Tác động chính sách giáo dục đối với năng suất quốc gia trước cuộc cách mạng 4.0

Hội thảo về tác động chính sách giáo dục đối với năng suất quốc gia diễn ra tại Manila, Philipines từ ngày 1417/8/2018. Chương trình được tổ chức bởi Tổ chức Năng suất châu Á – APO và Học viện Phát triển Philippines - DPP.

Sự kiện có sự tham gia của 28 thành viên đến từ các quốc gia Fiji, Nepal, Pakistan, Iran, Indonesia, Bangladesh, Philippines, Laos, Malaysia, Thái lan và Việt Nam.

Hội thảo về tác động chính sách giáo dục đối với năng suất quốc gia diễn ra tại Manila, Philipines từ ngày 14-17/8/2018. Ảnh: APO

Hội thảo về tác động chính sách giáo dục đối với năng suất quốc gia diễn ra tại Manila, Philipines từ ngày 14-17/8/2018. Ảnh: APO

Tổng quan chung các vấn đề gần đây của chính sách giáo dục và đào tạo trong thời đại của ngành 4.0, chuyên gia Gyuhee Hwang- Hàn Quốc đã chia sẻ phương pháp sử dụng phân tích bằng sáng chế để xác định các nhu cầu kỹ năng trong tương lai. Kết hợp các yếu tố kỹ năng từ phân loại bằng sáng chế quốc tế (IPC) với các đơn vị kỹ năng từ phân tích công việc, nghiên cứu theo dõi xu hướng trong các nhu cầu kỹ năng dựa trên mô hình thời gian IPC.

Tiến sỹ Chandra Shah đến từ Úc đã chỉ ra nguyên nhân của thiếu hụt kỹ năng là rất quan trọng đối với việc phát triển chính sách trong các lĩnh vực việc làm, giáo dục, đào tạo và hình thành kỹ năng. Bài trình bày phác thảo những quan điểm khác nhau về thiếu hụt kỹ năng theo quan điểm nhà kinh tế học, nhà tuyển dụng và công đoàn.

Bên cạnh đó, các vấn đề đo lường, nhận biết và cung cấp một ví dụ minh họa những khó khăn thực tế trong việc đánh giá tình trạng thiếu kỹ năng, các phương pháp dự báo việc làm theo nghề nghiệp và nghề nghiệp cho những người mới tham gia thị trường lao động ở Úc từ năm 2017 đến năm 2024 cũng được chuyên gia đề cập dẫn chứng.

Theo Tiến sỹ Chandra Shah, việc làm mới là kết quả của sự tăng trưởng trong nghề nghiệp và nhu cầu thay thế công nhân nghỉ hưu hoặc bỏ việc. Dự báo cung cấp cho người tìm việc, sinh viên và cố vấn nghề nghiệp thông tin về các cơ hội việc làm trong tương lai, do đó giúp họ trong việc đưa ra các lựa chọn sáng suốt về các khóa học giáo dục và đào tạo để thực hiện.

Các nhà hoạch định chính sách có thể sử dụng các dự báo cho kế hoạch dài hạn trong giáo dục, đào tạo và phát triển lực lượng lao động; các công ty có thể sử dụng chúng cho mục đích tuyển dụng và quản lý nguồn nhân lực. Thông tin thị trường lao động là yếu tố quan trọng cho hoạt động hiệu quả của các thị trường lao động, đào tạo năng động và phức tạp, nó có vai trò quan trọng trong việc giảm sự mất cân đối về kỹ năng. Sự mất cân bằng kỹ năng liên tục có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng năng suất.

Liên quan đến chủ đề giáo dục và năng suất, Tiến sỹ Niaz Asadullah, Malaysia chia sẻ, các quốc gia đang phát triển có thể giành chiến thắng trong cuộc đua “chống lại máy móc” hay không thông qua giáo dục.

Chuyên gia này chia sẻ về những thách thức và cơ hội phát sinh từ sự ảnh hưởng ngày càng tăng của công nghệ máy tính và trí tuệ nhân tạo. Sự tương tác giữa công nghệ và kỹ năng, trong bối cảnh này, vai trò của chính sách giáo dục cũng sẽ được nhấn mạnh.

Tiến sỹ cũng giới thiệu một số nghiên cứu điển hình của Malaysia trong xem xét các kế hoạch cải cách giáo dục của chính phủ để phát triển một lực lượng lao động thay thế, dự phòng cho lao động thất nghiệp do công nghệ. Nhấn mạnh vai trò của giáo dục đối với tăng trưởng năng suất, bất bình đẳng thu nhập đang gia tăng ở nhiều nước mặc dù có tiến bộ trong tuyển sinh, chuyên gia này bày tỏ sự lo ngại tăng trưởng kinh tế trong những thập kỷ tới khi các quy trình sản xuất trở nên số hóa và công việc được tự động hóa sẽ để lại phía sau những người nghèo.

“Thúc đẩy năng suất lao động thông qua giáo dục, đào tạo là chìa khóa để đảm bảo tăng trưởng toàn diện trong tương lai và điều này đòi hỏi phải cân bằng quyền tiếp cận giáo dục chất lượng. Dựa trên nghiên cứu về các quốc gia Đông Nam Á, tôi cho rằng cách hệ thống trường công lập góp phần vào việc cân bằng của giáo dục”, Tiến sỹ Niaz Asadullah chia sẻ.

Đại diện Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Nhung - Viện Năng suất Việt Nam cho biết, sự tác động của tiến bộ khoa học công nghệ đối với nguồn nhân lực trong thế kỷ tới, cho thấy cuộc cách mạng CNTT đó là tỷ lệ thay đổi công nghệ luôn vượt qua sự phát triển kỹ năng của người lao động, người lao động không có khả năng điều chỉnh nhu cầu thị trường đối với các yêu cầu và kỹ năng mới nên buộc phải chấp nhận các công việc có mức lương thấp.

Mô hình giáo dục hiện đại cần tập trung vào các kỹ năng còn thiếu hụt của công nhân nhằm đáp ứng những thay đổi với thị trường lao động mới, tối đa hóa sự đóng góp của nguồn vốn và nhân lực để tiếp tục cải thiện điều kiện sống. Đối với các nhà hoạch định chính sách, muốn cải thiện ngành giáo dục nhằm tăng khả năng hưởng lợi từ tiến bộ công nghệ nhanh chóng, cần thu hẹp khoảng cách kỹ năng thông qua giáo dục tập trung vào các tương tác với công nghệ tiên tiến.

Việt Nam có thể nghiên cứu các mô hình về dự báo nghề nghiệp tại các tổ chức, doanh nghiệp (như mô hình của Tiến sỹ Chandra Shah) nhằm hỗ trợ cho công tác tuyển dụng và quản lý nguồn nhân lực, ngoài ra cũng cần nghiên cứu và thiết lập mô hình đào tạo cho lực lượng lao động của các tổ chức doanh nghiệp, nâng cao kỹ năng nhằm đáp ứng với sự thay đổi liên tục về công nghệ.

Bảo Anh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/tac-dong-chinh-sach-giao-duc-doi-voi-nang-suat-quoc-gia-truoc-cuoc-cach-mang-40-d148443.html