T-14 Armata được phép xuất ngoại: Nước nào sốt sình sịch?

Theo giới quan chức quốc phòng Nga, đã có 6 nước muốn mua xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới T-14 'Armata' của Nga.

Nhiều nước quan tâm đến T-14 Armata

Sáu quốc gia nước ngoài muốn mua xe tăng T-14 “Armata” mới nhất của Nga - ông Alexandr Mikheev - Giám đốc Điều hành (CEO) của Tổng Công ty Xuất Nhập khẩu Vũ khí Nga “Rosoboronexport” thông báo với các phóng viên hôm 21/02 tại Triển lãm Vũ khí quốc tế IDEX-2021.

Theo ông Mikheev, T-14 “Armata” cũng lần đầu được giới thiệu ở nước ngoài trong Triển lãm IDEX-2021 và đã có hàng loạt nước coi Armata là xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) của tương lai.

“Hiện có khoảng 6 quốc gia quan tâm đến “Armata”, đang vận hành các xe tăng của Nga và rất hài lòng khi tham vấn với chúng tôi. Các nước này thể hiện sự quan tâm tới Armata. Các tính năng của nó cho thấy nền tảng mẫu xe này sẽ vượt hơn các xe tăng T-80 và T-90 hiện có” - ông Alexandr Mikheev nói khi trả lời câu hỏi của nhà báo.

T-14 là xe tăng thế hệ thứ ba duy nhất trên thế giới sau chiến tranh. Xe tăng “Armata” được thiết kế để tiến hành trận đánh tiếp xúc trực tiếp với kẻ thù, hỗ trợ cuộc tấn công của các đơn vị xạ kích cơ giới, tiêu diệt sinh lực đối phương trong các công sự kín cũng như trên địa bàn trống trải.

Tác giả thiết kế T-14, tổng công trình sư Andrey Terlikov từ Phòng Thiết kế máy giao thông Ural (trong thành phần Liên hiệp tập đoàn “Uralvagonzavod”) cũng thông báo rằng, loại đạn tiêu chuẩn dành cho xe tăng T-14 “Armata” mới nhất, do các doanh nghiệp của “Rosatom” phát triển, sẽ sẵn sàng vào thời điểm lô xe tăng thành phẩm này được chuyển giao cho lực lượng vũ trang Liên bang Nga vào cuối năm 2021.

T-14 Armata của Nga được coi là “xe tăng chiến đấu chủ lực của tương lai”

Theo dự kiến của giới chuyên gia, với mức độ phổ biến của các dòng xe tăng T-72 và T-90 trên thế giới, xe tăng thế hệ mới nhất T-14 và các xe bọc thép khác được phát triển trên nền tảng khung gầm Armata sẽ nhanh chóng xuất khẩu được tới hàng ngàn chiếc.

Theo tin của giới truyền thông, một số đối tác truyền thống của Nga như: Ấn Độ, Algeria, Iran, Belarus... đang lên kế hoạch mua sắm hàng loạt xe tăng T-14 Armata của Nga để hiện đại hóa lực lượng lục quân.

Ấn Độ sẽ mua nhiều nhất để đối phó với Trung Quốc, Pakistan?

Được biết, vừa qua T-14 Armata đã nhận được giấy phép xuất khẩu và quốc gia đầu tiên - Ấn Độ - được cho là đã sẵn sàng ký hợp đồng với Nga về việc cung cấp số lượng lớn xe tăng T-14 Armata.

Theo giới truyền thông New Dehli, giới chức lãnh đạo quân đội Ấn Độ đang bàn bạc về một thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD để mua sắm tới 500 xe tăng loại này của Nga.

Thông tin về việc Lục quân Ấn Độ muốn mua 500 xe tăng T-14 Armata đã xuất hiện trên báo chí nước này từ giữa năm ngoái, tuy nhiên, do khi đó T-14 Armata chưa nhận được giấy phép xuất khẩu nên thương vụ bị dời kế hoạch hoàn thành sang năm 2021.

Sở dĩ Ấn Độ quyết định mua lô lớn xe tăng hiện đại nhất của Nga là do các đối thủ của nước này như Trung Quốc hay Pakistan đang tăng cường vũ khí trang bị cho lực lượng lục quân.

Ấn Độ đã sở hữu hơn 1000 chiếc T-90S Bhisma và T-90MS của Nga

Pakistan trong mấy năm qua đã chi ra tới 62,46 triệu USD để mang về 52 bệ phóng cùng hàng trăm đạn tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) 9M133 Kornet của Nga; cùng với đó là một lô lớn tên lửa chống tăng cùng FGM-148 Javelin của Mỹ.

Ngoài ra, Pakistan cũng đã mua hàng chục máy bay trực thăng chiến đấu Mi-35M Hind – phiên bản xuất khẩu của Mi-24 Hind và có thể mua thêm trực thăng tấn công Mi-28 NE, được gọi là “Thợ săn đêm” (Night Hunter), phiên bản xuất khẩu của Mi-28N. Các loại này đều được trang bị chống tăng có điều khiển, được coi là sát thủ nguy hiểm nhất của xe tăng.

Bên cạnh đó, Pakistan cũng đã chi hàng trăm triệu USD mua tới 282 chiếc xe tăng T-55N nâng cấp của Serbia, được hiện đại hóa rất mạnh tại công ty Yugoimport SDPR.

Ngoài số xe tăng trên, Pakistan còn được trang bị 320 xe tăng T-80UD do Ukraine cung cấp, cũng như hơn 300 xe tăng Type-85-II và khoảng 400 xe tăng Type-90-II (Al-Khalid) được lắp ráp theo giấy phép của Trung Quốc.

Như vậy, cả lực lượng xe tăng lần lực lượng chống tăng của Pakistan đều thuộc loại rất mạnh trong khu vực. Do đó, việc Ấn Độ có ý định mua tới 500 xe tăng T-14 Armata của Nga là điều rất dễ hiểu.

Nếu thương vụ trên thành công, 500 xe tăng T-14 Armata cùng hơn 1.000 chiếc T-90S Bhisma và T-90MS thế hệ trước sẽ giúp cho Lục quân Ấn Độ trở thành lực lượng có sức mạnh hàng đầu thế giới, đủ sức đối chọi với Pakistan, thậm chí là cả Trung Quốc - đối thủ lớn nhất của nước này, cũng là một cường quốc xe tăng thế giới.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/t-14-armata-duoc-phep-xuat-ngoai-nuoc-nao-sot-sinh-sich-3428084/