Suy ngẫm về hành vi cản trở báo chí và rủi ro đạo đức nghề nghiệp trong báo chí

Năm 2018 sắp khép lại, những người làm báo Việt Nam tự hào nhìn lại những chặng đường đồng hành cùng Đất nước trên con đường Đổi mới, Hội nhập và Phát triển ngày một sâu rộng, thiết thực và hiệu quả hơn!

Báo chí chân chính phải "Phò chính trừ tà"

Báo chí cách mạng lấy sứ mệnh phụng sự Tổ quốc, Dân tộc và Nhân dân là trên hết, lấy nhiệm vụ "Phò chính trừ tà" là kim chỉ Nam, coi trọng phương pháp "lấy hoa thơm lấn át cỏ dại" trong tuyên truyền định hướng dư luận nhưng không né tránh những vấn đề gai góc, như đấu tranh phòng chống tiêu cực, đấu tranh với cái xấu phát sinh trong cuộc sống.

Trong bối cảnh sự bùng nổ thông tin như hiện nay, báo chí phải ganh đua về cung cấp thông tin với mạng xã hội nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu sống còn là Nhanh - Trúng - Đúng - Hay mới khẳng định được đúng vị thế và vai trò lịch sử của mình. Có thể thấy nền báo chí nước ta trong những năm qua về cơ bản đã đạt được những điều đó!

Tuy nhiên, vấn đề cản trở báo chí và rủi ro đạo đức nghề nghiệp báo chí là hai vấn đề nan giải đang đặt ra đối với một nền báo chí chân chính, phát triển theo kịp với những yêu cầu mới của cuộc sống trong thời đại Công nghệ Báo chí 4.0!

Nghề báo nghề chống lại cái sai trái, xấu xa, đòi lại công lý và bình đẳng

Rủi ro đạo đức nghề nghiệp

Bên cạnh những nhà báo, người làm báo chân chính sẵn sàng dấn thân vào sự nghiệp báo chí cách mạng, dũng cảm đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực trong xã hội vì những động cơ trong sáng góp phần làm cho xã hội ngày một tốt hơn thì cũng xuất hiện một bộ phận nhỏ người làm báo không đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ của danh, lợi mà sa vào con đường phạm pháp phát sinh từ hoạt động có liên quan đến nghề nghiệp của mình.

Trên thực tế, đại đa số những nhà báo đều hành nghề đúng pháp luật qui định và có phẩm chất đạo đức và tác phong nghề nghiệp đúng chuẩn mực. Chính vì vậy, báo chí nước ta mới phát triển và thu hút được công chúng như hiện nay.

Tuy nhiên, thời gian qua, một số người cầm bút, mang danh "nhà báo" nhưng lại vi phạm pháp luật. Chưa bàn đến những nhà báo vì non yếu về mặt nghiệp vụ nên vô tình vi phạm pháp luật thì cũng có người cố ý vi phạm pháp luật để trục lợi cá nhân. Trong đó, có những người bị xử lí vì tham gia chạy án, tống tiền doanh nghiệp, cá nhân…

Cũng có trường hợp động cơ làm báo là để kiếm tiền bằng mọi giá. Những việc lợi dụng việc làm, chức vụ của mình đều vi phạm vào việc chiếm đoạt tài sản của người khác. Còn những trường hợp không phải là phóng viên mà lại tự xưng là phóng viên, giả danh để tống tiền người khác thì lại là vấn đề lừa đảo. Những việc đó thời gian qua đã bị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm để ngăn ngừa, răn đe những người khác, lấy lại niềm tin của nhân dân vào đội ngũ những người làm báo Việt Nam.

Khi đang tác nghiệp, phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt bất ngờ bị một đối tượng đánh vào mặt và cầm dao dọa giết.

Cản trở báo chí hoạt động đúng pháp luật

Nhưng có lẽ vấn đề nhức nhối hơn trong thời gian vừa qua là vấn đề cản trở báo chí ngày càng có biểu hiện phức tạp, manh động và trái pháp luật nghiêm trọng. Đúng như trao đối với báo chí gần đây, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) ông Lưu Đình Phúc đã khẳng định: “Không xử lý nghiêm minh việc cản trở báo chí thì sẽ khó có một nền báo chí chân chính”.

