SV chen nhau đăng ký thi tiếng Anh chuẩn đầu ra: Năng lực nằm ở cái chứng chỉ?

Trước thông tin cấu trúc đề thi sẽ thay đổi theo hướng khó hơn, hàng trăm sinh viên chen chân đăng ký thi tiếng Anh chuẩn đầu ra một cách gấp rút, trước thời hạn áp dụng đề thi mới từ ngày 15/2/2019.

Trong ngày 30/11 và 1/12, hàng trăm người xếp hàng tại tổ chức giáo dục IIG Việt Nam (quận 3, TP.Hồ Chí Minh), để đăng ký dự thi chứng chỉ TOEIC vì lo ngại trước thông tin cấu trúc đề thi mới sẽ khó hơn từ ngày 15/2/2019.

Lo đề khó, sinh viên chạy đua với thời gian

Trước thông tin cấu trúc đề thi sẽ thay đổi theo hướng khó hơn, các bạn sinh viên lo lắng đến nỗi phải tập trung trước cửa từ 3h sáng để giữ chỗ trong khi đến 7h30, tổ chức mới mở cửa hoạt động. Ban đầu, các bạn trẻ còn xếp hàng trật tự, ngay ngắn, sau chuyển sang chen lấn, xô đẩy lên cầu thang.

Tuy nhiên, một số sinh viên tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, không phải chỉ có duy nhất tổ chức IIG có thể đăng ký thi chuẩn đầu ra, và cảnh tượng chen chúc đăng ký thi chứng chỉ tiếng Anh như hai ngày 30/11 và 1/12 là hoàn toàn không đáng có.

Bạn Trần Hữu Toàn, sinh viên trường đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh lý giải: “Việc túm tụm đăng ký tại IIG có thể là do một số sinh viên nghĩ rằng chứng chỉ thi tại cụm trường không tương đương; hơn nữa, phần nhiều họ lo cơ sở vật chất ở những cụm thi khác không đủ tốt, ví dụ chất lượng loa không tốt có thể ảnh hưởng tới phần thi nghe...”.

Toàn cũng cho biết thêm: “Ngoài tổ chức giáo dục IIG Việt Nam, sinh viên cũng có thể đăng ký dự thi tại các cụm thi, của các trường có liên kết, hợp tác với IIG, giá trị chứng chỉ tương đương. Hiện tại, TP.Hồ Chí Minh có khoảng 10 cụm thi, mỗi tháng thường tổ chức 1-2 ngày thi, sẽ thông báo mở đăng ký từ 1 tháng trước. Còn tại IIG, ngày nào cũng có, nên các bạn sinh viên muốn chọn ngày cho tiện. Việc đăng ký tại IIG lúc nào cũng đông, trước đây, mình đăng ký thi, thời điểm vắng cũng có vài chục người nên thủ tục cũng mất cả tiếng”.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, đại diện truyền thông của Tổ chức giáo dục IIG Việt Nam - đại diện chính thức và duy nhất của Viện khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS) tại Việt Nam cho biết: “Theo lộ trình chính thức đã được thông báo, ngày 15/2/2019 tới đây bài thi TOEIC quốc tế sẽ được triển khai với cấu trúc cập nhật và phù hợp hơn với xu thế giao tiếp hiện đại tại Việt Nam.

Do có những phỏng đoán, lo lắng về độ khó của bài thi TOEIC cập nhật, các bạn thí sinh tại TP.Hồ Chí Minh đã mong muốn dự thi TOEIC trước thời điểm triển khai bài thi TOEIC cập nhật. Cao điểm vào ngày cuối tuần 30/11 và 1/12 vừa qua, một số lượng lớn thí sinh đã đến đăng ký dự thi TOEIC tại văn phòng IIG Việt Nam dẫn đến phải chờ đợi và gặp khó khăn khi đăng ký. Đây là những lo lắng hoàn toàn không cần thiết của một bộ phận thí sinh”.

Đại diện truyền thông IIG khẳng định, từ ngày 3/12, việc sinh viên đăng ký dự thi đã trở lại bình thường, không còn "nóng sốt" như mấy ngày trước.

