Suýt mất mạng, cha qua đời, vợ ly thân và giờ là hoãn Olympic, lối thoát nào cho nhà vô địch David Rudisha?

Rudisha, theo ngôn ngữ bản địa, nghĩa là trở lại. Và nhà vô địch điền kinh thế giới David Rudisha rất kỳ vọng vào sự trở lại của mình ở Olympic 2020 sau quá nhiều đau khổ phải hứng chịu. Thật không may, niềm hy vọng của anh đã tan biến.

Theo suy nghĩ của đại đa số, một nhà vô địch Olympic hẳn sẽ sống trong căn biệt thự rộng lớn và garage chật ních siêu xe. Nhưng thực tế, David Rudisha - VĐV điền kinh từng vô địch Olympic 2012 và 2016, vô địch thế giới 2011 và 2015, đồng thời nắm giữ kỷ lục thế giới ở nội dung 800m (1 phút 40,9 giây) - lại có cuộc sống hoàn toàn khác.

Anh đang ở trong một căn hộ tập thể lợp mái tôn ở làng Kaptagat, cách thủ đô Nairobi của Kenya hơn 300 cây số. Rudisha sống cùng 30 VĐV điền kinh khác. Hàng ngày cùng với họ chạy trên những con đường đất đỏ bất kể trời nắng hay trời mưa. Bữa ăn cũng rất đạm bạc. Buổi sáng chỉ có lát bánh mỳ hoặc một quả chuối. Buổi trưa và tối ăn cháo ngô, chút thịt và rất nhiều rau cải bó xôi.

David Rudisha miệt mài chạy trên con đường đất ở Kaptagat.

David Rudisha miệt mài chạy trên con đường đất ở Kaptagat.

Rudisha có một căn hộ ở thành phố Eldoret. Nó khá khiêm tốn, chỉ có một phòng ngủ và vì chất lượng kém, tường cũng như trần loang lổ các vết ẩm mốc. Kể từ khi ly thân, anh không còn ở đây nữa mà nhường lại cho vợ và cô con gái.

Ở Kenya, Rudisha là anh hùng dân tộc, là huyền thoại sống. Ngày ông trở về sau khi về nhất ở giải vô địch thế giới năm 2011, có khoảng 6.000 người đổ về nhà anh để chào đón. Vào hôm ấy, 25 con bò đã bị giết thịt để thết đãi mọi người.

Không chỉ người dân Kenya, đến cả Tổng thống Daniel arap Moi cũng tới để chứng kiến tộc trưởng bộ lạc Maasai trao tặng Rudisha chiếc khiên và giáo. Đây là nghi thức công nhận anh là chiến binh đặc biệt. Nếu như trước đây các chiến binh phải đi săn thú, thì bây giờ, tộc trưởng giao Rudisha nhiệm vụ săn huy chương.

Tuy nhiên Rudisha là một người khiêm tốn và giản dị. Anh có tiền, nhưng nó được dành để giúp đỡ gia đình, gồm một ông bố, hai bà mẹ và 11 anh chị em. Ngoài ra còn rất nhiều người làng xóm xung quanh luôn cần sự hỗ trợ ở Rudisha, không chỉ là lời khuyên, mà còn cả tiền bạc.

Rudisha với giáo và khiên trong buổi lễ được công nhận là chiến binh đặc biệt.

Thế nên không có vấn đề gì khi anh trở lại căn nhà tồi tàn cùng những bữa ăn kham khổ ở Kaptagat. Đó là cũng cách để anh quên đi tất cả và tập trung cho việc tập luyện vì mục tiêu lớn nhất: tham dự Olympic 2020. Một cơ hội để cứu rỗi cuộc đời anh.

Trong thời gian ngắn ngủi, vô số tai họa ập đến đã suýt đánh gục Rudisha. Đầu năm 2018, bố anh, người bạn lớn, chỗ dựa đáng tin cậy, qua đời. Trước đó, chấn thương dai dẳng ở chân trái ngày càng nặng hơn khiến anh không thể chạy và bảo vệ danh hiệu vô địch thế giới ở London. Cùng lúc, giữa anh và cô vợ Lizzy xuất hiện những mâu thuẫn không thể dung hòa. Vợ anh chủ động ly thân.

Chưa hết, giữa năm 2019, trong một lần từ thủ đô Nairobi về thăm nhà, Rudisha lái xe 5 giờ liên tục và khi chỉ cách nhà 30 cây số, đến một khúc quanh, chiếc SUV của anh mất lái và lao vào xe bus. Chiếc xe nát bét, vậy mà bằng cách nào đó, Rudisha lại không hề hấn gì.

Nhà vô địch Rudisha đã trải qua khoảng thời gian đen tối nhất cuộc đời.

"Chui ra mà không có một vết xước giống như phép màu vậy", anh kể lại, "Những người xung quanh thì thảng thốt, xúm lại hỏi tôi, làm thế nào mà anh còn sống? làm thế nào anh có thể ra khỏi đống đổ nát đó?".

Quá nhiều biến cố khiến Rudisha mất phương hướng. Anh tiệc tùng nhiều hơn và đường chạy dần biến mất khỏi tâm trí. "Những áp lực đè nặng lên tôi, và tôi lao vào những bữa tiệc chỉ để hành hạ thân xác và đánh lạc hướng bản thân", kỷ lục gia trên đường chạy 800m nói.

Hậu quả là Rudisha tăng 12kg và đánh mất sự nhanh nhẹn. Nhưng đến một lúc nào đó, cuộc vui tàn và anh suy nghĩ về cuộc đời. Rudisha tin rằng vẫn còn nhiều điều tốt đẹp chờ đợi phía trước. Anh nhìn thấy Olympic 2020 như một "cơ hội thứ hai" để làm lại cuộc đời.

Rudisha có cơ hội trở thành người đầu tiên đoạt Huy chương Vàng ở 3 kỳ Olympic liên tiếp.

Anh quyết định bỏ lại mọi thứ sau lưng và tới Kaptagat, hòa mình vào những cánh đồng cỏ và con đường đất bụi bặm. Rudisha đã tập luyện cật lực theo chế độ hà khắc nhất suốt 6 tháng qua, như để bù lại khoảng thời gian bị lãng phí.

3 năm không tham dự bất cứ cuộc thi nào, anh đếm từng ngày để đặt chân tới Tokyo và theo đuổi mục tiêu trở thành người đầu tiên đoạt Huy chương Vàng ở 3 kỳ Olympic liên tiếp. Sau đó, có thể Rudisha sẽ giải nghệ ở tuổi 31 giống Usan Bolt.

Vậy mà, khi chỉ hơn 2 tháng nữa để bắt đầu, Rudisha nhận tin sét đánh: Olympic 2020 bị hoãn đến tận năm sau. Lúc ấy Rudisha sẽ 32 tuổi, và với cơn đau ở chân trái không thể chữa trị dứt điểm, rất khó dám chắc anh sẽ ở trạng thái sung mãn nhất.

Thật là một đòn giáng mạnh và quyết tâm trở lại của Rudisha. Chỉ hy vọng nhà vô địch sẽ không lạc lối thêm lần nữa. Anh phải tiếp tục chạy. Vì anh là chiến binh đặc biệt, niềm tự hào của bộ lạc Maasai và đất nước Kenya.

THANH ĐÌNH (SPORT5)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/suyt-mat-mang-cha-qua-doi-vo-ly-than-va-gio-la-hoan-olympic-loi-thoat-nao-cho-nha-vo-dich-david-rudisha-220202539147978.htm