Suýt mất mạng vì ăn cua biển để qua đêm bảo quản sai cách

Gần đây một người đàn ông 72 tuổi ở Thượng Hải, Trung Quốc đã suýt nữa tử vong sau khi ăn hải sản bảo quản sai cách.

Do tận dụng thức ăn thừa từ tối hôm trước, cụ ông đã cố ăn hết món cua hấp mà không đun hay hấp lại. Sau khi ăn, ông bị đau bụng kèm tiêu chảy và sốt cao tới 38,6°C.

Chủ quan với sức khỏe, ông đã cố chịu đựng. Nhưng do các triệu chứng đau càng lúc càng tăng mạnh khiến ông chóng mặt, mất kiểm soát. Gia đình lập tức đưa ông tới viện cấp cứu.

Bệnh nhân may mắn thoát chết sau khi bị nhiễm trùng huyết do ăn uống. Ảnh: VNN

Bệnh nhân may mắn thoát chết sau khi bị nhiễm trùng huyết do ăn uống. Ảnh: VNN

Qua thăm khám, các bác sĩ cho rằng tình hình sức khỏe của bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch, suy đa tạng vì nhiễm trùng huyết, trong máu phát hiện nhiễm vi khuẩn gram âm, nếu không nhập viện kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.

Bác sĩ nói rằng nguyên nhân nhiễm trùng huyết của cụ ông có thể là do ăn hải sản đã để qua đêm, có hiện tượng ôi thiu, lại không được hâm lại đúng cách nên vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể của ông qua vết thương trong miệng.

Ảnh minh họa

Các bác sĩ cho biết, hiện tại bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, ông đã may mắn giành lại sự sống sau khi mắc căn bệnh nhiễm trùng huyết vô cùng nguy hiểm này.

Dấu hiệu cảnh báo bạn bị nhiễm khuẩn huyết cần đi khám sớm

Nhiễm khuẩn huyết là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, có tỉ lệ tử vong rất cao. Mặc dù nhiễm khuẩn huyết có thể điều trị dễ dàng nếu phát hiện sớm, nhưng các triệu chứng của nhiễm khuẩn huyết rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác và thường không được phát hiện sớm.

Do nhiễm khuẩn huyết có thể bắt đầu ở bất kỳ các bộ phận nào trên cơ thể nên bệnh cũng có nhiều triệu chứng khác nhau.

Những dấu hiệu đầu tiên của nhiễm khuẩn huyết có thể là thở gấp hoặc rối loạn nhịp thở. Ngoài ra, nhiễm khuẩn huyết bao gồm một số dấu hiệu khác:

Nhiễm trùng máu rất nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Ảnh minh họa

- Sốt và ớn lạnh

- Hạ nhiệt độ cơ thể sâu

- Đi tiểu ít hơn bình thường

- Mạch nhanh

- Thở nhanh

- Buồn nôn và ói mửa

- Bệnh tiêu chảy

Nhóm đối tượng dễ bị nhiễm khuẩn huyết

Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm khuẩn huyết, tuy nhiên một số nhóm người sau đây có nguy cơ cao hơn:

- Nhóm người bị suy giảm hệ miễn dịch do mắc các bệnh như HIV/AIDS hoặc ung thư

- Nhóm người dùng thuốc ức chế miễn dịch như steroid và thuốc chống đào thải sau cấy ghép nội tạng.

- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

- Người cao tuổi, đặc biệt là những người có vấn đề sức khỏe

- Những người nhập viện hoặc phẫu thuật trong thời gian gần đây

- Người bị tiểu đường

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/suyt-mat-mang-vi-an-cua-bien-de-qua-dem-bao-quan-sai-cach-20191127151945616.htm