“Bài thi TOEIC là bài thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh trong môi trường làm việc toàn cầu với các ngữ cảnh cụ thể, có thời lượng thi và tổng số câu hỏi cũng không đổi, chỉ có sự thay đổi về số lượng câu hỏi ở từng phần thi, ngoài ra còn có thêm một vài dạng câu hỏi mới. Tuy nhiên, ETS không thay đổi cách đánh giá và tính điểm bài thi, thí sinh chỉ cần trang bị kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ đầy đủ là có thể chinh phục thành công bài thi TOEIC cập nhật. Bài thi TOEIC đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh của thí sinh nên việc cập nhật dạng thức không ảnh hưởng nhiều tới kết quả bài thi của thí sinh”, đại diện truyền thông khẳng định thêm.

Tổ chức IIG Việt Nam cho biết sẽ mở lịch thi Open Test (lịch thi mở rộng, tập trung được số lượng lớn thí sinh tham gia) trong tháng 12 này đến đầu tháng 2/2019 để đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân mong muốn dự thi.

Trước những hình ảnh xếp hàng rồng rắn đăng ký thi tại tổ chức giáo dục IIG một cách bất thường, nhà giáo ưu tú Nguyễn Trọng Vĩnh bày tỏ có nên đặt “dấu hỏi” với tổ chức này khi gây “sốc” để đánh bóng tên tuổi?

“Quan trọng là thực chất năng lực”

TS. Nguyễn Nữ Nguyệt Anh, Phó trưởng khoa Xã hội học trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Các khóa trước năm 2017, sinh viên có thể nộp chứng chỉ VNU (Vietnam National University), nhưng sau đó, các trường yêu cầu sinh viên nộp chứng chỉ TOIEC, TOEFL hay IELST. Bài thi TOIEC mới có tổng số lượng câu không thay đổi, chỉ có sự điều chỉnh số lượng câu giữa từng phần trong bài thi.

Bài thi mới đưa một số câu theo dạng mới so với trước đây. Tuy nhiên, kiến thức tổng thể cho cả bài thi là tương đương so với bài thi trước. Vì do sinh viên chưa chuẩn bị kỹ nền tảng kiến thức và kỹ năng tiếng Anh, sợ phải làm quen và học thêm những dạng câu hỏi mới bên cạnh việc bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tin đồn nên mới có tâm lý lo lắng, hoang mang và đổ xô đi đăng ký thi như tình trạng trên”.

Theo TS. Nguyễn Nữ Nguyệt Anh, trên thực tế, các trường đều tạo điều kiện cho sinh viên dưới nhiều hình thức để sinh viên có thể có đủ điều kiện về ngoại ngữ theo yêu cầu của bộ GD&ĐT. Ngay từ năm nhất, sinh viên đã được thông báo, nếu sinh viên có bằng TOIEC hay IELTS, TOEFL quốc tế với số điểm tương đương theo yêu cầu của nhà trường thì sinh viên có thể được miễn học Anh văn trong thời gian chứng chỉ còn có thời hạn.

Khi tốt nghiệp, sinh viên phải nộp các chứng chỉ ngoại ngữ theo đủ chuẩn đầu ra. Các trường vẫn tổ chức các lớp tiếng Anh và nếu sinh viên qua được các lớp này thì sinh viên vẫn có thể đăng ký các môn học khác bình thường. Mỗi kỳ, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở sinh viên tích lũy chứng chỉ ngoại ngữ, tuy nhiên, vì chưa phải nộp ngay nên nhiều sinh viên có biểu hiện lơ là, chưa thực sự nghiêm túc học.

Chia sẻ quan điểm về chuẩn đầu ra tiếng Anh của sinh viên, nhà giáo ưu tú Nguyễn Trọng Vĩnh cho rằng: “Các trường đại học nên chủ động đứng ra tổ chức thi trong trường một cách đảm bảo, nghiêm túc, để sinh viên có những chứng chỉ chất lượng, không cần phải đăng ký thi tại bất kỳ một trung tâm hay tổ chức nào khác”.

Nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng đồng quan điểm: “Trường đại học nên tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên, đánh giá thực sự nghiêm túc, đúng năng lực để sinh viên không cần chứng chỉ nước ngoài. Nếu trường đứng ra tổ chức thi, một cách nghiêm túc, đảm bảo, sẽ tạo điều kiện cho sinh viên, không cần vất vả trong khâu đăng ký như báo chí đưa mấy ngày qua”.

