Ta vàng như thu(*)

Nếu tìm kiếm những cách tân thi pháp, hẳn người đọc sẽ khó toại ý.

Nếu tìm kiếm những cách tân thi pháp, hẳn người đọc sẽ khó toại ý. Nếu đặt mục đích khám phá tác phẩm đang cầm trên tay như một hiện tượng thơ ca toàn vẹn thì cũng gặp không ít rào cản. Nhưng nếu hy vọng tiếp cận một hình thức giải thích ít nhiều cảm xúc quen, lạ trong cuộc sống hay trong nghệ thuật thì có thể người đọc sẽ có đôi phút tao ngộ với tri âm trong tập thơ Ta vàng như thu của tác giả Nguyễn Văn Chức, hội viên Hội Văn học-nghệ thuật tỉnh Quảng Trị.

Hẳn như tác giả Nguyễn Văn Chức viết những vần thơ Ta vàng như thu trong những lúc "ta về thu xếp lại mình" nên xuyên suốt cả tập thơ là ấn tượng tác giả cố gắng giãi bày những băn khoăn, ước muốn, chiêm nghiệm, vui, buồn... của mình. Điều đó bộc lộ rất rõ mục đích tự thân của tác giả Nguyễn Văn Chức khi đến với nghệ thuật ngôn từ bằng không gian, thời gian đời tư và hình tượng thẩm mỹ của riêng mình mà bài thơ Mặt trời của tôi là một điển hình: "Mặt trời của tôi là mẹ nhọc nhằn/ Lưng cấy hái vai mòn hạt thóc/ Cha hay chữ từ tâm vai vóc/ Vết trần gian chiều cuối nợ lòng/ Mặt trời của tôi lưng trâu bài toán/ Cỏ non êm trang sách thánh hiền/ Luống cày đầu non tuổi vị thành niên/ Con tép con tôm đêm vầy cổ tích/ Mặt trời của tôi ca dao xanh biếc/ Dòng sông ngang chuyên chở cánh cò làng/ Tuổi mười lăm, me nở tím xốn xang/ Hái thơ dại tặng vào tuyệt đích". Đã thuộc về ký ức nhưng tuổi thơ vẫn khuấy động tâm hồn, tạo ra nội dung đời sống tinh thần, hòa nhập và là một nhánh trong mạch nguồn sáng tác của tác giả Nguyễn Văn Chức bấy nay: "Bắt tôm, bắt tép đồng xa/ Tuổi thơ con biết mẹ cha túng nghèo/ Mùa mưa con lũ dâng theo/ Mùa Hè nắng gió ao bèo cạn vơi/ Đốt rơm gửi khói cho trời/ Nướng khoai con có lời mời lên trăng/ Củ nần, rau đắng, mụt măng/ Con đi hái tuổi mình bằng ước mơ/ Gạo bong tay giã, ngồi chờ/ Trăng lên là cả bài thơ điệu đàng/ Chữ con cha dạy trường làng/ Đồng khô, chợ ngái đa mang mẹ cười/ Tuổi đi cho mắt bụi ngời/ Trần gian vui tạ khúc vời dương gian" (Bụi ngời). Đó là "một cõi trong" khiến tác giả Nguyễn Văn Chức thốt lên bằng thơ mong muốn được trở lại: "Hãy trả tôi về tuổi hồng thơ bên mẹ/ Nũng nịu dặn quà, níu áo đòi theo/ Hãy trả tôi về những giấc chiêm bao/ Nơi có ông Bụt hiền trong đêm cổ tích"... (Hãy trả tôi về). Ra khỏi giới hạn của không gian và thời gian ấy, tác giả Nguyễn Văn Chức trở thành người làm thơ bằng nhớ nhung đôi lứa, bằng từng trải nắng mưa cuộc đời đắp đổi, bằng chiêm nghiệm phận người.

