Suy tưởng và cuộc đời trong tranh Cương

Với ngôn ngữ tranh đơn giản và giản dị, Lê Thiết Cương trở thành kiểu mẫu tranh độc đáo trong nền hội họa Việt Nam đương đại.

Họa sĩ Lê Thiết Cương đi tìm mình trong nghệ thuật tối giản. Anh đã thấy. Cái tên Lê Thiết Cương đóng đinh với phong cách tối giản. Anh chỉ tập trung vào các đường nét yếu tố bề mặt mà không rõ ràng về các chủ đề. Anh tin rằng ý nghĩa sâu sắc hơn của một suy tưởng không nên được thể hiện rõ trên bề mặt, mà nên tỏa sáng ngấm ngầm.

Lê Thiết Cương chỉ thể hiện phần nổi của nét cọ và sắc màu hội họa, người đọc sẽ chỉ thấy những gì ở trên bề mặt, nhưng kiến thức mà họ có lại là những thứ không bao giờ lọt vào bức tranh, đóng vai trò là phần lớn của nghệ thuật tối giản. Và đó là những gì mang lại sức nặng và sự hấp dẫn cho tranh của anh.

Họa sĩ Lê Thiết Cương đóng đinh với phong cách tối giản.

Họa sĩ Lê Thiết Cương đóng đinh với phong cách tối giản.

Nói với nhà văn Đỗ Bích Thúy, về lối viết, trong cuốn tản văn “Than đỏ dưới tro tàn”, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng “nghệ thuật phải có hư ảo, vô lý, phi lý, siêu hình”. Trên nguyên lý sáng tạo đó, anh đã thực hành rút ngắn hội họa hết mức có thể. Bỏ qua những chi tiết rườm rà, thừa thãi, bức vẽ của anh đủ tới mức không thể thêm hay bớt bất cứ một nét nào.

Nhưng những điều mà anh không vẽ lại vẽ nên rất nhiều sự suy tưởng trong người đọc. Hàm chứa trong tranh anh, chính là điều gợi ra từ những khoảng lặng để độc giả tự tưởng tượng.

Tranh anh đưa tôi đến với những miền suy tưởng, qua những dụng công về ý nghĩa biểu tượng của nghệ thuật. Nét cọ của anh đã nói một cách thuyết phục với tôi rằng, nghệ thuật phải đến với con người thông qua các hình thức hư cấu.

Soi vào tranh thấy một lưu thủy lặng lờ giữa đôi bờ nghệ thuật và cuộc đời, thời gian là thứ có sức công phá mãnh liệt nhất nhưng cũng không thể tàn tẩy kí ức của Lê Thiết Cương. Mỗi bức vẽ của anh là một chặng, mỗi lát cắt, kể câu chuyện đời anh, đời người, sống động trong sự suy tưởng.

Tác phẩm "12.1972"

Trong bức tranh “12. 1972”, tôi đã thấy anh tái hiện lịch sử tâm trạng con người của một thời kì chiến tranh, mà đường sơ tán về quê tránh bom B52 của giặc Mỹ, quen thuộc với những đứa trẻ Hà Nội hơn là đường đến trường. Bức tranh đỏ rực bầu trời chảy máu, những mái nhà con mắt đen thẫm, ô cửa chết. Hồi nhà nhô lên như bia mộ. Mỗi mái nhà là một nấm mộ tan hoang. Hố phòng không như những nút cài trên tấm áo quê hương tang thương. Người lính bồng súng trực chiến. Con người đối chọi với vũ khí tối tân. Dã tâm con người, khát vọng sống con người, ranh giới thật mong manh, Hà Nội đi qua những ngày tháng ấy. Buồn và đẹp ngay cả trong mất mát, qua nét cọ của anh. Cậu bé Lê Thiết Cương ngày đó may còn có vạt áo quê hương bà nội để được dụi mái tóc khét mùi bom đạn.

Tranh “Chi chi chành chành”.

Ấu thơ của bất kì đứa trẻ nào cũng thế, dù thời bình hay thời chiến thì trò chơi là lâu đài của trẻ thơ. Chúng đi ngoài lo âu của người lớn về cái đói, cái chết, bày tiệc hồn nhiên. “Chi chi chành chành” là bức tranh mang thông điệp ấy. Anh lấy cảm hứng trên toan nền ngọc lam. Sân chơi tone hồng rực rỡ, con mắt đen lí lắc, những bàn tay xòe, quặp ngón sinh động. Khuôn mặt nét cong đôi mắt, viền môi, thơ thanh như những vành trăng non, con mèo hiền ngủ im trong lòng trẻ.

