Suối Yến tấp nập, lái đò xếp hàng đón khách ngày khai hội chùa Hương

Ngay từ sớm ngày 15/2 (tức mùng 6 tháng Giêng), khu vực suối Yến đã tấp nập thuyền chở khách thập phương tới khai hội chùa Hương 2024.

Sáng nay 15/2, lễ hội chùa Hương Xuân Giáp Thìn 2024 đã chính thức khai mạc với chủ đề "Lễ hội chùa Hương an toàn - văn minh - thân thiện", thu hút đông đảo khách thập phương về dự hội. Ngay từ sớm, dù thời tiết có mưa nhưng đông đảo người dân vẫn háo hức đi trẩy hội chùa Hương. Trên dòng suối Yến, lái đò xếp hàng đón khách.

Dòng người hành hương, di chuyển tấp nập trên suối Yến.

Được biết năm nay Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương quyết định thành lập HTX Dịch vụ du lịch chùa Hương - đơn vị quản lý các hoạt động lái đò ở khu di tích.

Đơn vị này đã tuyển chọn và tập huấn đội ngũ lái đò với 3.800 - 4.500 phương tiện. Đò được đánh số, lắp ghế, có giỏ đựng rác, áo phao, ô che mưa nắng, lái đò được cấp thẻ và vận chuyển khách theo thứ tự.

Theo Trưởng Ban quản lý Khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn, sau khi đón khách bằng hình thức vận hành đơn vị quản lý đò mới, không còn xảy ra tình trạng chặt chém, lái đò không mời chào, chèo kéo dọc đường

Giá vé dịch vụ thuyền đò vận chuyển khách năm nay gồm các tuyến: Hương Tích với mức giá 85.000 đồng/người cho 2 lượt; tuyến Long Vân giá 65.000 đồng/người 2 lượt; tuyến Tuyết Sơn giá 65.000 đồng/người 2 lượt.

Thời gian vận chuyển thuyền đò đưa khách tham quan từ 5h00 - 20h00 các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 và từ 4h00 - 20h00 vào các ngày thứ 7, Chủ nhật.

Lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội lớn của miền Bắc kéo dài 3 tháng, thu hút hàng vạn khách tham gia mỗi ngày.

Theo thống kê của Ban quản lý khu di tích, 3 ngày qua nơi này đón khoảng 80.000 khách, riêng mùng 5 Tết đón hơn 40.000 người.

Dự kiến ngày khai hội mùng 6 Tết, chùa Hương đón khoảng 30.000 khách. Số lượng du khách ước tính cao hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Hương 2024, hành hương về với chùa Hương là nét đẹp của mỗi phật tử, du khách nhiều đời nay.

Lễ hội có mối quan hệ mật thiết, kết nối giữa di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, là cầu nối giữa hiện tại, quá khứ và tương lai, là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân, du khách và phật tử thập phương.

Nhóm PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/suoi-yen-tap-nap-lai-do-xep-hang-don-khach-ngay-khai-hoi-chua-huong-post1077108.vov