Tà Cú, thượng uyển trời Nam Bình Thuận

Núi Tà Cú là một vùng lõi quan trọng nằm phía tây bắc của Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, với diện tích đáy rộng 1.104 ha, là một núi sót của dãy Trường Sơn được bảo vệ nghiêm ngặt. Tính đa dạng sinh học còn được bảo vệ gần như nguyên vẹn đã khiến Tà Cú được ví như thượng uyển trời Nam Bình Thuận.

Tà Cú

Điểm hẹn của phong cảnh

Tọa lạc ở một nơi thuận lợi ngay sát quốc lộ 1A, từ ngã 3 Km 28 vào một đoạn ngắn, du khách sẽ đến ga-ra cáp treo. Trong một cabin hiện đại, an toàn, êm ru du khách tha hồ ngắm các tầng rừng rậm vô cùng phong phú, từ màu sắc cho đến chủng loài và trải nghiệm được cảm giác lướt nhẹ trên không trung. Chiếc cabin được lắp cửa kính chịu lực trong veo kia còn là điểm hẹn đặc biệt với hoa rừng. Lác đác trong tấm thảm lụa xanh ngát bên dưới, du khách sẽ dừng mắt thật lâu nơi những lùm cây rừng đang đơm hoa rực rỡ. Màu bằng lăng tím đến mê hoặc. Màu lưu tu gần gũi trắng sáng tinh khiết. Màu vông vang đỏ chói kéo vệt dài đến tận triền núi xa. Màu những bãi cỏ giêng, những bãi mua sim ánh tía trầm mặc thấp thoáng đó đây… Tất cả tạo nên một vẻ đẹp hút hồn khi nhìn từ trên cao.

Giữa cái nắng oi ả quanh năm của miền Trung, núi Tà Cú lại là nơi mát mẻ phù hợp với nghỉ dưỡng, hành hương, phù hợp với những cuộc gặp gỡ lãng mạn và là nơi lý tưởng của những đêm lửa trại.

Đối với người dân Bình Thuận và khu vực Nam Trung bộ, Tà Cú là ngọn núi tâm linh. Ngọn núi sót hình tượng con voi phục này là điểm dừng cuối cùng của phái thiền tông do tổ Bảo Tạng trong hành trình tiến vào phương Nam, (ở vùng Nam Trung bộ, điểm đầu là chùa Linh Sơn - Vĩnh Hảo, điểm thứ đến là Cổ Thạch tự và điểm cuối là Linh Sơn Trường Thọ tự ở núi Tà Cú), chính nơi đây Tổ đã truyền pháp cho nhà sư Hữu Đức và ngài Tổ sư Hải Ấn Hữu Đức (Thông Ân Hữu Đức) đã trở thành vị tổ khai sơn ở đây. Núi Tà Cú hiện nay có 2 ngôi chùa là Linh Sơn Trường Thọ và Long Đoàn nằm ở độ cao 400 m. Đặc biệt nơi đây có tượng Đức Phật Thích Ca nhập niết bàn dài 49 m, là tượng Phật nằm dài kỷ lục châu Á. Quần thể tượng Tam Thánh Tây Phương ngay gần đó tạo ra một không gian mở gợi sự hướng thiên, hướng thiện của con người. Từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt xa hút đến làng cổ Tam Tân có Dinh Thầy Thím nổi tiếng linh thiêng, đến Hòn Bà xanh xanh như một dấu chấm than gợi bao thăng trầm lịch sử nơi vùng biển phía nam Bình Thuận.

Núi Tà Cú nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú thuộc địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, được thành lập theo Quyết định 791/TTg ngày 26/10/1996 của Thủ tướng Chính phủ và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam. Đây là nơi có hệ sinh thái rừng đặc trưng của khu vực ven biển cực Nam Trung bộ với các hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh nhiệt đới, hệ sinh thái rừng nửa rụng lá và đặc biệt là hệ sinh thái rừng rụng lá cây họ dầu chiếm trên 50% diện tích tự nhiên của khu bảo tồn; là khu vực ưu tiên số một trong chương trình bảo tồn dãy Trường Sơn và là 1 trong 221 vùng sinh thái quan trọng trên thế giới.

