Tác động của CPTPP với ngành da giày: Sẽ thay đổi mạnh về chất

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam - cho biết: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ làm thay đổi chất lượng tăng trưởng của ngành da giày trong thời gian tới.

Năm 2018, ngành da giày dự kiến về đích vượt mục tiêu, xin bà cho biết những điểm nổi bật ngành đã đạt được trong năm vừa qua?

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu (XK) da giày đạt khoảng 19,5 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2017. Đặc biệt, XK balo, túi xách tại các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Mỹ, EU vẫn giữ vững phong độ.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam

Cùng với đó, các doanh nghiệp (DN) cũng đẩy mạnh XK sang Trung Quốc. Tỷ trọng XK sang thị trường này đã tăng tới 20% trong những năm gần đây. Như vậy, chúng ta nhập khẩu (NK) nguyên phụ liệu (NPL) nhưng cũng XK được sản phẩm vào Trung Quốc. Đây là cơ hội tốt cho DN tiếp tục khai thác và mở rộng thị phần tại thị trường khổng lồ này.

Da giày hiện là ngành XK chủ lực, tuy nhiên, giá trị gia tăng không cao. Bà nhận định ra sao về vấn đề này?

Đây là thực trạng của ngành sau nhiều năm làm gia công cho các thương hiệu nước ngoài. Tuy nhiên, thay vì chiếm tới 80 - 81% trong tỷ trọng XK của ngành như những năm trước, 11 tháng qua, tỷ trọng XK của các DN FDI đã giảm, ở mức 79,4% với giày dép và 76,2% ở túi, ví, cặp. Điều này cho thấy, có sự khởi sắc về tỷ trọng XK của DN trong nước.

CPTPP đã được nhiều nước thông qua, trong đó có Việt Nam. Theo bà, hiệp định này sẽ tác động như thế nào đến XK của ngành trong năm 2019 và những năm tiếp theo ?

Mặt hàng da giày có tỷ lệ cắt giảm thuế cao ngay sau khi CPTPP có hiệu lực. Hơn nữa, với những thuận lợi thương mại quy định trong hiệp định, kim ngạch XK của ngành da giày sang các thị trường trong khối dự kiến sẽ tăng khoảng 10 - 15% trong năm 2019.

Có một thực tế, nhiều thành viên trong khối CPTPP như Nhật Bản, Australia, New Zealand, Singapore, Malaysia, Chile, Brunei đã có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam và DN đã được hưởng cắt giảm thuế quan với các nước này. Do đó, về dài hạn, khả năng tăng trưởng XK của ngành là có nhưng sẽ không đột biến, nhất là tại các nước đã có FTA với Việt Nam.

Nhưng quan trọng hơn, những ưu đãi thuế quan hấp dẫn, CPTPP sẽ giúp Việt Nam thu hút được nhiều vốn FDI vào lĩnh vực da giày. Đồng thời, xây dựng vùng sản xuất NPL tại Việt Nam, giúp DN trong nước, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng năng lực cạnh tranh khi tham gia các FTA lớn; nâng cao giá trị gia tăng trong kim ngạch XK và cải thiện chất lượng tăng trưởng của ngành.

Một trong những điểm mấu chốt của CPTPP là quy tắc xuất xứ. Khả năng đáp ứng của các DN trong nước về quy tắc này ra sao, thưa bà?

CPTPP được kế thừa và tiếp nối từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, do đó, các DN da giày trong nước đã có một quá trình dài để chuẩn bị, nhất là về nguồn NPL. Tỷ lệ nội địa hóa trong ngành đã tăng nhanh, hiện đạt ngưỡng 50%. Với tỷ lệ này, quy tắc xuất xứ không phải là trở ngại lớn với DN da giày trong nước. Điều đáng lo là DN trong nước sẽ gặp khó khăn trong quản lý sản xuất và thực hành những tiêu chuẩn về chất lượng, đáp ứng các rào cản kỹ thuật, thương mại và tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội tại các DN.

Bà có kiến nghị gì với cơ quan quản lý nhà nước và lời khuyên nào cho DN để có thể tận dụng tốt cơ hội do CPTPP mang lại, nâng cao chất lượng tăng trưởng?

CPTPP là “sân chơi” lớn, buộc các DN tham gia phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Theo đó, DN cần sớm tổ chức bộ máy chuyên trách để tìm hiểu kỹ các quy định của CPTPP, chuẩn bị tốt nguồn cung NPL phù hợp với quy tắc xuất xứ. Đầu tư nâng cấp thiết bị, công nghệ, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng của từng nước thành viên. Triển khai mạnh hoạt động xúc tiến thương mại tại các nước thành viên CPTPP.

Để DN thực hiện có hiệu quả các hoạt động trên, nhà nước cần sớm hoàn tất các nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể về lộ trình cắt giảm thuế quan, quy tắc xuất xứ và những điều khoản khác của CPTPP, giúp DN dễ tiếp cận và thực thi theo yêu cầu. Tổ chức và hỗ trợ DN tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại với các nước thành viên CPTPP, tận dụng tốt các ưu đãi do CPTPP mang lại, tăng giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Xin cảm ơn bà!

Việt Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tac-dong-cua-cptpp-voi-nganh-da-giay-se-thay-doi-manh-ve-chat-114080.html