"Nhớ em/ chợt biết làm thơ/ lần hồi con chữ cho vừa nhớ thương" là câu thơ mà tác giả Nguyễn Văn Chức dùng để bày tỏ tình yêu với một người con gái. Bên cạnh đó, tứ thơ "Thời gian mài mực pha màu/ Bao nhiêu sợi bạc mái đầu khỏi oan" phác thảo chân dung một con người giàu suy tư, và cấu trúc dị biệt "Nước/ Đất/ Khí trời/ cho mày lớn/ Tao cũng từ nơi ấy/ sinh ra" là lời trò chuyện của chính tác giả với khúc gỗ tròn về cội nguồn của con người và vạn vật. Và, "Từ trời hạt bụi lang thang/ Rơi vừa một kiếp... ta vàng như thu" là phát biểu bằng thơ ý thức về sự xuất hiện của mình trên cõi đời có lẽ là một thành công của tác giả Nguyễn Văn Chức ở giác độ nghệ thuật tu từ. Không mấy mới lạ về nội dung, thơ về tình yêu được tác giả Nguyễn Văn Chức viết bằng ánh sáng của trái tim tha thiết yêu đương với những ngôn từ nhiều sắc thái nghĩa: "Em như dòng sông xanh/ chảy hòa trong nỗi nhớ/ khi xa chiều tan vỡ/ càng biết mình yêu nhau... Em hiền như trăng sao/ lòng ngày tìm thắp lửa/ đốt cả trời trong nhau/ đêm lòng anh mở cửa" (Em). Đặc biệt, ấn tượng riêng của Ta vàng như thu là sự đan xen mơ hồ của điều đã qua-điều đọng lại-điều sẽ đến-điều còn mãi. "Hoa mua còn tím xốn xang/ hương cau quấn quýt/ hương xoan đuối lòng/ với người dâng hiến cuội sông/ hồn neo tận đáy sau nồng nàn xưa" (Ngày xưa), "Thì mai chạy ngược đường về/ tìm đêm đầu nắng/ ngọn thề níu vai" (Ru), "Tôi tìm tôi mọi nơi/ không nhận diện/ chỉ huyền hồ bóng dáng. Tôi không phải là tôi ở trong ngày trong tháng/ trong cuộc đời thường, trong quy luật nắng mưa" (Tôi tìm tôi), đã có sự giao thoa trong gần-xa, trong thực-ảo ở những câu thơ này và đây là thủ pháp làm người đọc có cảm giác với nỗi đam mê sáng tạo của tác giả Nguyễn Văn Chức, cái đẹp mãi là khát vọng.

Không cao siêu bởi không phấn đấu trở thành tuyệt tác và thậm chí có một vài bài chẳng có vẻ gì đặc sắc, nhưng mỗi bài thơ của Ta vàng như thu đều trở thành phương tiện thể hiện mục đích sáng tác của tác giả Nguyễn Văn Chức. Rằng, với những gì kích thích tác giả tìm kiếm quy phạm để xây dựng những hình tượng nhuốm màu sắc trữ tình trong đó cho thấy có một mạch ngầm của lương thức âm thầm chảy giữa bộn bề cuộc sống hôm qua và hôm nay. Khiêm nhường trong từng bước thơ, trái tim thi sĩ của tác giả Nguyễn Văn Chức được dẫn vào giới hạn cuối mong manh với nỗi trăn trở chênh vênh "thơ ghém chưa thành/ khát vọng gối đầu chơi". Nhưng, đúng như lời tựa trân trọng và lịch duyệt của nhà thơ Võ Văn Luyến,- "quả thực tôi có cảm tưởng anh làm thơ như người có cái thú trồng hoa để được hái tặng người tình cuộc sống, và vì thế, phấn hương không theo gió bay đi mà lặn vào tâm hồn bè bạn... thêm lần nữa giúp ta nhận chân bản ngã cuộc sống giàu ý nghĩa", người đọc có hứng thú khám phá và nâng niu những vần thơ "tác lòng càng đắm càng xa vợi lòng" được tác giả Nguyễn Văn Chức dành tặng và tạ ơn đời sống.

NGUYỄN BỘI NHIÊN

(*) Ta vàng như thu. Thơ. Nguyễn Văn Chức. Nhà Xuất bản Thuận Hóa

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_195286_ta-vang-nhu-thu-.aspx