Theo ông, quan trọng nhất là thực chất, giá trị không phải nằm ở tấm bằng hay chứng chỉ, mà nằm ở năng lực thực sự của bản thân mỗi sinh viên.

Nguyên Thứ trưởng cũng cho biết: “Việc quy định chuẩn đầu ra về ngoại ngữ là thiện ý của bộ GD&ĐT thực hiện một trong các mục tiêu của đề án ngoại ngữ và khung trình độ quốc gia đối với người tốt nghiệp đại học phải có trình độ ngoại ngữ 3/6 trong khung ngoại ngữ 6 bậc.

Hiện nay, trường đại học Việt Nam mặc dù xây dựng, thiết kế chương trình học tiếng Anh đáp ứng được theo khung năng lực ngoại ngữ Việt, nhưng cũng tương thích với định hướng chuẩn quốc tế.

Ngân hàng câu hỏi của những người làm đề thi cũng có chuẩn nhất định. Sinh viên đủ trình độ thi qua khung năng lực 6 bậc Việt Nam này cũng sẽ thi qua các chuẩn quốc tế được cấp phép”.

Nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nhận định: "Đề thi thay đổi theo hướng khó cũng không thể quá khó, làm ảnh hưởng chất lượng bài thi nếu sinh viên có năng lực thực sự".

Ông cũng đánh giá: “Thực tế, có những trường chưa đánh giá được chính xác năng lực của sinh viên, nên cần nhờ đến các chứng chỉ quốc tế. Yêu cầu chuẩn đầu ra thực chất để nâng cao năng lực tiếng Anh, tạo động lực cho sinh viên khi vào trường sẽ nỗ lực hơn để tích lũy, chứ không nhằm mục đích làm khó sinh viên khi tốt nghiệp. Một số trường đòi hỏi cao hơn, khi sinh viên tốt nghiệp sẽ làm việc trong môi trường quốc tế, thì mới thực sự cần một chứng chỉ cấp quốc tế”.

Bàn về những hình ảnh xếp hàng đăng ký thi đang lan truyền trên mạng xã hội, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Tôi không nghĩ là vấn đề này phức tạp đến mức sinh viên phải thức khuya xếp hàng xuyên đêm, đề có thay đổi theo hướng khó hơn thì cũng không thể khó quá. Chuyên môn trình độ thì đã có chuẩn hết rồi, kết quả bài thi hoàn toàn phụ thuộc năng lực. Những sinh viên đó có thể đã quá lo lắng, nên mới chạy đua đăng ký gấp gáp. Sinh viên nhiều lúc hùa theo số đông, sẽ tự để mình vất vả thêm”.

TS. Nguyễn Nữ Nguyệt Anh khẳng định: "Các chương trình đòi hỏi chuẩn đầu ra theo khung quốc tế thì thường là các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao ở các trường hay là chương trình đào tạo của các trường quốc tế. Các giảng viên giảng dạy các chương trình này thường được tuyển chọn kỹ càng. Khi đăng ký theo học các chương trình này, sinh viên mong muốn được cấp bằng quốc tế hay thể hiện "chất lượng". Điều này đồng nghĩa với việc chương trình được nâng cao hơn là hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên, tôi là giảng viên đã từng dạy những lớp như thế, tôi thấy rằng, trong khi nhiều giáo viên cố gắng đưa những phương pháp giảng dạy hiện đại nhưng sinh viên vẫn còn khá thụ động và chưa chịu khó tiếp thu. Sinh viên muốn điểm cao, bằng chất lượng nhưng chưa thực sự nhiệt huyết trong học tập. Còn những chương trình nào đòi hỏi đầu ra cao mà sinh viên cảm thấy giáo viên chưa đáp ứng được thì sinh viên hoàn toàn có thể phản ánh với cơ sở đào tạo để có hướng khắc phục".

Cẩm Mịch

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/sv-chen-nhau-dang-ky-thi-tieng-anh-chuan-dau-ra-nang-luc-nam-o-cai-chung-chi-a413390.html