo khó vẫn lo “làm tổ” để đón “đại bàng”. Và “đại bàng” đã đến thật, đấy là THACO, 20 năm trước là một “con chim” bé nhỏ nhưng sẵn tố chất của một “đại bàng” lớn. THACO đã cùng Quảng Nam vượt qua bao khó khăn để cùng lớn mạnh như ngày hôm nay. Bây giờ tỉnh Quảng Nam có “đại bàng” hàng đầu Việt Nam, mà tỉnh sẽ chăm chút hỗ trợ để “đại bàng” sản sinh ra nhiều đại bàng thế hệ mới nữa. Quan trọng không kém, đó là những “đại bàng” này sẽ tạo thế và dẫn dắt cho cả đàn chim ở Quảng Nam và khu vực miền Trung bay về. Biết đâu trong đàn chim đó, lại xuất hiện nhiều “đại bàng” tiên phong nữa”. Chính nhân tố này làm nên một Khu kinh tế mở Chu Lai hấp dẫn hợp với cảng biển, sân bay Chu Lai kết nối với Khu kinh tế Dung Quất - Quảng Ngãi định hình một cách bền vững tương lai tươi sáng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Mà đâu chỉ Đà Nẵng, Quảng Nam, nhiều địa phương của vùng trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đang là những cực tăng trưởng mạnh, kết nối làm cửa ngõ ra biển cho vùng “kinh tế xanh” Tây Nguyên để tạo nên vị thế đặc biệt quan trọng cho miền Trung so với các vùng chiến lược của cả nước.

Với những thành tựu lớn, THACO được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai.

Vận hội mới

Trong gợi mở hoạch định chiến lược của các chuyên gia hàng đầu, sức phát triển của miền Trung hiện tại đang bức bí, có thể gói gọn trong hình ảnh “chiếc áo quá chật” cần phải được cởi bỏ, thay thế bằng không gian phát triển mới, xứng tầm với vị thế của vùng. Và đó cũng là căn nguyên để ngày 3-11- 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc... Phải nói rằng, chưa bao giờ vị thế, sự phát triển của miền Trung lại được nâng lên tầm cao đến như thế. Ở đó, không còn là sự cựa quậy, tự chòi đạp để vượt lên, mà có sự liên kết, phân vai cụ thể để cùng về đích, hoàn thành sứ mệnh của vùng kinh tế trọng điểm quốc gia. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhìn nhận: “Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị là một văn kiện có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện tư duy và tầm nhìn, định hướng chiến lược của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong chiến lược phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, cũng như các địa phương trong vùng. Đi liền với chủ trương lớn, Bộ Chính trị còn nêu rõ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để chuyển hóa vào thực tiễn phát triển của cả vùng”. Chìa khóa đã mở, giờ là lúc tất cả cùng xắn tay áo để xây dựng kế hoạch chương trình hành động, tận dụng thời cơ mở ra để phát triển. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng chia sẻ, Nghị quyết đã nêu ra một nhiệm vụ rất quan trọng là xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô cấp Vùng, Đà Nẵng kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư quan tâm, ủng hộ chủ trương và chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù trên cơ sở nền tảng Nghị quyết số 43- NQ/TW năm 2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như tạo cơ sở chính trị, pháp luật cho việc xây dựng và sớm hình thành các dịch vụ tài chính chất lượng cao tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham quan các nhà máy tại KCN THACO Chu Lai.

“Vì sao vào lúc này Bộ Chính trị lại phải bàn và ra Nghị quyết 26? Những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới là gì? Chúng ta cần làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả tốt nhất, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động?” - Ba câu hỏi được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu lên ngay trong Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết không chỉ là bức thông điệp, mà còn là mệnh lệnh để cả hệ thống chính trị và người dân cả nước đồng lòng hòa mình vào công cuộc đổi mới, phát triển miền Trung. “Tôi tha thiết kêu gọi và tin tưởng rằng: Cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành miền Trung sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, khí phách anh hùng, tinh thần sáng tạo, quả cảm, cùng với các ban, bộ, ngành trung ương và chính quyền các cấp trong cả nước càng đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh theo tinh thần: Cả nước vì Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ vươn lên cùng cả nước và vì cả nước!” - Tổng Bí thư nhấn mạnh. Con đường cái quan đang thênh thang mở lối để sức vóc miền Trung càng thêm đàng hoàng, to đẹp, viết tiếp kỳ tích trên hành trình phát triển ngay trong mùa xuân mới rực rỡ này.

NGUYỄN QUANG SANG

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/suc-voc-mien-trung-post271815.html