Mặc dù các quy định của pháp luật, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự năm 2015 và Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 quy định nghiêm cấm những hành vi: “Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn có không ít vụ việc cản trở, đe dọa, vu khống, làm nhục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo và thậm chí là hành hung nhà báo và cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian vừa qua ít có vụ xâm hại nhà báo được xử lý “đến nơi đến chốn”, thậm chí có nhiều vụ việc cản trở, hành hung nhà báo rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, các cơ quan chức năng cho rằng "không thể chấp nhận được"...nhưng sau đó việc xử lý lại rất chậm trễ, thậm chí rơi vào quên lãng...đã tạo không ít tiền lệ xấu?!

Một số vụ cản trở báo chí vừa qua cho thấy, các đối tượng cản trở, hành hung báo chí thường là để bảo vệ cho lợi ích của mình, khi sai phạm có nguy cơ bị báo chí đưa ra ánh sáng. Phản ứng của đối tượng tất nhiên là tìm mọi cách để bưng bít, cản trở, không để báo chí biết, đăng phát nhằm che đạy sai phạm hay vô hiệu kết quả phản ánh của PV và cơ quan báo chí.

Để phanh phui hành vi bảo kê "cướp ngày" tại chợ Long Biên, 02 nhà báo bị đe dọa "giết cả nhà"

Dũng cảm phanh phui tiêu cực, hành vi bảo kê "cướp ngày" tại chợ Long Biên (Hà Nội), một nữ PV của Đài truyền hình Việt Nam và một nữ PV của Báo phụ nữ TP. HCM đã bị các đối tượng nhắn tin đe dọa "giết cả nhà" nếu tiếp tục điều tra, phản ánh làm sáng tỏ vụ việc. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra xử lý nghiêm những đối tượng có liên quan.

Ông Tạ Văn Lộc, Chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên cản trở báo chí tác nghiệp bằng hành vi viết đơn vu khống bịa đặt sai sự thật, tạo chứng cớ giả mạo gửi đến các cơ quan chức năng để xem xét xử lý PV

Vụ cản trở, đe dọa, viết đơn vu khống bịa đặt, sai sự thật cho PV và thông tin sai sự thật đến cơ quan chức năng của ông Tạ Văn Lộc, chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên và ông Bùi Thanh Hải, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên nhằm hãm hại PV báo Đời sống và Pháp luật và yêu sách gỡ bài viết về hành vi ứng xử thiếu văn hóa và lăng mạ báo chí ngay trong trụ sở cơ quan này.

Trung tá Hoàng Văn Sơn, Đội trưởng đội tham mưu CATP. Lào Cai nêu ra những điều luật không có để lấy cớ cản trở báo chí tác nghiệp đúng pháp luật?

Vụ phản ánh sai phạm về môi trường trên địa bàn tỉnh Lào Cai, PV Truyền hình Người Đưa Tin sau hai lần bị trì hoãn đến lần thứ ba bị Trung tá Hoàng Văn Sơn, Đội trưởng đội tham mưu CATP. Lào Cai "thẳng thừng" từ chối làm việc với PV với những lý do hết sức vô lý không được quy định ở bất cứ văn bản hay quy định nào của pháp luật.

Hành vi bao vây, uy hiếp, kích động, vu khống, dựng phim sai sự thật tung lên MXH làm nhục PV của bà Nguyễn Thị Hường và những đối tượng có liên ở Mỹ Đức, Hà Nội

Vụ phản ánh việc lợi dụng uy tín hình ảnh của Đài truyền hình Việt Nam làm phóng sự giả mạo VTV, phản không đúng sự thật về PKĐY Nguyễn Thị Hường (Mỹ Đức, Hà Nội), nhóm PV báo ĐS&PL và báo điện tử Người Đưa Tin bị uy hiếp, đe dọa, vu khống tội tống tiền và tung tin sai sự thật nhằm làm nhục PV, hạ thấp uy tín của cơ quan báo chí.

