Syria sống dậy bằng nỗ lực phi thường của Nga

An ninh trên các tuyến giao thông ở Syria đã được đảm bảo gần như hoàn toàn, kinh tế cũng đã dần hồi phục.

Tờ New York Times mới đây đã có bài viết mô tả lại sự hồi phục về giao thông và kinh tế ở Syria kể từ khi sự giúp đỡ quân sự của Nga khiến quân đội của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad giành được hòa bình trên nhiều địa bàn.

Nga từng xây dựng đường sắt ở Syria và giờ muốn khôi phục lại.

Nga từng xây dựng đường sắt ở Syria và giờ muốn khôi phục lại.

Việc giành lại quyền kiểm soát hơn 90% diện tích lãnh thổ từ quân khủng bố Syria đã giúp hoạt động vận chuyển hàng hóa, giao thông đi lại của người dân trong những khu vực thuộc sự kiểm soát của chính quyền Damascus trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Tờ báo Mỹ dẫn lời ông Mohammed Abu al-Khair - một nhân viên điều phối của Công ty xe bus Amir cho biết, trước đây khi đất nước chìm trong chiến tranh, mỗi chuyến đi từ thủ đô Damascus tới thành phố Aleppo kéo dài tới 2 ngày. Quãng đường 310 km này còn là mối quy hiểm của cánh lái xe.

Nhưng hòa bình đã khiến việc di chuyển được rút ngắn lại. Từ Thủ đô đi Aleppo chỉ mất 8 tiếng. Mỗi ngày, ông Mohammed Abu al-Khair điều phối khoảng 25 chuyến xe bus như vậy.

Đặc biệt, hoạt động đi lại của các phương tiện giao thông tại Syria hiện diễn ra cả ban ngày và ban đêm không chỉ ở những khu vực được quân đội Syria kiểm soát mà cả những vùng nằm trong tay của lực lượng người Kurd và Ả Rập được liên quân của Mỹ hậu thuẫn.

Giao thông thuận lợi và khắc phục, hoạt động kinh tế cũng được phát triển và bắt đầu hồi phục.

Hồi tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Syria Mamoun Hamdan cho hay, hoạt động kinh tế đã được khôi phục đáng kể trong khi nhiều nguồn tài trợ từ nước ngoài sẵn lòng hỗ trợ chính phủ Syria tái thiết đất nước.

Bộ trưởng Thương mại Nội vụ Syria Abdullah Gharbi cho biết thêm, thương mại nội địa của Syria đã tăng 30% kể từ khi chính phủ giành lại quyền kiểm soát ở nhiều tuyến đường lớn.

Dẫu đã có những chuyển biến, nhiều tuyến đường biên giới vẫn bị đóng cửa. Mỗi tuyến đường lại đang phải đi qua nhiều chốt kiểm soát và tình trạng nhũng nhiễu làm khó tài xế vẫn xảy ra. Không ít hành khách vẫn bị bắt cóc hoặc bị giết khi không may di chuyển qua các vùng chiến sự.

Mạng lưới các tuyến đường cao tốc chính hiện đã thông suốt kéo dài từ Lebanon qua Damascus, Homs và Hama, thành phố cảng Tartous, Latakia và tới Deir ez-Zor ở phía đông Syria.

Tuy nhiên, việc di chuyển tới Deir ez-Zor hiện vẫn vô cùng khó khăn và đầy nguy hiểm, do đây là khu vực nằm trong vùng kiểm soát của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Việc di chuyển sẽ phụ thuộc vào tình hình và chi phí sẽ thay đổi theo thời điểm.

Anh Abdullah al-Mallah, người mua vé xe buýt để di chuyển từ thị trấn al-Mayadin gần Deir ez-Zor cho hay, với tình hình hiện tại, anh này có thể thực hiện hành trình từ al-Mayadin tới Thủ đô hàng tuần hoặc 2 tuần một lần. Hành trình này kéo dài 9 tiếng đồng hồ và giá vé là 12 USD.

Còn vào năm 2016, khi anh Abdullah al-Mallah chạy trốn khỏi khu vực bị IS kiểm soát để tới Damascus kéo dài tới vài tuần.

Theo ông Yahya Khatib, nhà quản lý công ty xe buýt Farah, trong một số khoảng thời gian nhất định, một chuyến xe buýt sẽ cần tới 2 tháng mới kết thúc hành trình do phải tìm tuyến đường an toàn đi qua. Công ty Farah cũng thi thoảng thực hiện hành trình di chuyển qua vùng kiểm soát của IS nhưng giá vé mỗi hành khách chi trả là 100 USD.

Bên cạnh việc tổ chức và điều tiết các tuyến đường bộ linh hoạt, Syria cũng gặp khó trong việc tổ chức lại các tuyến đường sắt giúp hàng hóa được lưu thông ổn định hơn. Nhà ga lớn ở Damascus đã tái mở cửa hoạt động trong tháng này, nhưng mới chỉ thực hiện các hành trình di chuyển trên quãng đường ngắn.

Nga có giữ hết miếng bánh Syria thời hậu chiến?

Trước khó khăn sau khi giành được hòa bình ở một số khu vực tại Syria, nhiều doanh nhân Nga đã nắm cơ hội thực hiện các dự án tái thiết.

Đầu tháng 9, nhóm gồm 38 công ty Nga đã tham gia và Hội chợ Quốc tế Damascus. Đây là hội chợ thứ 4 được tổ chức trong vòng một năm qua nhằm vực dậy quan hệ thương mại giữa Nga và Syria. Các công ty Nga sẽ quay trở lại Syria vào đầu tháng 10 tới để tham dự hội thảo về việc tái thiết quốc gia Trung Đông này.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga, các công ty Nga đang tìm kiếm một nền tảng thương mại đa dạng với Syria, bao gồm các thỏa thuận về lương thực, nông nghiệp và năng lượng.

Nga cũng muốn xây dựng lại mạng lưới tàu hỏa của Syria.

“Trước đây Nga là nước xây dựng, và bây giờ Nga muốn tái thiết mạng lưới này cũng như tái thiết mối quan hệ kinh tế chiến lược với Syria” - nhà phân tích độc lập Nga Vyacheslav Matuzov nhận định.

Được biết, khoảng 158 công ty của Nga đã đạt được hợp đồng trong các lĩnh vực xây dựng, sân bay, bến cảng, dầu và nông nghiệp, địa chất, khai thác dầu. Đã có các giao dịch lên tới 850 triệu euro. Tuy nhiên, những khoản đầu tư này chưa thấm tháp vào đâu với con số nhiều trăm tỷ cần có để Syria có thể phục hồi và phát triển.

Chính quyền Syria ước tính cần 195 tỷ USD để xây dựng lại đất nước, trong khi Ngân hàng Thế giới cho rằng, con số có thể lên tới 250 tỷ USD - gấp bốn lần GDP của Syria trong năm 2010. Theo Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp Quốc tổng chi phí xây dựng lại Syria sẽ là khoảng 388 tỷ USD.

Nga đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng tham gia tái thiết Syria, đặc biệt là cả châu Âu.

Hiện, Iran và Trung Quốc sẽ hợp tác trong việc tái thiết Syria. Hai bên đã bắt đầu đầu tư vào việc thành lập các nhà máy sản xuất sắt, xi măng, vật liệu xây dựng và sản xuất năng lượng, xây dựng đường sắt giữa Iran và Syria thông qua Iraq theo Sáng kiến "Một vành đai- Một con đường".

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/syria-song-day-bang-no-luc-phi-thuong-cua-nga-3366319/