Syria trong chiến lược tái hiện diện của Nga ở Địa Trung Hải

Mạng tin "Quan hệ Quốc tế và An ninh" có bài phân tích cho rằng sự hậu thuẫn về chính trị và quân sự của Nga đối với chế độ không được lòng dân ở Syria đã dẫn đến những chỉ trích mạnh mẽ từ các cường quốc phương Tây. Tuy nhiên, tất cả những chỉ trích này đã không thể khiến Nga quay sang chống lại Tổng thống Bashar al-Assad bởi Syria là hy vọng cuối cùng của Nga về một sự hồi sinh ảnh hưởng của nước này ở khu vực Địa Trung Hải.

Mạng tin "Quan hệ Quốc tế và An ninh" có bài phân tích cho rằng sự hậu thuẫn về chính trị và quân sự của Nga đối với chế độ không được lòng dân ở Syria đã dẫn đến những chỉ trích mạnh mẽ từ các cường quốc phương Tây. Tuy nhiên, tất cả những chỉ trích này đã không thể khiến Nga quay sang chống lại Tổng thống Bashar al-Assad bởi Syria là hy vọng cuối cùng của Nga về một sự hồi sinh ảnh hưởng của nước này ở khu vực Địa Trung Hải.

Việc chế độ Assad sử dụng vũ khí hóa học giết người hàng loạt (WMD), sự bất ổn trong khu vực và sự can dự của Hezbollah... dường như là những lý do tuyệt vời để Nga tham dự vào dàn đồng ca của phương Tây và thúc đẩy một cuộc can thiệp nhằm lật đổ ông Assad. Đàm phán với Nga tỏ ra là một phương thức khả thi để ổn định hóa tình hình trong khu vực. Vì vậy, việc Nga từ chối hợp tác với phương Tây trong khi vẫn vũ trang cho chính phủ Syria được đánh giá là một hiện tượng bất thường.

Người tị nạn Syria tới Reyhanli, Antakya (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: AFP/TTXVN

Câu trả lời cho hiện tượng này có thể được tìm thấy 21 năm về trước, khi Nga từ bỏ cam kết về hải quân ở Địa Trung Hải. Ở đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã từng có các căn cứ hải quân tại Libya và Tunisia để phục vụ Hạm đội Eskadra 5, căn cứ tại các hải cảng Tartus và Latakia của Syria để phục vụ cả tàu nổi lẫn tàu ngầm của Nga, đồng thời ráo riết theo đuổi một thỏa thuận với Ai Cập. Sau năm 1992, Liên bang Nga, trong tình trạng hỗn loạn về kinh tế và chính trị, đã từ bỏ tham vọng ở Địa Trung Hải - một hành động mà vài năm sau đó họ phải hối tiếc khi không đủ sức mạnh để chống lại Hạm đội 6 của Mỹ trong chiến dịch ném bom Nam Tư và sau đó là Serbia.

Sau 15 năm và sau khi bán được vài tỷ feet khối khí đốt cho châu Âu, tham vọng của Nga đã nhen nhóm trở lại. Đến năm 2007, Bộ Tư lệnh Hải quân Nga đã một lần nữa nhắm đến Địa Trung Hải. Năm 2008, họ tuyên bố ý định thiết lập một hạm đội thường trực trong khu vực bằng cách nạo vét cảng Tartus và xây mới các cầu cảng tại Latakia. Trong khi đó, việc bảo vệ an ninh không phận phía trên các cơ sở này được thực hiện bởi hệ thống tên lửa bờ biển di động Bastion.

Nga còn tăng cường sức mạnh hải quân của mình với hai tàu chiến lớp Mistral hiện đang được đóng tại Pháp, cùng với các đơn vị hỗ trợ trên không và trên bộ. Bằng cách sử dụng các tàu chiến từ các hạm đội khác ở Thái Bình Dương, Biển Bắc, Biển Baltic và Biển Đen, Nga đã củng cố được sức mạnh của họ tại Địa Trung Hải. Tháng 5/2013, Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Viktor Chirkov, cho biết lực lượng đặc nhiệm ở Địa Trung Hải của Nga có thể được mở rộng, bao gồm cả tàu ngầm hạt nhân.

Các căn cứ của Nga ở Địa Trung Hải, cũng như sự hiện diện sắp tới của nước này ở Ấn Độ Dương, đã trở thành một phần của kế hoạch phòng thủ chiến lược của Nga. Các hải cảng ở Tunisia, Libya và Ai Cập không được Nga tính đến, bởi các nước này quá bất ổn về chính trị và khó đoán định tương lai. Một sự thay đổi chế độ ở Syria chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lựa chọn duy nhất của Nga nhằm tái thiết sự hiện diện về hải quân của họ tại Địa Trung Hải.

Sự gia tăng sức mạnh của hải quân Nga ở Địa Trung Hải hẳn là một tin không tốt lành đối với NATO và các đồng minh của khối này, đặc biệt là Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước nhận thấy phạm vi hoạt động của mình bị co lại nghiêm trọng ở phía Đông Địa Trung Hải. Giới lãnh đạo quân sự phương Tây biết rằng bất cứ một cuộc tấn công bằng máy bay có người lái hoặc không có người lái vào Syria, dù là để trừng phạt hay mang tính chiến lược, sẽ có thể bị đáp trả bằng sự can dự gián tiếp hoặc thậm chí trực tiếp của Nga.

Tình báo phương Tây không nên chỉ thu thập thông tin về việc sử dụng WMD (vũ khí hủy diệt hàng loạt) mà còn về khả năng trả đũa của chế độ Assad bằng các loại vũ khí tinh vi của Nga. Việc Tổng thống Obama hủy bỏ cuộc gặp với Tổng thống Putin có thể là một dấu hiệu cho thấy Nga đã sẵn sàng can dự một cách nghiêm túc trong vấn đề này. Giữa lúc Nga đang ra sức giữ cho Assad khỏi bị sụp đổ, việc đáp lại những lời kêu gọi hành động mạnh mẽ từ các chính trị gia và các phương tiện thông tin đại chúng có thể đẩy các nhà lãnh đạo phương Tây vào tình thế rất căng thẳng với Nga.

Những gì đang diễn ra tại Syria là trò chơi quyền lực truyền thống giữa Nga và phương Tây. Tổng thống Putin có vẻ như đang sử dụng Hạm đội Eskadre 5 được đổi mới như một cây gậy để thể hiện sự hồi sinh của Nga như một cường quốc chủ chốt. Và nếu ông Assad vẫn tiếp tục tại vị và tiếp tục phục vụ lợi ích của Nga trong khu vực thì Mỹ sẽ phải xem xét lại toàn bộ chiến lược của mình tại Địa Trung Hải.

Minh Đức

Nguồn TTXVN: http://baotintuc.vn/tham-khao/syria-trong-chien-luoc-tai-hien-dien-cua-nga-o-dia-trung-hai-20130906152336167.htm