Sương Nguyệt Minh và những trang viết ám ảnh về chiến tranh

Sương Nguyệt Minh là hiện tượng độc đáo và đặc biệt của Văn học Việt Nam đương đại. Là người lính từng cầm súng chiến đấu ở chiến trường Campuchia chống quân Pol Pot, những trải nghiệm sâu sắc về cuộc chiến đã cho anh vốn sống phong phú và quý giá. Những tác phẩm viết về chiến tranh của anh đã kiến tạo hiện thực bên trong tâm hồn người lính vô cùng nhân văn. Có thể nói, Miền hoang (NXB Phụ nữ) là tiểu thuyết hay nhất viết về chiến tranh trong văn học thời kì đổi mới.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Trước hết, thi pháp của tiểu thuyết là sự đan xen trộn lẫn giữa hiện thực và nghịch dị, kỳ ảo, quái dị. Hiện thực trong tác phẩm đi chênh vênh giữa những lằn ranh thực-ảo, hữu lý-phi lý, cao thượng-thấp hèn, hủy diệt-tái sinh, thiện-ác, đẹp-xấu. Chiến tranh là mất mát, đau thương, hủy diệt. Nhân vật chính-Tùng-người lính bị quân Pol Pot bắt. Anh một mình chống lại kẻ thù tàn nhẫn, một mình chống lại cái đói, sốt rét rừng, lạc rừng. Đau đớn và xót xa nào bằng, anh từng vô tình ăn thịt được nấu từ xác người do tàn quân Pol Pot nấu. Đây là chi tiết ám ảnh nhất về chiến tranh, mang giá trị tố cáo tội ác của Pol Pot diệt chủng dã man. Chiến trường Campuchia nơi Tùng đang chiến đấu như một mê cung của rừng thiêng, nước độc, chết chóc và kinh hoàng. Tùng đã phải chứng kiến biết bao câu chuyện về những cái chết của những người tri thức như thầy hiệu trưởng, cô nghiên cứu sinh, đứa bé... Anh đã lạc trong mê cung ấy trong nỗi tuyệt vọng bị bỏ rơi, bị lãng quên.

Nhưng bằng sự kiên cường, quả cảm, anh hùng của một người lính, Tùng đã thoát ra được mê cung chết chóc ấy. Tùng là kiểu nhân vật tự ý thức, phản tư. Nhân vật luôn đối thoại với chính mình: "Tùng lại nghĩ về số phận trớ trêu của mình. Cuộc viễn chinh giúp bạn cũng là tự bảo vệ mình là một điều rất chính đáng". Những đối thoại đầy căn tính người, chân thật và trần trụi về thân phận của con người trong chiến tranh. Trước khi là anh hùng, người lính của chúng ta cũng rất con người. Là con người ai cũng phải trải qua những suy nghĩ sống còn như vậy, ai cũng muốn được sống đầy ý nghĩa. Cũng có nỗi sợ rất người. Đó là nỗi sợ phải chết. Tùng đã khát khao: Tôi muốn về quê hương. Tôi muốn về với mẹ, về với Thùy... Sương Nguyệt Minh, bằng tấm lòng và trái tim tha thiết của mình đã chạm đến sâu thẳm lòng người qua chi tiết đầy cảm thông và thấu hiểu. Người lính vẫn có những lúc yếu đuối chứ không phải lúc nào cũng mạnh mẽ. Quan niệm về con người của anh là con người đa diện, trộn lẫn anh hùng- đời thường.

Tác phẩm còn mê hoặc chúng ta bởi những diễn ngôn tâm linh. Trên cánh đồng chết, khoảnh khắc đối diện với cái chết, ảo ảnh đã hiện ra trong tâm trí Tùng. Trong lúc tuyệt vọng nhất anh đã cầu xin thần linh, đó là thần Vishnu. Biểu tượng linga và yoni trong tháp cổ, bầu sinh quyển đặc sánh tâm linh trong tháp là một sáng tạo độc đáo của nhà văn dự phần tạo nên những trang viết phiêu, chất như đi giữa thực và mơ. Hơn nữa, Miền hoang còn ám ảnh vì kiểu nhân vật nghịch dị xuất hiện nhiều lần đó là hình tượng dã nhân... Với tiểu thuyết giàu giá trị tư tưởng và nghệ thuật như Miền hoang, Sương Nguyệt Minh đã thành công trên hành trình xác lập vị thế trên bản đồ văn xuôi Việt Nam.

Huỳnh Thu Hậu

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_199826_suong-nguyet-minh-va-nhung-trang-viet-am-anh-ve-chien-tranh.aspx