Sưng nề, hoại tử tay vì chữa rắn cắn bằng kinh nghiệm dân gian

Sau khi bị rắn độc cắn vào tay, gia đình đã dùng thuốc lá và hạt đậu đắp vào vết cắn, khiến bàn tay của trẻ bị hoại tử

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Phụ trách Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai xác nhận, khoảng 13h ngày 10/8, Khoa có tiếp nhận bệnh nhi T.K.V (10 tuổi, ở Bắc Cạn) bị rắn độc cắn (giờ thứ 18) trong tình trạng hoại tử rộng mu bàn tay trái (chỗ bị rắn cắn), hoại tử ngón tay IV, V trái, hoại tử thâm đen diện rộng cánh tay trái, lan ra vùng cổ và hố thượng đòn, cơ ngực lớn trái.

BS Nguyễn Thành Nam thăm khám cho bệnh nhi bị rắn cắn.

Người nhà bệnh nhi chia sẻ, cháu T.K.V bị rắn hổ mang bành cắn vào mu bàn tay trái khi đang đi chăn bò trên đồi cùng với bố. Sau khi bị rắn cắn, gia đình đã dùng thuốc lá và hạt đậu lào đắp vào vết cắn. Sau đó vài giờ, tay cháu V xuất hiện đau nhức, sưng nề, hoại tử lan rộng, gia đình đã đưa trẻ đến BVĐK Bắc Cạn, sau đó chuyển đến Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.

Ths. BS. Nguyễn Thành Nam cho biết, hiệnđang là mùa mưa - mùa sinh sôi phát triển của rắn. Trong một tháng trở lại đây, mỗi tuần Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 1-3 ca bị rắn cắn nhập viện, tập trung phần lớn ở các vùng trung du, miền núi của Hà Tây cũ, Lai Châu, Hòa Bình, Bắc Cạn, Yên Bái.

BS Nam cho biết, sai lầm lớn nhất trong sơ cứu khi bị rắn cắn là người nhà cứ loay hoay ở nhà áp dụng kinh nghiệm dân gian, chỉ đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp (tím tái, co cơ, khó thở…) hoặc sưng nề hoại tử diện rộng thì mới đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế.

Theo vị bác sĩ này, sau khi bị rắn độc cắn cần nhanh chóng sơ cứu đúng cách với mục đích hạn chế thấp và chậm nhất sự xâm nhập của nọc độc vào trong cơ thể, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có điều kiện để cấp cứu suy hô hấp, tim mạch tốt hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu để được xử lý kịp thời.

Hình ảnh bàn tay trái của bệnh nhi bị hoại tử.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân không sử dụng các biện pháp: Cố hút nọc độc của rắn; Trích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn; Gây điện giật, chườm đá, sử dụng “hòn đá chữa rắn cắn”; Sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo; Cố gắng bắt hoặc giết rắn… bởi tất cả các biện pháp trên đều không mang lại hiệu quả mong muốn và chưa có cơ sở khoa học chứng minh.

Các bước sơ cứu đúng nhất khi bị rắn cắn:

1 - Động viên bệnh nhân bình tĩnh để làm các động tác sơ cứu, tìm cơ sở y tế tốt nhất có thể đến cấp cứu kịp thời.

2 - Không để bệnh nhân tự đi lại; bất động chân, tay bị rắn cắn bằng nẹp (vì vận động sẽ làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn).

3 - Băng ép bất động khi bị một số loại rắn hổ cắn (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường).

4 - Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động.

5 - Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay...).

Các bác sĩ cũng lưu ý, bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu.

M.Thanh

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/y-te-suc-khoe/sung-ne-hoai-tu-tay-vi-chua-ran-can-bang-kinh-nghiem-dan-gian-13370