Sỹ phu tụ hội!

TCCS - Nhớ thời khai quốc Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945, và các năm sau đó cho tới ngày kháng chiến thắng lợi chống thực dân Pháp, suốt chín, mười năm liền, xem các Chính phủ của ta: Chính phủ Cách mạng lâm thời, Chính phủ Liên hiệp lâm thời tới Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, đều do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, người ta thấy hội tụ đông đảo các gương mặt trí thức đủ giai tầng tiêu biểu. Trí thức xuất thân từ quan lại triều đình phong kiến hay từ Nho học như: các Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Vũ Đình Hòe, Nguyên Văn Tố... tới các trí thức Tây học hiện diện: Cù Huy Cận, Vũ Trọng Khánh, Dương Đức Hiền, Dương Đức Tri, Đào Trọng Kim..., các trí thức từ nước ngoài nghe theo tiếng gọi non sông, đáp lời kêu gọi về với dân tộc: Nguyễn Văn Huyên, Phạm Ngọc Thạch... cùng với các trí thức cách mạng: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... Rồi các gương mặt trí thức dù không đảng phái hoặc của các đảng phái: Từ Đảng Cộng sản Đông dương (Việt Minh) tới Đảng Dân chủ và Xã hội, như các vị Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm, Trần Đăng Khoa... Tất cả cũng hiện diện, tề tựu đông đúc.

Lễ Công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2016 - Ảnh tư liệu.

Đó là các Chính phủ của toàn dân tộc, mà trí thức chiếm một vị trí xứng đáng, đã góp phần cùng toàn dân tộc đưa đất nước vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” sinh tử, vừa kháng chiến vừa kiến quốc cực kỳ khó khăn lúc bấy giờ và tới ngày kháng chiến thắng lợi chống thực dân Pháp, 07-5-1954.

Không chỉ trong nội các Chính phủ, lúc bấy giờ, nhìn rộng ra, trên khắp các lĩnh vực, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều công sức cho việc kêu gọi, tập hợp lực lượng trí thức, nhất là đối với trí thức cao cấp, uy tín xã hội cao, dù còn mỏng nhưng rất quý. Lực lượng đông đảo hơn cả là các trí thức tân học, được đào tạo căn cơ ở trong nước hoặc du học nước ngoài về: các Bác sĩ Vũ Đình Tụng, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng; các luật sư Phan Anh, Dương Đức Hiền...; các Giáo sư Hoàng Minh Giám, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Tường, Tạ Quang Bửu, Ngụy Như Kon Tum...

Trí thức ở trong nước nhưng khá đặc biệt - các bậc túc nho, đại khoa, các quan lại cao cấp của triều đình nhà Nguyễn: Cụ Bùi Bằng Đoàn - nguyên Thượng thư Bộ Hình, Cụ Phan Kế Toại - nguyên Khâm sai đại thần; và các vị khác: Bùi Kỷ, Võ Liêm Sơn,...

Các vị trí thức sau khi du học thành công, có học vị cao, vì những lý do khác nhau đã ở lại nước ngoài, thậm chí có người lập gia đình tại đó, đã về nước theo lời mời của Người: Kỹ sư Trần Đại Nghĩa - chuyên gia cao cấp về vũ khí ở Đức, Giáo sư Toán học Lê Văn Thiêm - người Việt đầu tiên được phong hàm này ở Đại học Zu-rích (Thụy Sĩ), Bác sĩ Nông học Lương Định Của, Tiến sĩ Y khoa Đặng Văn Ngữ ở Nhật... và khá nhiều vị thành tài ở Pháp như: Giáo sư Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo; các bác sĩ: Trần Hữu Tước, Nguyễn Khắc Viện...

