SWIFT gpi - Toàn cầu hưởng lợi

SWIFT gpi (global payments innovation) là sáng kiến đổi mới thanh toán toàn cầu của Tổ chức SWIFT, bao gồm một chuỗi các sáng kiến được đề xuất, thực thi và hoàn thiện liên tục để hướng tới nhiều lợi ích cho ngân hàng cũng như khách hàng của mình. Nhận thấy tính ưu việt của giải pháp, các ngân hàng đã chủ động hoàn thiện hệ thống để đạt chuẩn theo các yêu cầu, được Tổ chức SWIFT công nhận là thành viên gpi.

Lợi ích xuyên biên giới

SWIFT gpi được đánh giá là một cuộc cách mạng lớn nhất về thanh toán quốc tế trong vòng 30 năm trở lại đây. Nó mang lại rất nhiều lợi ích cho ngân hàng tham gia và khách hàng của mình như: Tăng tốc độ thanh toán, minh bạch thời gian xử lý và phí giao dịch, quản lý tốt hơn dòng tiền... Với những lợi ích thiết thực, theo báo cáo mới nhất của SWIFT, đến thời điểm hiện nay đã có trên 450 ngân hàng trên thế giới sử dụng dịch vụ, hơn 200 quốc gia có các giao dịch thanh toán chuyển qua các ngân hàng thành viên gpi, đạt 78% tổng lượng giao dịch thanh toán quốc tế toàn cầu qua SWIFT.

Để triển khai được gpi, các ngân hàng đều thực hiện nâng cấp hệ thống công nghệ, cải tiến quy trình nội bộ để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và thỏa thuận dịch vụ gpi (SLA). Ngân hàng gpi sẽ giảm bớt chi phí tác nghiệp trong xử lý tra soát và khiếu nại của khách hàng, giảm chi phí sử dụng vốn do dự đoán được và tối ưu hóa trong quản lý dòng tiền. Các thành viên cũng có quyền khai thác mức độ tuân thủ SLA của các ngân hàng gpi (tốc độ xử lý điện đến/trả trạng thái gpi, phí, tỷ giá áp dụng cho từng giao dịch) làm căn cứ đánh giá và lựa chọn ngân hàng đại lý/trung gian phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ thanh toán, tăng chất lượng dịch vụ. Nhờ vậy khách hàng sẽ hài lòng hơn đối với dịch vụ thanh toán quốc tế, từ đó, ngân hàng giữ chân và gia tăng giao dịch của khách hàng hiện tại, thu hút thêm khách hàng mới.

SWIFT gpi sau khi được triển khai đã mang đến sự hài lòng lớn cho khách hàng tại các các nước trên thế giới. Dịch vụ này giúp khách hàng cập nhật nhanh chóng và chính xác các thông tin về tình trạng xử lý điện tại các ngân hàng, thời gian xử lý và số tiền hạch toán, từ đó kiểm soát được dòng tiền đi/đến để chủ động trong kế hoạch kinh doanh của mình. Ngoài ra, khách hàng còn được gián tiếp hưởng lợi từ việc các ngân hàng cạnh tranh thông qua việc giảm phí, tăng tốc độ xử lý, minh bạch thông tin giao dịch, … để nâng cao vị thế trong hệ thống thanh toán toàn cầu.

Thông tin trên Tracker thể hiện lịch sử thông tin xử lý giao dịch từ BIDV đến ngân hàng nhận.

Thông tin trên Tracker thể hiện lịch sử thông tin xử lý giao dịch từ BIDV đến ngân hàng nhận.

Ông Nguyễn Hoài Nam (Giám đốc CTCP Thương mại Dịch vụ kỹ thuật VIETTOP) khi giao dịch tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Mỹ cho biết: “Với đặc thù thường xuyên thanh toán trả trước cho đối tác nước ngoài, SWIFT gpi thật sự rất hữu ích với công ty. Nhờ có SWIFT gpi chúng tôi biết chính xác tình trạng thanh toán để đôn đốc đối tác trong việc giao hàng. Chúng tôi đánh giá SWIFT gpi là một bước tiến lớn trong thanh toán quốc tế”.

Ngân hàng Việt nhanh chân đón cơ hội

Tại Việt Nam, một số ngân hàng có thế mạnh về công nghệ, nhân lực, tài chính đã xúc tiến mạnh mẽ để trở thành thành viên của SWIFT gpi. Có thể kể đến những Ngân hàng đi đầu trong triển khai SWIFT gpi gồm: BIDV, Vietcombank, Vietinbank… Đặc biệt tại Ngân hàng BIDV, sau nỗ lực không ngừng để cải tiến quy trình nội bộ và hoàn thiện hệ thống công nghệ để đáp ứng các yêu cầu về dịch vụ gpi, BIDV đã được Tổ chức SWIFT công nhận đạt chuẩn và chính thức vận hành SWIFT gpi tại thị trường Việt Nam và là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai đồng thời cả 3 vai trò gpi: Ngân hàng gửi điện, Ngân hàng trung gian và Ngân hàng nhận điện. Riêng phương thức kết nối chuyển nhận thông tin trạng thái điện với Tracker, khác với các ngân hàng khác ở Việt Nam và nhiều ngân hàng khác trên thế giới, BIDV sử dụng phương thức kết nối API để đồng bộ tức thời các thông tin gpi của điện về chương trình nội bộ.

