Syria đối mặt nguy cơ đụng độ quân sự trở lại

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được lệnh ngừng bắn tại tỉnh Idlib của Syria. Sau đó, hôm 23-7 Moscow và Ankara đã thực hiện thành công một cuộc tuần tra chung trên đường cao tốc M4, một con đường chiến lược nối miền Đông và miền Tây Syria đi qua tỉnh Idlib hiện do phe đối lập kiểm soát. Tuy nhiên, khu vực này vẫn phải đối mặt với khả năng xảy ra đụng độ quân sự trở lại.

Cuộc tuần tra mới nhất diễn ra 4 tháng sau khi Ankara và Moscow đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại tỉnh Idlib bị chiến tranh tàn phá, sau cuộc hội đàm hồi tháng 3 tại Moscow giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Thỏa thuận ngày 5-3 được coi là sự bổ sung cho thỏa thuận Sochi, kêu gọi thiết lập một hành lang an ninh dài 6 km về phía Bắc và phía Nam của đường cao tốc M4, đồng thời Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phối hợp tuần tra chung nhằm đảm bảo lệnh ngừng bắn được tuân thủ triệt để.

Thông qua cuộc tuần tra chung, Ankara đã xác nhận cam kết tuân thủ thỏa thuận song phương về Idlib và thể hiện sẵn sàng thực hiện các điều khoản tiếp theo của thỏa thuận. Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ trong việc thực thi nghĩa vụ của phía Thổ Nhĩ Kỳ, thay vì giảm căng thẳng xung quanh tỉnh Idlib, Chính phủ Syria lại tiếp tục củng cố lực lượng dọc theo vành đai của khu vực giảm căng thẳng này. Điều đó có thể trở thành điềm báo về khả năng chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự mới.

Phiến quân Syria tại Idlib. Ảnh tư liệu

Phiến quân Syria tại Idlib. Ảnh tư liệu

Những cuộc đụng độ trước đó giữa các lực lượng Chính phủ Syria và phe đối lập đã diễn ra ở khu vực này. Các cuộc không kích (mặc dù rất hạn chế) của không quân Syria và không quân Nga đã được nối lại, bao gồm cuộc tấn công vào thành phố al-Bab nằm bên ngoài khu vực giảm căng thẳng của tỉnh Idlib.

Việc quân đội Syria tăng cường lực lượng cùng những áp lực của Nga dưới hình thức không kích có thể được hiểu như một tín hiệu gửi tới Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hối thúc Ankara nhanh chóng thực thi phần tiếp theo của thỏa thuận liên quan đến việc xây dựng một hành lang an ninh dài 12 km (6 km về phía Bắc và 6 km về phía Nam) dọc theo đường cao tốc M4. Phần phía Nam của hành lang này phải do các lực lượng của Nga kiểm soát.

Đầu tháng 3-2020, sau thỏa thuận giữa Putin và Erdogan giúp chấm dứt chiến sự ở Idlib, toàn bộ khu vực phía Nam đường cao tốc M4, hiện nằm dưới sự kiểm soát của phe đối lập, được Nga xác định là lãnh thổ cần nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Damascus.

Tuy nhiên, việc triển khai các quy định thiết lập một phần của Nga trong vùng an ninh phía Nam đường cao tốc M4 không thể thực hiện trừ khi toàn bộ khu vực Jabal al-Zawiya thuộc tầm kiểm soát của Damascus hoặc của quân đội Nga. Điều quan trọng là phải xem xét hai khía cạnh sau:

Thứ nhất, cần tính đến những khó khăn mà các cuộc tuần tra chung giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gặp phải trên đường cao tốc M4, cụ thể là chống lại lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) có liên kết với tổ chức khủng bố al-Qaeda và những nhóm cực đoan khác tìm cách ngăn chặn các cuộc tuần tra.

Vì vậy, kế hoạch tạo ra một khu vực an ninh dưới sự kiểm soát của Nga dọc theo đường cao tốc này không thể xảy ra nếu không có hành động mạnh mẽ nhằm đẩy lùi những nhóm cực đoan khỏi khu vực này. Bằng không, các nhóm này sẽ thực hiện các cuộc tấn công liên tục và hành động khủng bố chống lại quân đội Nga, đẩy lực lượng của Moscow vào môi trường thù địch.

Thứ hai, việc tạo ra một hành lang an ninh của Nga dọc theo đường cao tốc M4 sẽ cắt đứt và cô lập khu vực do phe đối lập và HTS kiểm soát tại Jabal al-Zawiya, phía Nam đường cao tốc này. Do đó, HTS sẽ khó chấp nhận tự nguyện chuyển giao vùng an ninh này sang cho quân đội Nga kiểm soát. Điều này có nghĩa là vùng an toàn không thể được tạo ra mà không loại bỏ toàn bộ khu vực đối lập nằm ở phía Nam M4 của các đơn vị HTS.

Không loại trừ rằng sự chuẩn bị quân sự hiện tại của Damascus và Moscow xung quanh Idlib thực sự nhắm chính xác tới việc triển khai kịch bản cứng rắn này. Dựa trên các điều kiện hiện tại, bất kỳ hoạt động quân sự nào ở Idlib đều mang đến nhiều rủi ro cho chế độ của Tổng thống Assad và các đồng minh, đồng thời có thể gây ra những hậu quả khó lường do Thổ Nhĩ Kỳ đang triển khai quân sự quy mô lớn ở tỉnh Idlib.

Kinh nghiệm của chiến dịch quân sự trước đây ở khu vực này cho thấy ngay cả sự tham gia hạn chế của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong việc hỗ trợ phe đối lập cũng có thể thay đổi hoàn toàn cán cân sức mạnh và biến quân đội chính phủ Syria từ bên tấn công sang phòng thủ. Do đó, trong tình hình hiện tại, vấn đề chính vẫn là phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Một chiến dịch không được phối hợp với phía Thổ Nhĩ Kỳ có thể dẫn đến nguy cơ đối đầu vũ trang mới giữa Ankara và Damascus. Thêm vào đó, mối đe dọa về những va chạm giữa quân đội Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng, đặc biệt khi tính đến các hệ thống phòng không tầm trung của Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai tại Idlib, có thể vô tình tấn công máy bay chiến đấu của Nga.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ có thể không chấp nhận để các lực lượng chính phủ Syria kiểm soát khu vực phía Nam M4, vốn đã được đánh dấu trên bản đồ Nga là thuộc về chính quyền Assad, vì Ankara muốn sử dụng chúng làm đòn bẩy để củng cố các cứ điểm của mình ở phía Đông Euphrates trong tương lai.

Trong kịch bản đó, Nga và chính quyền Syria có thể được trao cơ hội chiếm giữ khu vực Jabal al-Zawiya để đổi lấy khả năng mở rộng (hoặc kéo dài) khu vực an ninh Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Đông Syria. Một cuộc "trao đổi" như vậy sẽ phù hợp với tinh thần của các thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ trước đây về Idlib.

Điều đó có nghĩa Ankara sẽ chấp nhận để các lực lượng Chính phủ Syria kiểm soát một phần Idlib, trong khi phía Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiến hành các hoạt động chống lại người Kurd Syria.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/syria-doi-mat-nguy-co-dung-do-quan-su-tro-lai-204044.html