Không gian sống động, ánh lên thứ sắc diệu huyền. Bấy nay anh là người đau đáu vì những giá trị truyền thống cổ xưa bị mai một. Ở ý nghĩa đó, “Chi chi chành chành” là một bức vẽ đủ năng lực phục dựng thế giới sống động trong tâm hồn con trẻ. Vì thế xa ngái nhất nhưng lấp lánh nhất và luôn là thứ hành trang tinh thần trong gia tài nghệ sĩ. Chẳng phải nghệ sĩ khi sáng tác cần nhìn thế giới bằng đôi mắt trong veo, hồn nhiên đó sao? Trong Lê Thiết Cương có triết lý hội họa ấy.

Nhưng chiến tranh đã chơi trò cút bắt với tuổi thơ, súng đạn ăn thịt bình yên, nên giữa hiện tại, anh thường khất thực quá vãng. Trong mỗi người lớn là đứa trẻ khóc hờn. Anh dỗ nó bằng tranh.

Tác phẩm “Trung thu phố”.

“Trung thu phố” là những rộn ràng, náo nức khoảnh khắc mùa dâng khắp nẻo phố. Trăng dát óng ánh, ngôi nhà mặt đất như bay lên, mỗi người là mỗi ánh sao đính lên bầu trời tháng Tám.
Thì bức tranh “Xếp hàng” lại cho ta lối đi vào thăm thẳm. Con mắt mở cửa tâm hồn. Rất nhiều con mắt ngắm từ xa như đàn cá theo dòng hải lưu ra biển.

Suy cho cùng thì mỗi ta, cần những lúc để trí não trắng xóa, delete mọi dữ liệu để sạc pin tâm hồn, khám phá một con đường mới, dù hạnh phúc hay khổ đau thì vẫn bình tâm đón nhận và vượt qua.

Cuộc sống là vậy, hồi hoàn sau giông bão, khởi lên màu mới. Chẳng ai ở mãi trong nỗi buồn hay niềm vui. Trống rỗng là cách rót đầy. Bức tranh siêu thực và mang giá trị hiện sinh, khích lệ con người vượt qua giới hạn bản thân này, đã có một trải nghiệm rộng hơn không gian nghệ thuật 39A Lý Quốc Sư của chủ nhân nó. Sau triển lãm năm 2009, bức tranh đã được một bác sỹ người Ireland mua và trước đó, năm 1997 nó đã được trưng bày ở Hongkong và Singapore.

Bức tranh “Xin ngủ dưới vòm cây”.

Hội họa là giao thoa của tri thức nhiều ngành khác nhau cùng tầng văn hóa nghệ sĩ, nên tranh Lê Thiết Cương ngoài triết lý sáng tác đó còn là tiếng vọng hồn của nhạc, thơ và lối đi của con người hiện đại để đến với thế giới tự nhiên.

Nhiều tên tranh được anh đặt bằng tên một bài hát, câu thơ, tiểu thuyết, đã tạo ra một giá trị tinh thần riêng. Anh tìm tới sự đồng điệu với người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn- người viết ca từ đầy chất thơ và thấm đẫm tinh thần Phật giáo, trong bức tranh “Xin ngủ dưới vòm cây”.

Những nét mảnh dịu đi vào trong giấc dịu dàng, con người nương vào mẹ thiên nhiên trong tình yêu sinh thái. Khi ấy ta chỉ là một hạt bụi nhỏ trong luân vũ vô thường, tìm về nơi được sinh ra để niệm tâm từng khoảnh khắc. Cái cây là đóa hoa xanh, mang mệnh mộc thâm sâu của vóc hình đàn ông dang cánh anh vũ. Anh pha cả cái vô thường vào màu sắc, thời gian, không vàng, không xanh, chẳng đầu, không cuối. Vậy thì xanh lên là khi con người đủ trí tuệ, trí huệ để không khoảnh khắc nào trôi qua vô nghĩa. Một sự giản đơn thực thể thật toàn bích.

Họa sĩ Lê Thiết Cương không chỉ xếp nếp thời gian tuổi người qua từng lát cắt tâm trạng, mà còn phóng cọ trong mỗi độ nghinh xuân. Bức “Hổ/ hạt gạo” thu vào một ông mãnh chúa rừng xanh với ánh mắt hình hạt gạo, mở ra liên tưởng nhiều chiều.

