Tác chiến đô thị, mở đầu toàn quốc kháng chiến

Toàn quốc kháng chiến mở đầu cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam, diễn ra đồng loạt ở các đô thị Bắc vĩ tuyến 16, đã giành được những thắng lợi quan trọng, tạo tiền đề cho cả nước chuyển mọi hoạt động sang thời chiến, xây dựng thế và lực để tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài.

Đây là thành tựu to lớn thể hiện tài lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó nổi lên nghệ thuật tác chiến đô thị, mở đầu toàn quốc kháng chiến.

Sớm phát hiện âm mưu của quân Pháp, thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiều 19-12-1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Tổng chỉ huy ra mệnh lệnh cho các LLVT ta: “Giờ chiến đấu đã đến”. Chấp hành mệnh lệnh, tại Hà Nội, 20 giờ ngày 19-12, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Quốc phòng-Tổng chỉ huy, sau khi pháo binh bắn hiệu lệnh, các Tiểu đoàn 77, 101, 145, 212, 523 chủ lực Chiến khu 11 phối hợp với công an xung phong, tự vệ chiến đấu đồng loạt tiến công vào 30 vị trí và 60 ổ đề kháng của địch, mở đầu Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cùng đêm 19 rạng ngày 20-12, các đơn vị bộ đội chủ lực phối hợp với LLVT tại chỗ (tự vệ chiến đấu, dân quân du kích, công an có vũ trang) được nhân dân hỗ trợ tiến công địch ở các thành phố Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng và các thị xã Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh.

Những ngày đầu kháng chiến toàn quốc diễn ra các trận đánh giữa ta và địch trong các thành phố, thị xã, nhất là ở những thành phố lớn (Hà Nội, Huế, Đà Nẵng). Đây là những địa bàn quan trọng, trung tâm chính trị, quân sự và kinh tế, địch được phép đóng quân theo Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946. Chiến sự bùng nổ trong điều kiện giữa ta và địch bố trí lực lượng xen kẽ nhau. Do tính chất quan trọng của từng thành phố, thị xã, ta và địch đều dốc sức tập trung quyết chiến ngay từ khi chiến sự bùng nổ. Xét tương quan lực lượng giữa ta và địch, ta xác định phương châm tác chiến là: Tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch ngay từ đầu, sau đó nhanh chóng tổ chức một bộ phận nằm trong lòng địch, xen kẽ với địch đánh ra và một bộ phận bố trí ở vòng ngoài đánh vào, thực hiện “trong ngoài cùng đánh”.

 Chướng ngại vật chiến đấu được dựng trên đường phố Hà Nội. Ảnh tư liệu

Chướng ngại vật chiến đấu được dựng trên đường phố Hà Nội. Ảnh tư liệu

Quá trình tác chiến trong từng thành phố, thị xã diễn ra trong điều kiện không gian vượt ra ngoài phạm vi của từng trận đánh cụ thể. Đó là không gian của nhiều trận đánh diễn ra đồng thời và kế tiếp có tác dụng hỗ trợ nhau, ảnh hưởng tác động qua lại ở chừng mực nhất định trên một địa bàn tác chiến, bao gồm trong nội thành, nội thị và vùng ven. Thời gian tác chiến, tuy không khởi đầu đồng loạt giữa các thành phố, thị xã (do điều kiện thông tin-chỉ huy hồi đó), cũng không kết thúc đồng thời (do điều kiện cụ thể từng thành phố, thị xã), nhưng đều là hoạt động tác chiến dài ngày, theo kế hoạch chung của Bộ Tổng chỉ huy là gây ảnh hưởng chính trị trong và ngoài nước, đồng thời tạo điều kiện cho cả nước chủ động chuyển sang thời chiến.

Về cách đánh, mặc dù điều kiện trang bị, vũ khí, trình độ tác chiến hạn chế, kinh nghiệm tổ chức chỉ huy còn ít, nhưng LLVT ta vận dụng sáng tạo các hình thức tác chiến, trong đó kết hợp chiến đấu phòng ngự với tiến công, lấy tiến công làm hoạt động tác chiến chủ yếu. Trong tác chiến tiến công, ta vận dụng hai hình thức tập kích và phục kích. Đối với các trận tập kích, ta sử dụng lực lượng quy mô tổ, tiểu đội, trung đội, bí mật luồn lách, áp sát vị trí địch, rồi bất ngờ dùng súng bắn thẳng và lựu đạn diệt bộ binh, phá hủy, hoặc đốt xe quân sự, xe tăng, sau đó nhanh chóng rút ra an toàn, khiến quân địch ở các vị trí lân cận không kịp chi viện ứng cứu, hoặc bao vây truy kích ta. Với những trận phục kích, ta thường ém quân sẵn ở hai bên dãy phố nội thành, hay nội thị, hoặc vùng ven, tiêu biểu như trận phục kích địch ở bờ đê sông Hồng (Hà Nội), chờ khi địch tiến công, ta chống cự một lúc rồi giả vờ thua chạy để quân địch truy đuổi, sa vào trận địa ta mai phục, bất ngờ tiến công, gây cho chúng thiệt hại nặng.

Trong tác chiến phòng ngự, dựa vào kiến trúc cổ nội thành, hay nội thị, điển hình là Hà Nội, ta tổ chức hai loại trận địa: Một là, ta huy động nhiều đồ vật đặt dọc theo từng trục đường phố, tạo thành các chiến lũy kế tiếp nhau để ngăn chặn xe tăng, xe thiết giáp, cơ giới, bộ binh của địch; đồng thời bí mật bố trí ở hai bên dãy phố các hố bắn, tuyến bắn liền kề nhau để diệt xe cơ giới, tiêu diệt bộ binh địch. Hai là, ta tổ chức một trung đội, có nơi một đại đội phòng thủ trên nhà cao tầng để phát huy hỏa lực tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Trong các trận tác chiến phòng ngự ở Ô Chợ Dừa, Ngã Tư Sở, phố Đội Cấn, Vĩnh Tuy, Nhật Tân (Hà Nội), lúc đầu ta gặp khó khăn do địch tiến công hướng chính diện, kết hợp với vu hồi, nhưng ta đã kịp thời phát hiện, chủ động đánh quân địch vu hồi hiệu quả.

Về thời gian tác chiến mở đầu toàn quốc kháng chiến, quân và dân ta ở các đô thị Bắc vĩ tuyến 16 đã quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là “bảo toàn lực lượng, kháng chiến lâu dài” và vận dụng cách đánh phù hợp, hiệu quả. Nhờ vận dụng sáng tạo, linh hoạt các hình thức tác chiến trong đô thị, trong đó chủ yếu là tập kích, phục kích và chủ động phòng ngự, tích cực tiến công, quân và dân ta đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giam chân chúng trong nội thành vượt thời gian dự kiến ban đầu nhiều lần, trong đó Đà Nẵng hơn một tháng, Huế 50 ngày đêm, Hà Nội 60 ngày đêm, Nam Định 86 ngày đêm...

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/tac-chien-do-thi-mo-dau-toan-quoc-khang-chien-647048