Syria: 'Cỗ máy chiến tranh' vẫn vững như đồng

Các cuộc không kích của Mỹ, Anh và Pháp chỉ mang tính biểu tượng và càng phản ánh rằng phương Tây không thể ngăn Tổng thống Assad tiến tới chiến thắng trong cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này.

Nhà lãnh đạo Syria một mực phủ nhận việc sử dụng các chất hóa học bị cấm và tuyên bố rằng ông không cần phải dùng tới thứ vũ khí này trong cuộc chiến mà ông đang ở thế thắng.

Mỗi bên một mục tiêu

Trên thực tế, phe đối lập đã phải thất vọng khi họ vốn trông đợi Anh, Pháp và Mỹ sẽ tiến hành các cuộc không kích nhằm vào hệ thống phòng thủ tên lửa hoặc các căn cứ nơi máy bay chiến đấu và trực thăng của quân đội chính quyền thực hiện các chiến dịch ném bom. Thực tế, liên quân chỉ nhắm đến các mục tiêu mà họ cho là cơ sở hạ tầng liên quan đến vũ khí hóa học của ông Assad.

Một người lính Syria ghi lại những hình ảnh đổ nát của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Syria – một trong những mục tiêu bị tấn công trong cuộc không kích ngày 14/4. (Nguồn: AP)

Lầu Năm Góc cho biết các cuộc không kích nhằm vào 3 mục tiêu là trung tâm nghiên cứu khoa học ở Damascus, được cho là nơi sản xuất và thử nghiệm các công nghệ chiến tranh sinh học và hóa học; một kho chứa vũ khí hóa học ở phía Tây thành phố Homs; và một kho chứa các trang thiết bị và là sở chỉ huy quan trọng cũng ở phía Tây của Homs. Randa Slim, chuyên gia đang làm việc tại Viện Trung Đông ở Washington, viết trên trang Twitter cá nhân: “Nếu sự thật là như vậy, ông Assad nên thở phào”.

Chỉ là đòn gió vô ích?

Mọi chuyện diễn ra vẫn bình thường với ông Assad vào ngày 14/4. Văn phòng Tổng thống đã đăng tải một đoạn băng ghi hình ông bình thản đi bộ tới nơi làm việc. Một diễn biến khá liên quan là Quân đội Syria tuyên bố thị trấn Douma “đã hoàn toàn được giải phóng” sau khi nhóm phiến quân cuối cùng rời đi.

Thị trấn Douma, phía Đông Ghouta, là nơi diễn ra vụ tấn công tình nghi có sử dụng vũ khí hóa học hôm 7/4 và cũng là thị trấn cuối cùng do quân nổi dậy nắm giữ, từng là cứ điểm quan trọng ở cửa ngõ Damascus. Hàng nghìn phiến quân đã đầu hàng sau nhiều năm bị bao vây và sau chiến dịch phối hợp không quân-bộ binh mà chính quyền tiến hành tiêu diệt tới hàng trăm tay súng những tuần gần đây.

Việc giành lại Douma về cơ bản đã chấm dứt cuộc nổi dậy kéo dài gần 7 năm ở khu vực lân cận Damascus và đánh dấu chiến thắng quan trọng nhất của Tổng thống Assad từ khi quân đội giành lại thành phố phía Bắc Syria Aleppo vào cuối năm 2016. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các đồng minh Nga và Iran, quân đội Syria chắc chắn sẽ tiếp tục cuộc chiến nhằm vào các vùng lãnh thổ mà quân nổi dậy hiện đang chiếm đóng, cụ thể là các khu vực ở phía Nam và phía Bắc Idlib.

Tổng thống Assad đã giành lại quyền kiểm soát hầu hết lãnh thổ Syria và các thành phố đông dân trọng yếu khác. Đồng minh của Damascus đã đặt dấu hỏi về tính hợp lý của cáo buộc cho rằng ông Assad tìm kiếm chiến thắng qua việc dùng tới vũ khí hóa học, hành động làm dấy lên sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế và các đòn trả đũa.

Các cuộc tấn công khá giới hạn diễn ra trong bối cảnh phe đối lập tỏ ra rất thất vọng với phương Tây. Một người phát ngôn của lực lượng này thậm chí còn gọi các cuộc không kích là “đạo đức giả”. Một nhân vật cấp cao khác trong phe đối lập, Nasr Hariri, cho biết rất hoan nghênh các cuộc không kích song sự giới hạn của chiến dịch này cho thấy nếu không thể dùng vũ khí hóa học, chính quyền vẫn có thể tiếp tục dùng “các loại bom thùng và bom có sức hủy diệt lớn”.

Khó thay đổi cục diện

Adulsalam Abdulrazek, người từng làm việc cho chương trình nghiên cứu vũ khí hóa học của Syria, cho rằng các cuộc tấn công trong đêm đã phá hủy “nhiều phần, song không phải các khu vực quan trọng nhất”. Trao đổi với AP tại khu vực do quân nổi dậy nắm giữ ở phía Bắc Syria, ông nhận định các cuộc tấn công khó có khả năng tác động tới việc sản xuất vũ khí hoặc tiến hành các vụ tấn công khác của Damascus. Abdulrazek đào tẩu vào năm 2012 khi đang làm việc ở phía Đông Ghouta - nơi được cho là đã diễn ra một vụ tấn công bằng hóa học vào năm 2013 và vụ thứ hai hôm 7/4.

Ông cho biết có khoảng 50 kho chứa vũ khí hóa học tại khu vực này trước thời điểm chương trình bị đình chỉ năm 2013. Theo ông, các cơ sở hạ tầng kiên cố, chủ yếu nằm ở vùng nông thôn, vẫn còn nguyên vẹn hoặc chỉ bị dỡ bỏ một phần, và chương trình phát triển vũ khí hóa học cũng chưa bị xóa sổ hoàn toàn bởi Damascus từ chối cho phép các thanh sát viên từ bên ngoài.

Những người lính Syria. (Nguồn: AP)

Chuyên gia của IHS Jane's Karl Dewey cho biết có nguồn tin nói rằng tại cơ sở nghiên cứu khoa học nằm ở rìa phía Đông Bắc Damascus, người ta đã gắn đầu đạn hóa học vào các loại pháo và vũ khí khác.

Tuy nhiên, dù gì đi chăng nữa, ngay cả những người chỉ trích Assad mạnh mẽ nhất cũng cho rằng ông không cần phải dùng tới vũ khí hóa học ở thời điểm này của cuộc chiến. Các cuộc không kích khó có khả năng tác động đáng kể tới kết quả cuộc nội chiến, và cũng không thể buộc Assad phải ngồi vào bàn đàm phán và nghiêm túc thảo luận về một giải pháp chính trị như nhiều người kỳ vọng.

(theo AP)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/syria-co-may-chien-tranh-van-vung-nhu-dong-69612.html