Đó chỉ là một vài trong vô số những vụ việc cản trở, đe dọa phóng viên, nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật đã diễn ra trong thời gian vừa qua. Theo một nghiên cứu cho thấy, cản trở báo chí ở Việt Nam bao gồm những hành vi phổ biến như: Né tránh cung cấp thông tin, mua chuộc, đe dọa, giữ người, tấn công gây thương tích, trả thù, thậm chí quấy rối, cản trở, hành hung người làm báo được nhận diện diễn biến phức tạp. Có tới trên 80% nhà báo được hỏi cho biết đã từng bị cản trở trong khi tác nghiệp...

Một thực tế, dân trí ngày càng được nâng cao, xã hội ngày càng một văn minh, người dân càng lên án mạnh mẽ và khinh rẻ những người có hành vi cản trở, đe dọa, hành hung PV, nhà báo. Họ coi đó là hành động hèn hạ, nhục nhã, mất nhân tính, côn đồ của những người không dám đối diện với sự thật và lầm lỗi của chính mình!

Qua đây, dư luận là các cơ quan bảo vệ pháp luật cần thấy rõ hơn một thực trạng, có những PV, nhà báo "rủi ro đạo đức" vì những động cơ xấu nhưng cũng có không ít người do kỹ năng nghề nghiệp hạn chế, hiểu biết pháp luật chưa đầy đủ có thể bị các đối tượng bị phản ánh "gày bẫy" có kế hoạch, có tổ chức nên dễ bị sa vào con đường tội lỗi một cách "thụ động" không ai có thể minh oan được. Chúng ta không dung túng cho những PV, nhà báo hư hỏng, phạm pháp có tính chất, động cơ và hậu quả xấu nghiêm trọng, rõ ràng, nhưng chúng ta cần phải bình tĩnh có cái nhìn khách quan, công tâm, đúng bản chất sự việc trong mỗi vụ việc tiêu cực có liên quan đến PV, nhà báo để tránh đi những oai sai và tạo những cơ hội "đắc thắng" cho chính những kẻ cản trở báo chí bằng những thủ đoạn tinh vi, bằng quan hệ, bằng tiền, bằng quyền lực...theo kiểu "trí thức lưu manh".

Một đối tượng lạ mặt, manh động (mang theo một ba lô to) tự ý xông thẳng vào Tòa soạn, mạo danh người nhà lãnh đạo đe dọa, đòi gặp PV và đưa ra "tối hậu thư" phải gỡ bài

Vinh quang thay một nghề hiểm nguy!

Thế nhưng phần lớn những nhà báo, người làm báo chân chính luôn khẳng định "không bao giờ bỏ cuộc" hay phải chùn bước, sợ hãi những hành vi cản trở đe dọa trong quá trình đi tìm lời giải của công lý. Bởi một chân lý cũng là lòng tự tôn nghề nghiệp: "Nhà báo và cơ quan báo chí nếu không tự bảo vệ được công bằng cho chính mình thì ai còn tin họ bênh vực được lẽ phải cho cộng đồng?".

Hơn ai biết họ là những người thấu hiểu nhất rằng, để có được những dòng tin trung thực, khách quan, công lý, trách nhiệm họ sẵn sàng phải đối mặt với muôn vàn cám dỗ, hiểm nguy, thậm chí cả những âm mưu "cạm bẫy" được đặt trước nhằm trả thù trên hành trình đi tìm công lý, lẽ phải và những thông tin định hướng đúng đắn cho dư luận.

Chính vì vậy, trước khi chờ đợi vào công lý, vào hệ thống pháp luật bảo vệ họ trong những tình huống hiểm nguy hay những rủi ro nghề nghiệp trong quá trình hành nghề, họ luôn luôn phải tự rèn luyện, tự bảo vệ, luôn thận trọng và giữ cho mình "Mắt sáng - Lòng trong - Bút sắc", "Trái tim nóng - Cái đầu lạnh", không bao giờ cho phép mình được "Rủi ro đạo đức nghề nghiệp" hay vì Tham, Sân , Si mà quên lãng mất mình đang là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng; là chỗ dựa là niềm tin của công lý và tương lai!

Quyết Tuấn

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/suy-ngam-ve-hanh-vi-can-tro-bao-chi-va-rui-ro-dao-duc-nghe-nghiep-trong-bao-chi-56307.htm