Tà Xùa hoang sơ, lắm thú chơi bí ẩn

Vậy là tôi đã ở cùng Tà Xùa bước sang năm thứ 4, từ lúc Tà Xùa có những cái cựa mình đầu tiên về du lịch, cho tới hiện tại là giai đoạn quá độ để vút lên thành một hot place tại Việt Nam và sẽ vươn tầm tới quốc tế.

Ở xứ sở nhiệt đới gió mùa, cận xích đạo như Việt Nam thì việc ghi ra những vùng mà nền nhiệt hàng năm không vượt quá 27 độ trở về âm độ quả chỉ đếm trên đầu ngón tay, hầu hết đều thuộc về những chỏm núi cao (ít nhất là 1500m so với mức nước biển). Tà Xùa là một trong số đó. Và nếu như Sa Pa, Mẫu Sơn, Tam Đảo, Phia Đen Phia Oắc... đều đã hằn in dấu chân của người Pháp từ trước đó, thì Tà Xùa rốt cuộc- giống như bị đôi mắt của con người xứ văn minh lịch lãm hào hoa bỏ quên, đã rất Việt Nam và hoang sơ như chính hồn sông hồn núi từ khởi thủy xa xưa vậy!

Đặc điểm đã trở thành đặc sản của du lịch vùng cao, đó là mây! Mây quàng khăn núi, mây hóa sông hóa biển ở những quãng thung sâu, mây dồn tụ bốc cao phả vào đầu vào mặt du khách qua đường… Con người ta cảm giác như được bay lên, thăng hoa cùng tiên giới vậy! Nó khác xa với khói bụi thành phố, khác những ồn ã thường nhật,... Và mây Tà Xùa- do kiến tạo của những dọc thung lũng rất hợp với hướng gió, được sự trợ lực của rừng, của sông hồ đáy vực- đã rất mực nhiều, đều, và nên thơ, ấn tượng hơn so với mây vùng khác!

Nhưng những điều tôi liệt kê sau đây sẽ không thuộc về mây. Mây Tà Xùa, đẹp lắm, nhưng quen rồi, xưa rồi! Thực ra có những Tà Xùa đã rất đẹp theo kiểu khác nữa, mà vô tình du khách vẫn ngày ngày lặn lội lên tới, nhưng lại bỏ qua!

1. Tà Xùa hội tụ đủ sông, hồ, núi cao, ruộng bậc thang, thác ghềnh, làng bản.

Ruộng bậc thang lui về ngả Xím Vàng- Hang Chú về mùa lúa không khác gì một Mù Căng Chải thu nhỏ. Xím Vàng còn gìn giữ được những khoảng rừng rậm, nước để tưới tiêu không khan hiếm, nên tỉ lệ bà con trồng lúa còn khá nhiều, và lúa vùng này cũng cho năng suất tốt hơn so với mặt bằng 5 xã vùng cao

Xím Vàng, Hang Chú cũng sẵn những nguồn thác to, chảy bốn mùa, là địa điểm check in lý tưởng cho du khách. Có một cái hồ, gọi là hồ Thủy Điện Suối Sập 2, là nơi hợp lưu của vô số những dòng suối nhỏ của 2 bản xa xôi nhất của Sơn La, đó là Háng Đồng- Làng Sáng. Mặt nước hồ thường rất phẳng lặng, nước xanh canh hến, được ví như một Nho Quế thứ hai. Chèo thuyền bè trên hồ, cảm giác như đi giữa vùng tuyệt tình cốc, càng đi càng thấy lạnh, càng đi cảnh trí hai bên bờ càng biến chuyển huyền bí, hoang vu. Trên thuyền bè ấy mà xách theo đôi con cá, đem nướng, mở vò rượu Hang Chú dốc từng ngụm, no say nằm ngửa mặt nhìn trời thì rất phiêu!

Đối với những bạn ưa cảm giác mạnh, ưa trải nghiệm, Tà Xùa đi lui về hướng Háng Đồng, Làng Sáng, có những ngọn núi rừng già nguyên sinh mà thảm thực vật rất đẹp để trekking. Người ta thường nhắc tới chỏm núi U Bò, thuộc vùng tam giác bí ẩn, có nhiều máy bay ngang qua đã bị rơi hoặc buộc phải hạ cánh mà chưa rõ lý do. Tuy nhiên, địa hình nơi đây khá phức tạp nên du khách hãy chuẩn bị những kỹ năng cần thiết và nhất quyết phải tìm được 1 bạn porter bản địa thông thạo địa hình để có thể trekking nhé!

