Syria nóng vì vũ khí hóa học, Mỹ lập tức đóng cửa một phần biên giới

Syria cáo buộc phiến quân tấn công hóa học dân thường ở Aleppo, châu Âu thông qua thỏa thuận ly hôn lịch sử và việc Mỹ đóng cửa một phần biên giới để ngăn chặn dòng người di cư... là những tin tức nóng nhất tuần qua.

Syria lại nóng vì vũ khí hóa học

Trong một động thái bất ngờ, Chính phủ Syria ngày 25-11 cho biết các nhóm vũ trang bất hợp pháp đã tiến hành tấn công bằng “khí độc” tại thành phố Aleppo, khiến ít nhất 100 người Syria nhập viện trong tình trạng khó thở.

Theo hãng thống tấn SANA, 107 người đã gặp “khó khăn về hô hấp”, giống như triệu chứng của những người bị ảnh hưởng bởi một vụ tấn công bằng chất hóa học chlorine. Trong khi đó, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHRR) nói rằng 94 người đã nhập viện sau khi có người trình báo về “mùi chlorine” trong thành phố.

Một cậu bé Syria được điều trị tại bệnh viện sau vụ tấn công. Ảnh: SANA

AFP thì cho hay một người gồm hàng chục dân thường, trong đó có phụ nữ và trẻ em, liên tiếp được đưa vào bệnh viện ở Aleppo, một số nằm trên cáng hoặc được người thân dìu vào. Những người bị thương có vẻ bị chóng mặt và khó thở. Các nhân viên y tế đưa cho họ mặt nạ oxy hỗ trợ hô hấp.

Cùng ngày Nga tuyên bố liên minh thánh chiến Hayat Tahrir al-Sham (HTS) thân al-Qaeda là thủ phạm đứng sau cuộc tấn công có sử dụng chất chlorine. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói rằng các quả đạn được bắn vào thành phố từ khu vực HTS kiểm soát ở tỉnh Idlib lân cận.

Ngay sau đó, Nga đã không kích vào vùng đệm thành lũy của quân khủng bố. Đây là cuộc không kích đầu tiên của Nga vào tỉnh Idlib trong vài tháng qua, nơi Moscow và Ankara đang bảo trợ một lệnh ngừng bắn.

Các chuyên gia lo ngại vụ tấn công hóa học nói trên có thể khiến Nga và Syria tiến hành trở lại chiến dịch truy quét khủng bố ở Idlib.

Châu Âu thông qua thỏa thuận ly hôn lịch sử

Các nhà lãnh đạo của Liên minh Châu Âu (EU) đã chính thức tán thành thỏa thuận lịch sử để Anh rời khối, hay còn gọi là Brexit, tại hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ở Bỉ hôm 25-11, mở ra hy vọng về quan hệ tương đối gắn kết giữa hai bên trong tương lai.

EU đã thông qua thỏa thuận ly hôn lịch sử với Anh. Ảnh: ITN

Các bên đã mất 17 tháng để thỏa thuận về các điều khoản cho Brexit. Các điều khoản khiến hai bên tốn nhiều thời gian đàm phán nhất bao gồm các vấn đề tài chính, quyền công dân, đường biên giới ở Bắc Ireland...

Với việc EU thông qua thỏa thuận này, Thủ tướng Anh Theresa May cần vượt một cửa ải nữa là Quốc hội Anh. Nhiều người trong đảng Bảo thủ của bà May và Công đảng đối lập cho rằng Anh vẫn có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn, khiến người ta lo ngại công sức gần 2 năm qua có thể bị đổ bể.

Hiện cả Anh và EU cũng đang lên kế hoạch cho cả trường hợp tồi tệ nhất là Anh sẽ rời EU sau 4 thập kỷ gắn bó mà không đạt được thỏa thuận nào.

Biểu tình biến thành bạo loạn ở Paris

Biểu tình phản đối tăng thuế xăng dầu ở Pháp đã kéo sang ngày thứ 8, leo thang bạo lực làm tê liệt đường xá, ga tàu ở Paris, buộc cảnh sát chống bạo động phải giải tán bằng biện pháp vũ lực. AP cho biết cuộc đụng độ đã khiến ít nhất 19 người, gồm 4 cảnh sát, bị thương.