Từ ngày 1/11/2018, BIDV đã có tên trong danh sách các ngân hàng gpi và Tổ chức SWIFT chính thức đánh giá chất lượng dịch vụ của BIDV. SWIFT yêu cầu đối với các ngân hàng thành viên phải đáp ứng chất lượng dịch vụ gpi tối thiểu là 90%. Trong 4 tháng đầu tiên (từ tháng 11/2018 - tháng 02/2019), theo báo cáo của SWIFT, BIDV đã đạt được mức tuân thủ rất cao là 98% trong tháng đầu và 99% trong các tháng sau đó.

BIDV hiện thiết lập quan hệ đại lý với hơn 2.000 ngân hàng trên toàn cầu, mở tài khoản Nostro tại 50 ngân hàng nước ngoài, cho phép xử lý giao dịch với tất cả các loại ngoại tệ. Khoảng 70% lượng điện đi của BIDV được các ngân hàng đại lý xử lý và ghi có tài khoản người hưởng cùng ngày hiệu lực, trong đó 35% lượng điện ghi Có cho người hưởng trong vòng 5 phút và khoảng 50% lượng điện được ghi có cho người hưởng trong vòng 10 phút kể từ khi BIDV gửi lệnh chuyển tiền.

Hệ thống của BIDV kết nối SWIFT 24/7 và tự động hạch toán hầu hết điện đến, trong đó 90% số lượng điện SWIFT đến BIDV được ghi có tài khoản người hưởng cùng ngày hiệu lực, trong đó trong đó 50% lượng điện ghi Có có người hưởng trong vòng 5 phút và gần 60% lượng điện được ghi có trong vòng 10 phút kể từ khi ngân hàng nước ngoài gửi lệnh chuyển tiền tới BIDV. Tỷ lệ điện đến được BIDV xử lý tự động sẽ nhiều hơn và nhanh hơn nữa khi khách hàng, người dân chỉ dẫn nhận tiền qua tài khoản nhiều hơn (hiện nay, người dân Việt Nam vẫn còn thói quen nhận tiền bằng giấy tờ tùy thân: chứng minh thư, hộ chiếu, thẻ quân nhân… thay vì mở tài khoản tại ngân hàng) và chỉ đưa chỉ dẫn thanh toán chuẩn, chính xác cho người chuyển tiền.

Báo cáo của SWIFT về chất lượng dịch vụ gpi của BIDV.

Chia sẻ cảm nhận khi giao dịch tại BIDV Chi nhánh Sở Giao dịch I, Bà Trần Thị Bích Thủy - Khách hàng thường xuyên chuyển tiền quốc tế cho biết: “Tôi thường xuyên chuyển tiền cho các con tôi đang du học ở Mỹ. Từ ngày có dịch vụ mới, tôi được BIDV thông báo thời gian, số tiền con tôi nhận được. Đặc biêt khi chuyển học phí cho trường học, các thông tin này rất cần thiết. Tôi rất hài lòng! Công nghệ, dịch vụ ngày càng phát triển, khách hàng như chúng tôi cũng thấy yên tâm và tin tưởng ngân hàng hơn”.

Liên tục đổi mới phục vụ khách hàng

Mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định, xong các Ngân hàng Việt sẽ tiếp tục phải đổi mới để gia tăng lợi ích cho khách hàng. Ở BIDV, ngân hàng này đang tích cực hoàn thiện hệ thống nội bộ đáp ứng yêu cầu khi triển khai các dịch vụ SWIFT gpi mới theo lộ trình của Tổ chức SWIFT. Theo đó, BIDV đang xây dựng cổng tra cứu thông tin tình trạng xử lý các giao dịch chuyển tiền qua tất cả các kênh thanh toán điện tử trong nước và quốc tế để cung cấp cho khách hàng trong năm 2019. Khi đó, khách hàng sẽ được cập nhật thông tin người hưởng được ghi Có hoặc chủ động vấn tin tình trạng xử lý giao dịch, bao gồm ngân hàng trung gian, số tiền báo có, phí, tỷ giá, thời gian xử lý…

Ngoài ra, từ tháng 12/2018, BIDV đã chính thức đăng ký sử dụng dịch vụ SCORE (Standardlised CORporation Environment) cho phép gửi/nhận điện SWIFT và thông tin giao dịch giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Đây là tiền đề quan trọng cho khách hàng doanh nghiệp được trực tiếp sử dụng dịch vụ SWIFT gpi g4C (for Customer) trong tương lai gần.

Khách hàng doanh nghiệp khi là thành viên của Tổ chức SWIFT sẽ được SWIFT cung cấp mã BEI (Business Enterprise Identifier - mã định danh của doanh nghiệp trên hệ thống SWIFT). Khi hợp tác với BIDV, ngoài trao đổi thông tin điện tín với BIDV trên môi trường SWIFT cung cấp, khách hàng doanh nghiệp còn tra cứu được tình trạng các giao dịch của mình trên hệ thống SWIFT thông qua dịch vụ SWIFT gpi của BIDV.

Từ kinh nghiệm triển khai dịch vụ SWIFT gpi, BIDV đã nhân rộng sáng kiến cho hệ thống thanh toán điện tử song phương với Vietinbank, Agribank và tiếp tục nghiên cứu ứng dụng cho các hệ thống thanh toán khác, đồng thời tận dụng công nghệ hóa các khâu xử lý trung gian hướng tới dịch vụ tốt nhất cung cấp cho khách hàng.

Huyền Anh

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/swift-gpi--toan-cau-huong-loi-d2065242.html