Syria trong bàn cờ Trung Đông

Vai trò của Syria trong khu vực Trung Đông ngày càng được khẳng định. Nhằm lôi kéo Damas về phe mình để từ đó cô lập Iran, Washington liên tục có những động thái cải thiện quan hệ với kẻ thù cũ Syria, nhưng nay lại được xem là có ích cho những cố gắng của Mỹ trong tiến trình hòa bình tại Trung Đông.

Trong quan hệ với Israel, Syria muốn giữ nguyên tình trạng hiện nay, có nghĩa là không gây chiến tranh nhưng cũng chẳng muốn có hòa bình với Tel-Aviv. Cái mà Damas quan tâm nhất trong mối quan hệ này là tiến trình hòa bình giữa Palestine và Israel để từ đó lấy lại vai trò của mình trên trường quốc tế. Hôm 16/2, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bổ nhiệm ông Robert Ford làm Đại sứ Mỹ tại Damas. Ông Ford là một chuyên gia về thế giới Arập, đang là nhân vật số hai của Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad. Ông cũng từng làm Đại sứ Mỹ tại Algerie, phục vụ tại Bahrein và Ai Cập. Đây là lần đầu tiên từ 5 năm qua, một Đại sứ Mỹ trở lại Damas. Đại sứ cuối cùng được triệu hồi về nước vào năm 2005, sau vụ Thủ tướng Liban Hariri bị ám sát. Quan hệ giữa Mỹ và Syria cực kỳ căng thẳng, nếu không muốn nói là thù nghịch từ nhiều năm nay. Năm 2004, cựu Tổng thống Mỹ, George Bush, đã yêu cầu trừng phạt Syria, gọi Damas là một chế độ khủng bố. Theo Mỹ, các quốc gia phương Tây cũng tố cáo thẳng thừng chế độ Tổng thống Bashir al Assad, đã nhúng tay vào vụ ám sát. Washington đã triệu hồi đại sứ của mình ở Damas về nước. Giai đoạn đóng băng giữa Damas và các nước phương Tây trong thời gian qua đã gây nhiều thiệt hại cho Syria, trong lúc mà nước này bắt đầu tự do hóa kinh tế. Tuy nhiên, từ khi Tổng thống Syria được đón tiếp ở Paris vào năm 2008, Mỹ đã nhìn Syrie với con mắt khác, nhất là sau khi Tổng thống Obama bước vào Nhà Trắng. Có điều là Quốc hội Mỹ, tháng 5/2009, đã bỏ phiếu thông qua trở lại các biện pháp trừng phạt Syria, như họ đã làm mỗi năm. Hệ quả ngoạn mục nhất là Hãng Hàng không Syria, Syrian Airlines, đã không còn phụ tùng thay thế cho những chiếc máy bay của mình, trong khi ngành ngân hàng nước này cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng việc trừng phạt hiện nay có thể được giảm nhẹ hoặc là bãi bỏ trong những ngày tháng sắp tới. Theo giới quan sát, Tổng thống Obama muốn nối lại quan hệ với Syria nhằm thúc đẩy Damas đóng góp vào việc tìm giải pháp cho cuộc chiến Israel - Palestine, bình ổn khu vực. Đồng thời Mỹ cũng muốn gửi một thông điệp đến Iran, đồng minh của Syria, theo đó Téhran sẽ ngày càng bị cô lập nếu vẫn giữ thái độ hiện nay. Việc đề cử ông Robert Ford còn phải được Thượng viện Mỹ thông qua trong thời gian tới. Về phía Syria, phát biểu trước báo giới trong chuyến thăm Pháp gần đây, Tổng thống Bashir al Assad yêu cầu Mỹ phải có kế hoạch hành động cụ thể cho tình hình Trung Đông: "Điều đầu tiên chúng tôi trông mong ở chính quyền Obama là vấn đề hòa bình tại khu vực Trung Đông. Chúng tôi ghi nhận