Khu bảo tồn đa dạng sinh học

Trong những ngày giáp Tết Tân Sửu 2021, chúng tôi được sự hướng dẫn của ông Võ Hữu Phương, Phó Giám đốc phụ trách khu bảo tồn, đã có một hành trình thú vị theo dấu chân của những loài chim thú đặc hữu ở đây. Trước mắt chúng tôi là đàn khỉ nước gần 40 con đang chuyền như bay trên những tán cây, có những chú dạn dĩ ngồi rung mãi một nhánh cây trên đầu khi chúng tôi đi qua. Chúng tôi dừng lại khá lâu quan sát cách một chú khỉ con ôm nằm dưới bụng mẹ khi mẹ thoăn thoắt chuyền cành. Các anh trong đoàn đi còn cho biết trong loài linh trưởng ở đây có voọc bạc Trường Sơn, chà vá chân đen, khỉ mặt đỏ, cu li nhỏ; loài lông vũ có gà lôi, công, gà tiền mặt đỏ, cu xanh Seimun, trĩ sao… Về động vật ghi nhận bước đầu có 287 loài động vật, trong đó có 62 loài thú, 135 loài chim, 65 loài bò sát và 25 loài ếch nhái. Các nghiên cứu bước đầu cũng ghi nhận gần 200 loài côn trùng. Có ít nhất 32 loài động vật quý hiếm và nguy cấp được ghi nhận chắc chắn là đang tồn tại trong khu bảo tồn như chà vá chân đen, voọc bạc Trường Sơn, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi dài, gà lôi hồng tía, gà tiền mặt đỏ, kỳ đà hoa, cua đinh, ếch giun…

Khỉ đuôi dài

Thú vị nhất là thảm thực vật ở đây vô cùng phong phú: Gõ đỏ, vên vên, thành ngạnh, xây, dầu lông, dầu loang, sao lá hình tim, săng đào, cầy, máu chó lá to, sến mủ, tung, giao linh… Có những cây thẳng vút lên trời xanh cao hàng mấy mươi mét, có những cây vòng ôm lớn đến quát tay dăm bảy người. Đây là một hệ sinh thái rừng với tài nguyên sinh học đa dạng và phong phú. Riêng về hệ thực vật đã có khoảng 1.200 loài thực vật bậc cao. Có ít nhất 33 loài thực vật được ghi tên trong Danh lục đỏ thế giới (IUCN, 2009) và/hoặc Sách đỏ Việt Nam (2007) đã được ghi nhận ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú như gõ đỏ, vên vên, thiên tuế, xây… Chính vì vậy mà các anh trong đoàn thường nói với chúng tôi: Việc bảo tồn đa dạng sinh học ở đây có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng.

Khi được hỏi về kết quả công tác quản lý, bảo vệ rừng năm qua, ông Võ Hữu Phương - Phó Giám đốc phụ trách Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú cho biết: Kết quả thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng năm 2020 đã phát hiện lập hồ sơ ban đầu 34 vụ vi phạm cụ thể: 6 vụ phá rừng; 10 vụ lấn chiếm đất rừng; 13 vụ khai thác lâm sản; 3 vụ hủy hoại đất rừng; 1 vụ hủy hoại cây rừng với 73 cây rừng; 1 vụ đào bới, san ủi. Ngoài ra đề nghị UBND các xã xử lý 7 vụ. So với đầu năm 2019 giảm 10 vụ (34/44 vụ tỷ lệ giảm 22,72% ). Đã xử lý được 2 vụ việc hủy hoại đất nộp ngân sách nhà nước 18.465.000 đồng. Tang vật thu giữ 23 xe máy, 3 xe lôi...

Núi Tà Cú nằm trong khu bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen quý hiếm, giá trị và một môi trường sinh thái đặc biệt như vậy nên việc sử dụng hợp lý cảnh quan, môi trường rừng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là hợp lý và thuận lợi. Tạo hóa đã ban cho chúng ta một phong cảnh hữu tình và giá trị như thế thì việc gìn giữ cũng là một vấn đề hành động cần sự chung tay của tất cả mọi người. Chúng ta đang làm rất tốt mọi điều nhưng theo tôi, nếu có điều gì cần nói thêm thì đó là việc giữ sạch môi trường núi bằng nhiều hình thức tích cực hơn nữa, những thùng rác được đặt đây đó vẫn chưa đủ mà phải có cả những túi rác làm bằng chất liệu thân thiện môi trường phát miễn phí cho du khách. Và nếu được xin có thêm những biển báo song ngữ nhỏ nhắn hữu ích!

Núi Tà Cú ngày nay đã thực sự là một danh thắng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, là một tài sản lớn giá trị và là niềm tự hào của tỉnh nhà, có thể nói không ngoa: Tà Cú là thượng uyển trời Nam Bình Thuận.

Nguyễn Hiệp

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/ta-cu-thuong-uyen-troi-nam-binh-thuan-133651.html