Tác chiến phòng không trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên ta tiến hành tác chiến phòng không (TCPK) quy mô cấp trung đoàn, sử dụng lực lượng phòng không lớn hơn hẳn so với các chiến dịch trước đó, với một trung đoàn pháo cao xạ 37mm, 5 tiểu đoàn và một số đại đội, trung đội súng máy phòng không 12,7mm. Nhiệm vụ của bộ đội phòng không là bảo vệ đội hình chiến đấu của lực lượng binh chủng hợp thành, khống chế không phận, triệt đường tiếp tế, tăng viện đường không, bảo vệ giao thông chiến dịch.

Mặc dù địa hình rừng núi hiểm trở, khó khăn và sự thay đổi cách đánh của chiến dịch từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", song với quyết tâm chiến đấu cao, lực lượng phòng không đã phát huy được sức mạnh, bắn rơi nhiều máy bay, triệt đường tiếp tế của địch, tạo điều kiện cho chiến dịch phát triển thuận lợi.

Để bảo đảm TCPK, Ban chỉ huy Trung đoàn 367 đã tham mưu cho Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ về sử dụng phòng không; chỉ huy các tiểu đoàn pháo cao xạ trực thuộc chiến đấu và giúp các tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7mm đánh địch, yểm trợ cho bộ binh tiêu diệt từng cụm cứ điểm của địch. Quá trình chuẩn bị chiến dịch, các tổ trinh sát của Trung đoàn 367 đã leo lên nhiều đỉnh cao, sử dụng ống nhòm, máy đo xa, thước ngắm... đo đạc tính toán tốc độ mỗi loại máy bay, xác định các phần tử bắn. Hệ thống trinh sát, thông báo phòng không được tổ chức ở đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, thông báo bằng khí tài thông tin 2W nhằm kịp thời phục vụ chỉ huy chiến đấu. Đối với Trung đoàn 367, ta sử dụng lực lượng, bố trí đội hình, kịp thời chuyển hóa thế trận theo sự phát triển chiến đấu của bộ đội hợp thành trong từng đợt của chiến dịch; chỉ huy, phân chia hỏa lực của các tiểu đoàn, giao nhiệm vụ cho từng tiểu đoàn diệt từng tốp máy bay địch. Nhờ đó, trong toàn chiến dịch, các đơn vị phòng không ở Điện Biên Phủ đã cùng pháo binh, bộ binh và các lực lượng bắn rơi và phá hủy 62 máy bay các loại, riêng Trung đoàn 367 bắn rơi 52 máy bay địch. Bộ đội phòng không đã bảo vệ được đội hình không phận chiến dịch, yểm trợ trận đánh mở đầu, bảo vệ an toàn lực lượng chủ yếu của chiến dịch, lực lượng chống địch phản kích, yểm trợ cho các mũi thọc sâu đánh vào tung thâm đề kháng của địch, tạo điều kiện cho bộ đội hợp thành thực hiện chiến thuật vây lấn và tiến hành tổng công kích giành thắng lợi hoàn toàn.

 Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Phòng không 383 (Trung đoàn 367) bắt bám mục tiêu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Phòng không 383 (Trung đoàn 367) bắt bám mục tiêu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Nổi bật trong TCPK Chiến dịch Điện Biên Phủ là ta đã giữ được bí mật tuyệt đối và tạo bất ngờ cho địch. Với sự xuất hiện bất ngờ của pháo cao xạ, ta đã làm đảo lộn mọi tính toán chiến dịch của bộ chỉ huy địch, làm cho phi công địch từ chỗ hết sức chủ quan chuyển sang hoang mang lo sợ, buộc phải giải quyết nhiều vấn đề mới về chiến thuật, kỹ thuật. Ta sử dụng lực lượng phòng không tập trung cho hướng chủ yếu, các trận đánh then chốt và thời cơ quan trọng nhằm tạo ra hỏa lực phòng không mạnh đánh thắng không quân địch trong từng trận đánh. Bộ đội phòng không đã bám sát bộ binh, đưa trận địa pháo phòng không vào sát cứ điểm của địch, nên đã yểm trợ đắc lực cho bộ binh tiến công cứ điểm trong tầm bắn có hiệu quả nhất. Cách đánh gần, táo bạo mang lại hiệu quả chiến đấu cao và trở thành cách đánh phổ biến, cách đánh truyền thống của Bộ đội phòng không Việt Nam.

Trong tác chiến, bộ đội phòng không đã thực hiện khống chế và thu hẹp không phận, tiến tới triệt hẳn nguồn tiếp tế và tăng viện đường không của địch; sử dụng lực lượng và cách đánh thích hợp bảo vệ giao thông chiến dịch. Đồng thời, các đơn vị phòng không đã lợi dụng địa hình rừng núi, ngụy trang che giấu trận địa, sở chỉ huy; xây dựng trận địa và hệ thống công sự hầm hào hoàn chỉnh để hạn chế thương vong trước hỏa lực của không quân, pháo binh địch, bảo đảm cho bộ đội phòng không có điều kiện chiến đấu dài ngày, liên tục cả ngày lẫn đêm. Bên cạnh đó, bộ đội phòng không thường xuyên cơ động đội hình phù hợp với yêu cầu tác chiến, tạo được thế có lợi bất ngờ đánh địch, mà địch không đánh trúng trận địa của ta.

Tác chiến trong điều kiện rừng núi, có nhiều góc che khuất, song bộ đội phòng không đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật, phương pháp xác định, bố trí trận địa, căn cứ vào nhiệm vụ chiến đấu, vào đặc điểm về địch, về địa hình và căn cứ vào thực tiễn chiến đấu để bổ sung, hoàn chỉnh thêm trong quá trình chiến đấu. Kết hợp linh hoạt giữa hỏa lực tập trung với hỏa lực phân tán phù hợp với tình huống địch trên không; vận dụng linh hoạt các phương pháp bắn trong trường hợp xác định đủ phần tử và cả khi mây mù không xác định được phần tử. Để bắn máy bay địch thả dù, bộ đội phòng không đã nắm vững tính năng vũ khí, chuẩn bị sẵn các phần tử, thực hiện biện pháp lấy dấu chuẩn để sẵn sàng đánh địch...

TCPK trong Chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ góp phần vào thắng lợi chung, mà còn đánh dấu sự phát triển mới về nghệ thuật quân sự, để vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

VŨ HỒNG KHANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/tac-chien-phong-khong-trong-chien-dich-dien-bien-phu-572841