2. Tà Xùa có nhiều vẻ đẹp biến thiên qua bốn mùa

Xuân về hoa đào hoa mơ nở, trời xanh mây trắng nắng vàng. Nếu để cá nhân mình đánh giá thì mùa xuân chính là mùa mà cảnh sắc nên thơ nhất trong năm. Bà con H’Mông trong trang phục truyền thống- trưng diện nhất có thể, để túa ra đường, chơi xuân, tung còn, giao duyên tình tự. Tết H’Mông kéo dài từ tết Dương lịch đến Tết Nguyên đán của người Kinh. Trong suốt 1 tháng này, các nhà trong bản thay phiên nhau ngả lợn, mổ gà, nhà nào kinh tế tốt hơn thì ngả trâu bò dê ngựa… để ăn tết. Du khách lên Tà Xùa vào độ này, nếu ngang qua bản sẽ được bà con mời vào thăm nhà, cùng ăn tết, thưởng thức rượu thóc (thứ rượu lên men từ vỏ trấu) và nhâm nhi miếng thịt mỡ thái vuông dày như bao diêm…

Cuối xuân đầu hạ, hoa đào rơi rụng, kế đó là mùa hoa trẩu, hoa táo mèo. Cây trẩu, hoa trắng đơm trông xa như hoa súp lơ, thường được bà con trồng thành hàng lối làm thành lũy tự nhiên ngăn cách giữa các nhà, cây trẩu cũng là loài cây chắn gió tương đối tốt. Hoa táo mèo cũng trắng, nhưng chùm nụ điểm xuyết có phần nhã nhặn, bắt mắt hơn. Vùng núi quanh Tà Xùa vừa được Quốc Gia công nhận thương hiệu Táo Sơn Tra, hay thường gọi là táo mèo. Táo mèo cho thu hoạch nhiều nhất là vùng Hang Chú, Xím Vàng, táo chín quả vàng mọng, có loại hơi ửng hồng, đem ngâm với rượu Hang Chú thì khó có thể tả về độ ngon! Rượu táo mèo cũng đã trở thành thương hiệu của vùng này.

Mùa hè thu, Tà Xùa vơi dần những cơn sương mù bao phủ, trời xanh cao hơn, gió về bát ngát, tầm nhìn được trải rộng ra xa những làng bản, cánh rừng, dãy núi. Tôi mệnh danh đó là mùa của suối thác, mùa của sông hồ, mùa này hợp với picnic, trekking. Hiếm có nơi nào mà nền trời mùa này đẹp bằng trời Tà Xùa. Hiếm có nơi nào trăng sao dải ngân hà đẹp bằng trăng sao ở Tà Xùa. Đó là thứ ánh sáng nguyên sơ nên thơ nhất có thể. Những buổi đi nhậu ở bản về muộn, tôi đã thấy trăng dát vàng cả một khoảng đèo, con đường trước mặt như dẫn lên thiên giới. Tà Xùa về đêm lại càng yên ắng, và bản hợp xướng của ánh sáng kia, trong lành như tự nhiên, nó đẹp vì không bị ô nhiễm, không bị khuếch tán ánh sáng như ở những nơi đâu!

Sang Đông, Tà Xùa lại trở về với Tà Xùa mà mọi người thường hay biết. Đông sang đồng nghĩa với những đợt gió mùa tràn về. Nếu như mây mùa hạ là thứ mây giăng quàng đỉnh núi, lớt phớt thung sâu, hững hờ như có như không, thì mây mùa đông lại ùn ùn từng mảng, từng biển, từng sông. Gió bấc đưa mây về thung lũng, những sớm mai mở mắt thấy mặt trời hồng ló rạng trên biển mây trắng xóa, cảnh tượng thật khó diễn tả thành lời!

Tà Xùa có mây quanh năm, nhưng mây mỗi mùa cũng mỗi khác!