một số động thái của Washington về vấn đề này. Chúng tôi đã tiếp đón đại sứ Mỹ George Mitchell nhưng các cuộc thảo luận vẫn chưa đem lại kết quả cụ thể nào. Hai bên chưa có quan điểm chung và cũng chưa thống nhất được bất cứ kế hoạch hành động cụ thể nào. Hơn nữa, mặc dù quan hệ giữa Syria và Mỹ có chút cải thiện nhưng chưa thỏa đáng với mong đợi của Damas". Tổng thống Syria cũng đánh giá rằng Washington chưa đóng được vai trò là người cầm chịch tình hình tại Trung Đông. "Tổng thống Obama đã nói rất hay về những việc ông sẽ làm để có được nền hòa bình tại Trung Đông, nhưng chúng tôi chưa thấy một kế hoạch hành động cụ thể nào. Người cầm chịch phải là người đưa ra một lộ trình hành động chi tiết" - ông Bashir al Assad tuyên bố. Tổng thống Bashir al Assad (trái) và Tổng thống Pháp Sarkozy tại Paris hôm 13/11/2009. Trong quan hệ với Tel-Aviv, theo giới quan sát, chính quyền Tổng thống Bashir al Assad đang muốn thủ thế tình hình hiện tại. Bởi lẽ nếu Damas có bất kỳ hành động gì để tiến tới hòa bình hay gây chiến với Israel thì đều bất lợi cho chính quyền của Tổng thống Bashir al Assad. Giới quan sát cho rằng, ông Assad hoàn toàn ý thức được chính quyền của ông hiện chỉ được xây dựng trên tình trạng tham chiến với Israel. Tính hợp pháp của chế độ Assad là cuộc chiến chống kẻ thù Do Thái. Do vậy, một hiệp ước hòa bình với Israel sẽ có nguy cơ gây bất ổn cho chính quyền của Tổng thống Bashir al Assad vì nó sẽ được coi là đi ngược lại với "sứ mệnh lịch sử" của chính quyền này. Còn trong trường hợp xảy ra chiến tranh giữa Syria và Israel, giới chức quân sự Israel biết rằng một cuộc chiến như vậy sẽ gây ra những hậu quả nặng nề cho Israel. Nhưng Tổng thống Assad cũng biết, cuộc chiến giả định đó cũng sẽ tàn phá Syria và đặt dấu chấm hết cho chế độ của mình. Đó là lý do biên giới Israel - Syria luôn bình yên hơn khu vực tiếp giáp giữa Ai Cập - Israel và Jordani - Israel. Đó cũng là lý do Syria muốn chứng tỏ thái độ bình tĩnh hơn là phản ứng sau khi một lò phản ứng hạt nhân của nước này tại Deir Ez-Zor bị quân đội Israel đánh bom vào tháng 9/2007. Tất cả những gì chế độ Bachir al Assad quan tâm hiện nay là tiến trình hòa bình Trung Đông vì điều này sẽ giúp Damas tái lập vai trò trên trường quốc tế mà những chuyến thăm Italia và Pháp gần đây của Tổng thống Bashir al Assad là nằm trong chuỗi hành động thực hiện mục đích đó. Và ông Bashir al Assad vẫn sẽ tiếp tục tiếp đón những nhân vật trung gian như Ronald Lauder (Chủ tịch Hiệp hội Do Thái quốc tế), Miguel Ángel Moratinos (Ngoại trưởng Tây Ban Nha), Michael Levy (Thượng nghị sĩ Công đảng) và Fred Hoff (Đặc phái viên của Mỹ tại Syria). Tất cả những cuộc tiếp đón như vậy sẽ giúp Syria gần thoát khỏi thế cô lập của cộng đồng quốc tế, dần dần khẳng định vai trò của mình trong khu vực. Chính vì lẽ đó mà chính quyền Obama đang và sẽ muốn Damas đứng về phe mình

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/sukien/2010/3/71700.cand