Hầu hết các vị kể trên đều được chính quyền cách mạng trọng dụng, tạo điều kiện để mỗi người phát huy tối đa năng lực sở trường, góp phần tích cực vào cuộc chiến tranh vệ quốc cũng như xây dựng nền móng ban đầu cho các lĩnh vực quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục còn non yếu của đất nước. Có thể nói, các trí thức thời ấy, tân học cũng như cựu học, đã “tâm phục, khẩu phục” vị lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh không chỉ về đức mà còn cả về tài. Xử lý công việc dù phức tạp đến đâu, Người cũng luôn tôn trọng chủ kiến sáng tạo của họ, bổ khuyết những gì chưa ổn, rồi sắp xếp, tính toán kế hoạch thực hiện sao cho hợp lý nhất, nhanh nhất. Điều mà ít ai có được như Người là, sự tiếp cận tự nhiên, chân tình, bình dị, cởi mở và thực sự tin cậy trí thức.

Sỹ phu tụ hội!

Đó là một ngọn nguồn làm nên vị thế dân tộc, sức mạnh Việt Nam trong cõi hoàn cầu!

Sau 30 năm, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ đất nước, trong hành trang dân tộc bước ra thế giới, hội nhập hoàn cầu, trong không khí phát triển cách mạng khoa học thế hệ thứ tư, có thể nói, lực lượng trí thức càng quan trọng hơn hết bao giờ và đã góp phần to lớn làm rạng danh Tổ quốc. Nhưng nhìn lại, sao đây đó, không ít trí thức nghểnh ngảng, thờ ơ? Hỏi ra, vì lòng họ vẫn chửa thật vui? Họ nói về sự tin cậy! Sao không ít nơi, sỹ phu còn... ngoảnh mặt, nạn “chảy máu chất xám” như là vấn nạn, chửa thể cản ngăn, hóa giải? Họ nói về sự “bán tin bán nghi”, về thái độ “nửa dụng nửa ngờ”! Sao không ít chốn, lực lượng trí thức thì đông, nhưng đội ngũ lại xộc xệch, trí thức lại phân tâm, phân sức? Họ nói về sự tổ chức, về thực thi cơ chế, về hoạch định chính sách nhỏ to, về bàn tay vận hành! V.v. và v.v.

Khảo lược mấy chục năm trước, cốt chỉ để nhìn lại, suy ngẫm và hành xử hiện thời, để kiên tâm nâng niu một mạch ngầm chảy suốt, mà sự thành bại của quốc gia một phần căn bản, phải chăng lại nằm ở chính chỗ này?

Bảy, tám trăm năm trước, cổ nhân xác quyết và xác tín: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Nếu để “Sỹ phu ngoảnh mặt” thì đại họa vong quốc tới gần. Vì đó là một trong năm cái họa làm mất nước - gần ba trăm năm trước, cổ nhân cũng từng cảnh báo. Rồi, cách nay ngót trăm năm, cổ nhân lại nói thêm lần nữa:“Tôn tài đại thịnh”.

Nhẽ thường cho thấy, mỗi trí thức là một cá tính sáng tạo. Và, sáng tạo chính là kết tinh của tư tưởng, cá tính, bản lĩnh kẻ sỹ. Tôn trọng mọi cá tính, miễn sao cá tính không phương hại tới việc chung. Do đó, tiếp tục dành sự trọng thị, nhân bản một cách xứng đáng với trí thức, cố nhiên cả cá tính của họ. Không kể là ai, với bất kỳ lý do gì, hễ xem khinh, cố chấp hay kỳ thị sỹ phu, xa lánh, ghét bỏ trí thức, hay nửa tin nửa nghi, dù vô tình hay hữu ý, thì sớm nên tẩy bỏ! Vì, trọng nhân tất nhân trọng! Thành tâm, tin cậy hành xử với trí thức là con đường ngắn nhất để tới với mọi kẻ sỹ xưa nay! Việc gần gũi hay xa lánh, chửa nói việc hội ngộ cùng kẻ sỹ mưu sự quốc gia, thường lại bắt đầu từ đây. Khởi thủy của thành công ấy là thường trực sự chân thành trọng thị kẻ sỹ!

