Tác động của AI, còn xa hay đã thật gần?

Trí tuệ nhân tạo (AI) không phải là cụm từ mới. Nhưng khi Chat GPT (ứng dụng AI được phát triển từ mô hình GPT-3.5 của Open AI) bùng nổ, câu chuyện ứng dụng nền tảng AI lại được nhắc đến nhiều hơn. Vậy với doanh nghiệp (DN) Việt Nam, AI sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh như thế nào, làm sao để tận dụng lợi thế AI mang lại… Còn với người lao động, AI liệu có khiến họ đứng trước nguy cơ mất việc?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Phải chuyển đổi số thành công

Tại buổi giao lưu trực tuyến mới đây do báo SGGP tổ chức, trước câu hỏi AI tác động đến hoạt động kinh doanh của DN như thế nào, ông Huy Nguyễn, CEO KardlaChain, cho rằng đối với DN truyền thống trước hết phải chuyển đổi số thành công, từ đó tạo ra nguồn dữ liệu số căn bản và đa dạng để có thể ứng dụng được AI.

Sau khi có nguồn dữ liệu dồi dào, DN cần được tư vấn để hiểu rõ AI sẽ có những đóng góp nào cho mô hình kinh doanh của mình. Thông thường sẽ là một trong những yếu tố như nâng cao trải nghiệm người dùng (thí dụ lái xe tự động, tự trả lời email...), giảm chi phí và lỗi thủ công (thí dụ AI thay thế con người chỉ dẫn khách hàng hay dự đoán mặt hàng nào sẽ trở nên cần thiết ở khu vực nào trong tháng tới...), giúp tối ưu hóa lợi nhuận kinh doanh (giới thiệu đúng sản phẩm đến đúng người cần), hay dự trù và phòng chống sớm các vấn đề (như dự đoán thiên tai, dịch bệnh... dựa trên những thông tin từ sớm).

Với sự phát triển nhanh và đã đạt được nhiều độ chín nhất định của AI như hiện tại, các ứng dụng AI cho DN rất nhiều và cũng rất dễ để tích hợp, nên DN có thể thử nghiệm và đo đạc hiệu quả trước khi ứng dụng chính thức. Còn đối với những DN startup đổi mới sáng tạo (không truyền thống), phải xây dựng mô hình AI ngay từ đầu (AI-first) với tâm thế gắn liền hoạt động kinh doanh vào công nghệ này, để tạo ra vòng feedback loop (vòng lặp thông tin phản hồi) và thực hiện những thay đổi dựa trên kết quả này.

Như vậy cho thấy thách thức đặt ra với các DN trước khi ứng dụng AI, đó là phải chuyển đổi số thành công. Thực tế, trước dịch Covid-19 chỉ có khoảng 20% DN quan tâm đến chuyển đổi số, sau dịch con số này đã tăng lên hơn 70% và có khoảng 50% DN đã từng bước thực hiện chuyển đổi số. Thế nhưng tỷ lệ thành công trong hành trình chuyển đổi số của DN vẫn còn rất khiêm tốn.

Theo báo cáo phân tích của Công ty Nghiên cứu thị trường Forrester (Mỹ), ở Việt Nam hiện chỉ có 11% DN thành công trong quá trình chuyển đổi số, 89% DN còn lại "lạc lối" trong quá trình này. Nguyên nhân chủ yếu do DN thiếu nhân lực có chuyên môn và còn eo hẹp về tài chính, nhất là với DNNVV - lực lượng đang chiếm đa số hiện nay.

Chưa chuyển đổi số thành công, thiếu nguồn tài nguyên dữ liệu thông tin số sẽ khó ứng dụng AI. Nhưng theo một số chuyên gia, với một số DN ngay cả khi có được nguồn tài nguyên quý này cũng chưa bảo quản và sử dụng hiệu quả, còn làm thất thoát thông tin và chưa tạo ra những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng nhằm tối ưu hóa doanh thu.