Người biểu tình đốt xe cộ ở đại lộ Champ-Elysee. Ảnh: ITN

Theo RT, khoảng 8.000 người biểu tình tràn ra đường phố Paris, trong khi hơn 100.000 người biểu tình trên cả nước Pháp với gần 130 người bị bắt với cáo buộc có hành vi phá hoại hay ném đồ vật.

Các cuộc biểu tình bị châm ngòi cách đây một tuần bởi giá nhiên liệu tăng và kế hoạch tăng thuế của chính phủ. Nội các của Tổng thống Macron cho rằng đây là bước đi bảo vệ môi trường, nhưng vấp phải phản ứng dữ dội từ người dân.

Nga tính thay đổi học thuyết hạt nhân vì Mỹ rút INF

Hội đồng Liên bang Nga ngày 22-11 đưa ra đề xuất thay đổi chính sách cốt lõi của nước này trong vấn đề hạt nhân, bao gồm quy định về điều kiện sử dụng loại vũ khí hủy diệt này, trong một động thái nhằm đáp trả việc Mỹ dọa rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm Trung (INF).

Một quả tên lửa hạt nhân của Mỹ trong vụ phóng thử. Ảnh: ITN

Bản dự thảo của đề xuất này đã được thông qua bởi Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang. Văn kiện này cũng đề nghị thay đổi một số điều khoản liên quan đến việc ra quyết định sử dụng “vũ khí siêu âm và vũ khí chiến lược phi hạt nhân khác” để đáp trả kịp thời hành vi vũ lực của đối thủ.

Động thái được tiến hành sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi thảo luận các biện pháp đối phó của Nga liên quan đến việc Mỹ nằng nặc đòi rút khỏi INF. Cuối tuần này, ông Putin sẽ gặp người đồng cấp Mỹ Donald Trump để thảo luận kĩ hơn về hiệp ước lịch sử này.

Mỹ đóng cửa một phần biên giới với Mexico

Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) ở San Diego, California ngày 25-11 thông báo họ đã đóng đường di chuyển của phương tiện, cũng như người đi bộ ở phía Bắc và phía Nam đường biên giới giữa Mỹ và Mexico tại khu vực mà cơ quan này kiểm soát.

Đoàn người di cư tập trung ở một ngã tư đông đúc ở Mexico. Ảnh: EPA

AP cho biết nguyên nhân dẫn đến sự việc là do hàng trăm người trong đoàn di dân từ Trung Mỹ đã cố gắng vượt qua hàng rào từ bên thành phố Tijuana, Mexico để tràn vào Mỹ. Ban đầu, có gần 500 người bao gồm cả phụ nữ và trẻ em đã tới trước khu vực giáp ranh trong hòa bình.

Tuy nhiên, đoàn người di cư đã bắt đầu mất dần kiểm soát khi tràn lên và đòi leo qua hàng rào thép gai, khiến nhân viên an ninh Mỹ phải xịt hơi cay để ngăn chặn.

Động thái của phía Mỹ diễn ra chỉ 3 ngày sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ đóng cửa toàn bộ biên giới với Mexico nếu “nhận thấy rằng mọi việc tiến đến cấp độ mà chúng tôi sắp mất kiểm soát hoặc mọi người bắt đầu gặp khó khăn”.

Tổng thống Trump nhiều lần cảnh báo rằng dòng người di dân đông đúc đi qua Mexico tiến về Mỹ bao gồm tội phạm và có thể cả những phần tử khủng bố. Ông cho biết Mỹ sẵn sàng tiếp nhận người di cư, nhưng chỉ thông qua con đường hợp pháp. Washington hiện đã huy động 9.000 quân nhân tới các khu vực biên giới để ngăn chặn người di cư.

T. Minh (Tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/nong-trong-tuan-syria-nong-vi-vu-khi-hoa-hoc-my-lap-tuc-dong-cua-mot-phan-bien-gioi-521747/