Syria đối mặt nguy cơ từ Mỹ-Thổ

Bất chấp những bất đồng kéo dài giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, một loạt động thái trong thời gian gần đây cho thấy những thế lực này đang kết hợp để thiết lập những vùng đất riêng biệt trên chính lãnh thổ của Syria trong khi chính quyền Damascus không thể làm được gì nhiều. Điều này khiến Syria đang phải đối mặt với nguy cơ từ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo The Arab Weekly, cuộc thảo luận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ về việc thiết lập một “vùng an toàn” ở Đông Bắc Syria là một ví dụ mới nhất cho thấy các thế lực chính trị ở khu vực và quốc tế đang “phân chia” quốc gia Trung Đông này. Ankara và Washington đã bắt đầu chuẩn bị để thiết lập trung tâm điều hành các hoạt động chung nhằm quản lý “vùng an toàn” nằm dọc biên giới khu vực Đông Bắc của Syria giáp với Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù hai thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này chưa thể nhất trí về diện tích của vùng này và ai sẽ tổ chức tuần tra ở khu vực, song động thái trên cũng đã cho thấy các thế lực nước ngoài đang thiết lập những vùng riêng biệt nhằm tạo ảnh hưởng cũng như theo đuổi những mục tiêu của riêng họ ở Syria. Trong khi đó, Chính phủ Syria không thể làm được gì hơn ngoài việc phản đối việc làm đó.

Các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tràn vào khu vực biên giới Syria. (Ảnh tư liệu)

Các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tràn vào khu vực biên giới Syria. (Ảnh tư liệu)

Thổ Nhĩ Kỳ muốn có “vùng an toàn” để đảm bảo rằng những tay súng người Kurd ở Syria không lợi dụng khu vực biên giới để gây rắc rối trên lãnh thổ của họ. Trong khi đó, Mỹ đã có khoảng 2.000 binh sĩ được triển khai tại khu vực phía Đông Syria. Washington muốn bảo vệ “các đối tác” người Kurd trước mối đe dọa từ các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ.

Bất chấp những cảnh báo từ Ankara, lực lượng người Kurd vẫn muốn duy trì vùng tự trị mà họ đã thiết lập từ khi các lực lượng của Syria rút khỏi đây vài năm trước để tập trung chiến đấu trên những mặt trận khác ở nước này. Một số nhà quan sát ở Trung Đông cho rằng, những diễn biến trong thời gian gần đây có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Ông Joshua Landis, GĐ Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông thuộc trường ĐH Tổng hợp Oklahoma (Mỹ), cho rằng “Syria khó có thể thống nhất đất nước trong thời gian dài... Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều tham vọng về lãnh thổ ở Syria. Nhiều nhóm có ảnh hưởng trong giới hoạch định chính sách đối ngoại ở Mỹ cũng cho rằng Washington nên duy trì lâu dài ở miền Bắc Syria.”

Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận việc nước này có những tham vọng lãnh thổ mạnh mẽ ở Syria. Theo Ankara, các kế hoạch về “vùng an toàn” ở Đông Bắc Syria được thực hiện vì những lý do giống như việc đã dẫn tới hành động can thiệp quân sự của nước này ở phía Tây của sông Euphrates hồi năm 2016 và năm 2018.

Theo Ankara, an ninh của nước này đã bị đe dọa bởi lực lượng người Kurd kiểm soát khu vực này, và giới chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ đã mô tả đây như một “hành lang khủng bố,” còn những người chỉ trích cho rằng Ankara có khả năng duy trì sự hiện diện lâu dài ở Syria. Theo thỏa thuận với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai số lượng nhỏ binh sĩ đóng ở 12 trạm quan sát xung quanh tỉnh Idlib ở Tây Bắc Syria nhằm giám sát lệnh ngừng bắn ở khu vực này. Trong khi đó, các lực lượng của Iran và thân Tehran cũng đang hoạt động ở Syria.

Theo chuyên gia Landis, chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã tuyên bố sẽ giành lại từng tấc đất của nước này, mà trong đó có cả khu vực tự trị của người Kurd và những khu vực bị các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng, nhưng vẫn chưa thể hành động để thực hiện những mục tiêu này của họ.

Chuyên gia Landis đánh giá: “Quân đội Syria yếu và đã kiệt sức. Họ phụ thuộc rất nhiều vào Nga. Điều này có nghĩa là những tham vọng của Tổng thống Assad nhằm giành lại những vùng lãnh thổ ở các tỉnh Aleppo và Idlib gắn liền với mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.”

Việc Nga can thiệp vào cuộc chiến ở Syria từ năm 2015 đã giúp các lực lượng của Tổng thống Assad không bị đánh bại cũng như giúp Chính phủ Syria giành lại quyền kiểm soát một số khu vực trên lãnh thổ nước này. Các lực lượng của Chính phủ Syria và các máy bay chiến đấu Nga đang giành chiến thắng trên thực địa ở khu vực Idlib song chưa đánh bật được các lực lượng phiến quân ra khỏi tỉnh này. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại muốn ngăn chặn cuộc tấn công tổng lực ở Idlib vì Ankara lo ngại về khả năng xảy ra dòng người tị nạn mới.

Việc giành lại quyền kiểm soát các vùng tự trị của người Kurd ở Đông Syria sẽ là một thách thức khác đối với các lực lượng của Tổng thống Assad. GĐ dự án nghiên cứu về Iraq, Syria và Liban thuộc Nhóm khủng hoảng quốc tế Heiko Wimmen nhận định, “Damascus còn rất nhiều việc phải làm trong vấn đề này, có thể sẽ mất nhiều thời gian.”

Theo nhà phân tích này, ở Syria đã nổi lên những khu vực nằm dọc sông Euphrates chịu ảnh hưởng của các thế lực bên ngoài. Không quân Nga đang chiếm ưu thế ở phía Tây con sông này, trong khi Mỹ kiểm soát vùng trời ở phía Đông Euphrates. Điều này có thể khiến sông Euphrates trở thành đường ranh giới chia cắt bên trong lãnh thổ Syria một khi Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ “nhòm ngó” quốc gia Trung Đông này.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/syria-doi-mat-nguy-co-tu-my-tho-159412.html