“Nhìn Google/Facebook sẽ thấy họ liên tục sử dụng dữ liệu người dùng để làm giàu cơ sở dữ liệu, nền tảng AI, Blockchain của họ. Vì thế nhu cầu cấp thiết cho DN sau khi hoàn thành bước số hóa sẽ là nghiên cứu ứng dụng AI và Blockchain, để tối ưu hóa nguồn tài nguyên mới của mình, tránh trường hợp phải bán các tài nguyên thô đó ra nước ngoài rồi lại trả giá đắt để mua lại các ứng dụng của họ” - ông Huy Nguyên chia sẻ.

Người lao động liệu có mất việc?

Khi làn sóng Chat GPT bùng nổ, mối lo không mới nhưng lại được nhắc lại nhiều lần, là ngành nghề nào sẽ bị AI thay thế, người lao động liệu sẽ thất nghiệp nhiều hay không? Thực tế với thị trường Việt Nam, việc ứng dụng AI trong DN như phân tích phía trên vẫn còn khá hạn chế, nên chuyện AI thay thế người lao động lúc này chưa quá lo ngại, nhưng về lâu dài người lao động có cần chuẩn bị kỹ năng gì cho mình hay không.

Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Lê Nguyễn Hoài Nam, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM), cho rằng AI nói chung hay Chat GPT nói riêng có thể giúp tự động một số tác vụ, giúp tăng hiệu suất của công việc. Một số tác vụ cụ thể rõ ràng có thể được thực hiện hoàn toàn bởi AI. Tuy nhiên, các tác vụ đòi hỏi một số kỹ năng cao như kỹ năng tư duy, giao tiếp, cảm xúc… AI chưa thể làm tốt hơn con người.

“Để không bị AI thay thế, chúng ta cần liên tục học tập và rèn luyện để nâng cao các kỹ năng của mình. Bên cạnh đó, cần học cách tận dụng sử dụng AI hiệu quả hỗ trợ công việc của mình” - ông Nam nói. Đồng tình với nhận định này, ông Huy Nguyễn nhấn mạnh làn sóng AI sẽ tạo ra nhiều ngành nghề mới thay thế những ngành nghề cũ không còn thích hợp hay cần thiết. Tuy nhiên, có điểm khác so với trào lưu robot sẽ thay thế các lao động chân tay phổ thông, AI sẽ thay thế những lao động trí óc phổ thông, như các công việc văn phòng chỉ làm theo đúng hướng dẫn, hay các nhân viên phục vụ khách hàng...

Điều này có nghĩa AI sẽ đòi hỏi người lao động suy nghĩ sâu và chủ động, phát huy hết thế mạnh của trí tuệ con người, chứ không chỉ là "học vẹt" và "trả lời như cái máy". Trước lo lắng nếu AI quá phát triển có thể gây hại cho con người, các chuyên gia cho rằng điều này vẫn còn ở rất xa thực tế. Ngay cả khi AI có thể thông minh hơn con người, nó chỉ là một công nghệ (công cụ), và việc vận dụng nó như thế nào hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của con người.

Bàn về câu chuyện xây dựng nền tảng AI riêng cho Việt Nam trong bối cảnh thế giới đã có những bước tiến về công nghệ AI trong khoảng 10 năm trở lại đây, không ít ý kiến cho rằng rất quan trọng và cấp thiết để tránh phụ thuộc quá lớn vào các nền tảng nước ngoài. Tuy vậy, việc xây dựng hạ tầng AI riêng cho đất nước là việc hết sức khó khăn và cần đầu tư rất lớn, vì chúng ta cũng đã đi sau thế giới ít nhất là 1 thập niên. Việt Nam cần phải có chính sách và hỗ trợ hợp lý từ cơ quan chức năng, DN và cả người dân để cùng đóng góp cho quá trình này.

Ngay cả khi AI có thể thông minh hơn con người, nó chỉ là một công nghệ (công cụ), và việc vận dụng nó như thế nào hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của con người.

Đức Mạnh

Nguồn SGĐT: https://www.saigondautu.com.vn/tac-dong-cua-ai-con-xa-hay-da-that-gan-post102074.html