3. Nhiều điểm chơi bí ẩn, thú vị

Tà Xùa, du khách đến ngày một nhiều, nhiều người trong số đó bắt đầu vơi dần ý định săn mây, với họ mây có cũng được, không có không sao. Bởi vắng mây trời càng rộng núi càng cao, vắng mây lại đi chơi rất phiêu những điểm khác:

- Mỏm cá heo: là điểm check-in cho những shot hình rất đẹp, mỏm cá heo nằm trên đường tránh sạt Tà Xùa đi về hướng sông thủy điện.

- Cây táo cô đơn: chẳng hiểu sao cây đứng đó, chỉ một mình, tán kết tròn hình cây nấm khổng lồ. Cây đã đứng đó bao năm, do ai trồng, chưa ai biết rõ, nhưng cây đứng nhìn dòng sông xanh ngọc- giữa bát ngát đồi cao gió lộng, nên thơ nhưng cũng rất chạnh lòng.

- Có một triền đất ăn ra thung lũng, có mọc đều và đẹp, triền đất này trông xuống dòng sông Làng Sáng, rất mênh mông và nên thơ, tôi gọi đó là thảo nguyên. Nơi này không hợp với đông người, vì cần những phút giây ngồi lặng trông xa…

- Một trong những địa điểm ngắm bình minh và hoàng hôn top best của Tà Xùa, đó là gốc táo cô đơn trên Đỉnh gió (Đỉnh cao nhất Tà Xùa, 2000m so với mực nước biển). Cây táo từ lâu đã đứng đó, một mình, nghiêng ngả theo chiều gió và xưa có căn nhà gỗ nhỏ bên cạnh. Hơi tiếc hiện tại lại có 2 chiếc nhà tôn mọc lên hai bên cây táo, hy vọng sắp tới chính quyền xã đòi lại góc view tuyệt vời này cho du khách!

- Bên cạnh Đỉnh gió, có 1 nơi rất đẹp nữa, view bao quát Tà Xùa và ngắm bình minh, hoàng hôn, mikiway top best, đó là Đồi trạm thông tin! Đồi này phía sau nhà Pơ Mu, đối diện nhà Clouds, đường đi trải bê tông nhưng độ dốc cao, các bạn cân nhắc phương án đi bộ cho chill nhé!

- Một địa điểm đã trở thành thương hiệu của Tà Xùa: Sống Khủng Long, là 1 sống đất vồng lên giữa thung lũng mênh mông, giống lưng của con khủng long, chiều dài đầu sống tới cuối sống là 1,2km, những ngày có mây, ngắm bình minh trên sống khủng long cảm giác như ta được lạc vào tiên cảnh!

- Mỏm Lạc Đà là quả núi nằm ở bên kia bờ thung lũng- đối diện với sống Khủng Long và cao hơn sống Khủng Long. Leo lên Mỏm lạc đà, chúng ta vừa có thể quan sát thung lũng mây bên phía sống Khủng Long, vừa có thể quan sát biển mây ở phía thung lũng Huyện Bắc Yên, đây là 1 hot place, tỉ lệ săn mây trúng % cao nhất và ngắm bình minh hay hoàng hôn rất đẹp! Có những hôm mây chỉ có thể có ở Mỏm lạc đà, sống KL không có mây.

- Còn nhiều điều thú vị, hấp dẫn, bí ẩn về văn hóa, phong tục đồng bào H’Mông vùng núi Tà Xùa, nơi này đã thuộc hoàn toàn về lãnh địa biệt lập. Người H’Mông với cội nguồn hào sảng cùng cá tính vẻ vang, trải dọc ngàn năm bao biến cố thăng trầm, bao cuộc viễn chinh chia cắt quần hùng, thế và dù đã rải rác chia ly, họ vẫn luôn kiên cường chỉ sống cao nơi đỉnh núi, với tay vợt mây và lại cưỡi lên mây. Những cuộc đời có biết bao lần cụp mắt trông xuống. Bởi họ sống ở trên cao! Mời các bạn pic nic vào làng bản, ăn ở cùng bà con và khám phá!

Bài và ảnh: Hà Mạnh Luân

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ta-xua-hoang-so-lam-thu-choi-bi-an-81378