Dân gian gọi hổ là Ông ba mươi. Trong thần thức của người Việt Nam, hổ tượng trưng cho sức mạnh. Và nếu đặt hổ vào đêm ba mươi, đêm trừ tịch khiến cho khoảnh khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới thêm linh thiêng huyền diệu, củng cố tín ngưỡng và khát vọng của con người. Họa tiết thân hổ là những hạt ngọc thực như những đường tròn đồng tâm đi qua vui, buồn, hạnh phúc, khổ đau, mất còn. Ở một ý nghĩa khác, tất cả những điều ấy cũng chính là thứ “ngọc thực tâm hồn” di dưỡng tinh thần con người.

Có lẽ từ khi sinh ra, trong ngôi nhà trên phố Lý Quốc Sư, người họa sĩ đã thấm vào mình tiếng chuông Nhà thờ Lớn, trong từng tế bào anh đều ngân vang sự thức tỉnh, sám hối, dịu dàng ấy, để cho ra đời một bức vẽ “Cơ hội của Chúa” có sức lay động đến thế.

Trong khi đề tài này anh đã vẽ quá nhiều thì bố cục thánh giá đã thổi vào bức tranh một sự lạ lẫm. Cuộc đời mỗi người, về cơ bản thường bị đóng đinh câu rút. Những mất mát, lầm lỡ con người lại là cơ hội của Chúa. Dựng một đài thờ tím, là đức tin, là yêu thương để đón những lòng lành. Tuy nhiên mọi tôn giáo cũng vô thường và không thể cứu rỗi, nếu con người chẳng tự cứu mình. Tranh của anh không né tránh xô bồ nhưng vút lên toan trắng là sắc màu thức tỉnh.

Tác phẩm “Cơ hội của Chúa”

Sau mùa Giáng sinh, con người lại tất bật, hối hả trong những mưu cầu khát vọng, Lê Thiết Cương đã vẽ “Khất thực” theo tinh thần ấy chăng? Bởi cuộc đời như một bữa tiệc, mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày ta gần hơn với điểm giới hạn của một hữu hạn để lật giở sang một dạng thức sống khác. Đôi khi những tham ái, sân, si khiến ta trở nên mỏi mệt, rũa rữa, cần khất thực quá khứ, ăn mày bình yên. Đó cũng là một cách tẩy gội.

Ở một nghĩa khác, khất thực cũng là ước muốn được lấp đầy những thiếu hụt, ai trong chúng ta dám vỗ ngực ngông ngạo về sự đủ đầy của bản thân? Khất thực vì thế mang thêm nghĩa khiêm cung. Ẩn vào tranh là triết lý dân gian “Ăn mày là ai? Ăn mày là ta/ Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày”. Bức tranh cũng là một báo quả nhà Phật. Cuộc đời là vô thường, sắc sắc không không, khi phú quý đừng coi khinh kẻ mạt vận mà phải thi ân bố đức, tu tập, sửa mình mỗi ngày.

Lê Thiết Cương mỗi ngày mỗi tinh tấn trong thứ Chân Kinh bản ngã. Đi qua gió bụi Kinh kì, tinh thần ham học hỏi để minh triết bản thể, anh đã nghiệm ra qua bức tranh gốm “Hiện tại lạc trú”. Hiểu lẽ vô thường, không quá khứ, không tương lai, từng sát na hiện hữu mới là chánh niệm vì đời người chỉ trong hơi thở nên quán chiếu hiện tại sẽ an lạc.

Tác phẩm "Khất thực".

Ngắm tranh, đọc tranh họa sĩ Lê Thiết Cương là cách suy tưởng, đi sâu vào mình, đến mình. Ai trong chúng ta không khao khát hiểu mình? Mới thấy đời sống tinh thần của anh thật phong phú qua từng mảng màu, nét cọ, cái mà anh thâu vào tranh rất giản dị, nhưng khoảng cố tình “thiếu sót” lại đem đến cho tôi một sự liên tưởng đa diện, đa thanh. Nghệ thuật hội họa Lê Thiết Cương là logic của ảo diệu và tượng trưng, những đường nét không chỉ là cách thu nhỏ đời sống vào khuôn tranh mà còn mở ra niệm tưởng trong mỗi người khi đọc tranh anh.

Nguyên Tô

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/suy-tuong-va-cuoc-doi-trong-tranh-cuong-a604196.html