Thế nên, chả kể là ai, chả kể cấp nào, chả kể dành riêng với trí thức, thì hành xử “đối đãi sao cho xứng đáng với mọi người”, chân thành, tinh tế, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Ấy là bí quyết của thành công! Chưa tin chớ dụng, hữu dụng tất toàn tin. Kẻ sỹ chân chính không ưa thói nói suông, rao giảng phù phiếm. Vì, họ dám dấn thân bảo vệ vô điều kiện chân lý thì cũng sẵn sàng xả thân vì chân lý. Trí thức chân chính không ưa sự tâng bốc, luôn xa lánh mọi sự tỵ hiềm. Vì, họ căm ghét thói xiểm nịnh, thói khoe mẽ, thà chết không chịu bị làm nhục! Khi đã hèn thì làm gì có cá tính, huống chi nói gì tới có tư tưởng! Mà khi không có tư tưởng thì quá lắm chỉ là bản sao của cái gọi là kẻ sỹ mà thôi: ngụy sỹ phu(!). Và, khi Dân tộc không có Tư tưởng của mình thì không thể Phát triển được! Có nhẽ xưa nay kẻ sỹ ta luôn lo lắng thế, mong mỏi thế và dấn thân cũng vì nhẽ đó. Bởi họ là như thế. Ấy cũng là Liêm sỉ, là Tư tưởng và Khí phách của Dân tộc và của kẻ sỹ vậy! Những người đứng đầu hoặc người lĩnh trọng trách hãy tự mình làm muối! Bởi chưng có làm muối, mới mong ướp mặn được người khác! Bí quyết con đường của thành công rực rỡ xưa nay là, thành tâm trọng đãi sỹ phu!

Vì thế, thử dụng công mà khảo lược xem, mấy chục năm qua, ta có quyết sách gì riêng và ngang tầm cho trí thức? Nếu có thì việc thực thi, rồi tổng kết ra sao? Đó là việc không thể nhỏ! Trước mắt, cần kíp đổi mới thể chế, định chế chính sách để ghi nhận, tôn vinh công trạng một cách dân chủ, bình đẳng và công minh là rất quan trọng. Tạo dựng môi trường cống hiến sáng tạo quan trọng không thể đứng sau điều đó. Cổ nhân dạy: Không thể thất bại chỉ khi không nhốt chung những bậc quân tử với hạng tiểu nhân. Dân gian cũng nói: Nếu muốn trắng tay thì hãy đem nhốt ếch vào giỏ cua là vậy. Vả chăng, vốn trọng liêm sỉ, nên trí thức cũng mong manh, dễ bị tổn thương! “Quốc gia hữu sự, thất phu hữu trách”! Làm sao cho mỗi trí thức trở thành một nhân cách khả sỉ, trước mắt mỗi trí thức là một chân trời sáng tạo đầy cá tính, dạt dào cảm hứng và kiên tâm bảo vệ họ! Ngọc tự tỏa sáng!

Mong rằng, muôn sự vẹn toàn, để sao cho sỹ phu nước Nam ta, trong thì từ hang cùng ngõ hẻm nơi thôn dã tới chốn thị thành, ngoài thì từ chân giời tuyết phủ Bắc cực đến góc bể ba đào Á Âu hay ở bất cứ nơi đâu trên khắp hoàn cầu, sẽ chẳng còn kẻ sỹ nào có thể “ngoảnh mặt” với vận hội nước non nhà, như tiền nhân lo lắng nữa. Mà ai ai cũng... ngoảnh lại, tìm về hội tụ với non sông, gánh vác công việc xã tắc như là Liêm sỉ, như là Tư tưởng, như là Lương tâm, như là Bổn phận, như là nhẽ Danh dự tự nhiên trên đời của dòng giống Tiên Rồng!

Sỹ phu nối chí ông cha tụ hội! Muôn người đồng lòng, mưu cầu làm nên Tư tưởng, Khí phách và Sức mạnh Việt Nam!

Để mãi mãi là như thế, thiển nghĩ, thì vui nào vui hơn!?./.

Nhị Lê

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/sinh-hoat-tu-tuong/2018/48757/sy-phu-tu-hoi.aspx