Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến các hoạt động gây ô nhiễm môi trường ở Việt Nam và vấn đề pháp lý đặt ra

TCCSĐT - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những đột phá công nghệ có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và đặc biệt là trong bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, Luật Khoa học công nghệ năm 2005 và Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014, các nhà lập pháp cũng chưa có hình dung đầy đủ những tác động tích cực cũng như tiêu cực của cách mạng công nghiệp 4.0 đến kiểm soát ô nhiễm môi trường. Do vậy, việc phân tích làm sáng tỏ tác động của cuộc cách mạng khoa học lần thứ tư đến bảo vệ môi trường và đưa ra những gợi mở điều chỉnh pháp luật liên quan đến vấn đề này là thực sự cần thiết.

Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Nếu cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ nhất gắn với việc phát minh ra máy hơi nước, CMCN lần thứ hai gắn với việc phát minh ra điện, CMCN lần thứ ba gắn với tự động hóa thì lần thứ tư hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) gắn với số hóa, với những đặc trưng cơ bản: một là, dựa trên nền tảng của sự kết hợp công nghệ cảm biến mới, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây và kết nối Internet vạn vật để thúc đẩy sự phát triển của máy móc tự động hóa và hệ thống sản xuất thông minh; hai là, sử dụng công nghệ in 3D để sản xuất sản phẩm một cách hoàn chỉnh nhờ nhất thể hóa các dây chuyền sản xuất không phải qua giai đoạn lắp ráp các thiết bị phụ trợ, công nghệ này cũng cho phép con người có thể in sản phẩm mới bằng những phương pháp phi truyền thống, nhờ đó có thể bỏ qua các khâu trung gian và giảm chi phí sản xuất nhiều nhất có thể; ba là, công nghệ Nano và vật liệu mới cho phép tạo ra các cấu trúc vật liệu mới ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực; bốn là, trí tuệ nhân tạo và điều khiển học cho phép con người kiểm soát mọi thứ từ xa, không giới hạn về không gian, thời gian, tương tác nhanh hơn và chính xác hơn, nhờ ứng dụng công nghệ mới này con người có thể chế tạo ra những rô bốt với khả năng tự học mà không cần phải lập trình sẵn mọi thứ. Có thể thấy, xu thế phát triển của CMCN 4.0 là tất yếu. Những đột phá của CMCN 4.0 sẽ có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Sự tác động này diễn ra trên nhiều lĩnh vực, như: nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, năng lượng, môi trường,…

Hiện nay, ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của con người và sinh vật ở Việt Nam. Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường 95% do hoạt động của con người gây ra. Do vậy, việc ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 sẽ góp phần kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng như thúc đẩy phát triển nhanh, mạnh, bền vững đất nước.

Thứ nhất, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động nông nghiệp

Thống kê năm 2013 cho thấy, Việt Nam vẫn có hơn 60 triệu người sống ở nông thôn và làm nông nghiệp. Do vậy, trong định hướng phát triển bền vững của Việt Nam không thể thiếu phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, do nhiều năm sản xuất nông nghiệp dựa trên công nghệ canh tác lạc hậu, như: Đốt nương làm rẫy, chặt phá rừng, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có độc tính cao gây ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng, suy giảm đa dạng sinh học. Do vậy, việc sử dụng các thành tựu của CMCN 4.0 nhằm phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong hoạt động nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, cụ thể: Một là, ứng dụng công nghệ nano (nanotechnology) trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tạo ra những giống cây trồng mới có thể thích nghi được với các điều kiện thời tiết khô hạn, đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, sa mạc, lũ lụt, đồng thời các sản phẩm nông nghiệp này lại giàu dinh dưỡng hơn, nhiều hương vị hơn, giá trị kinh tế cao hơn... đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, công nghệ này có ý nghĩa quan trọng. Hơn nữa, công nghệ nano cũng được ứng dụng để tạo nên các loại phân bón tăng thêm dinh dưỡng và độ màu mỡ cho đất, nhưng lại thân thiện, không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, không phải bất cứ lĩnh vực nào cũng có thể áp dụng được công nghệ này. Đằng sau nó là một loạt những vấn đề liên quan về yếu tố đạo đức (khi sử dụng nanotech để can thiệp vào việc biến đổi gen), yếu tố xã hội và cả yếu tố con người. Hai là, sự phát triển của công nghệ rô bốt giúp quá trình sản xuất nông nghiệp được tự động hóa theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, rô bốt trang bị trí tuệ nhân tạo có thể cùng con người tham gia vào các khâu trong sản xuất nông nghiệp gia tăng năng suất lao động mang lại hiệu quả kinh tế cao, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý ô nhiễm môi trường từ hoạt động nông nghiệp… Ba là, sự phát triển của Internet kết nối vạn vật (IoT) sẽ thúc đẩy phát triển các trang trại thông minh, máy tính, smatphone kết nối với các cảm biến, như: Cảm biến về nhiệt độ, độ ẩm, độ màu mỡ của đất, nồng độ axit và các chất trong đất, nước, không khí,… từ đó đưa ra các mức độ tưới tiêu nước, phân bón thích hợp để làm tăng độ phì nhiêu của đất, giúp cây trồng được phát triển ổn định góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Ứng dụng CMCN 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp bên cạnh giúp nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhưng nhiều người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp có nguy cơ mất việc làm từ đó có thể gây ra nhiều vấn đề về xã hội và môi trường. Do vậy, cần bổ sung các quy định pháp luật nhằm: tạo điều kiện đầu tư, nghiên cứu, hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và kiểm soát ô nhiễm môi trường hiệu quả cũng như hạn chế những tác động tiêu cực từ cuộc cách mạng này đến môi trường. Hơn nữa, các quy định cần hướng tới thúc đẩy đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động nông nghiệp thích ứng với việc sử dụng công nghệ 4.0 trong phát triển nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, chúng ta cần nhìn nhận tác động của công nghệ 4.0 đến hoạt động nông nghiệp dưới góc độ đạo đức, sức khỏe, sự an toàn và phản ứng xã hội để điều chỉnh pháp luật vừa phát huy được những lợi ích của 4.0 trong phát triển nông nghiệp, vừa bảo đảm được sức khỏe, tính mạng của con người.

Thứ hai, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 trong kiểm soát ô nhiễm môi trường từ hoạt động công nghiệp

Từ khi tiến hành sự nghiệp đổi mới, mở cửa đến nay, hàng vạn nhà máy, xí nghiệp đã ra đời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển công nghiệp chủ yếu theo chiều rộng, công nghệ lạc hậu, thiếu quy hoạch đã làm cho môi trường Việt Nam những năm qua bị ô nhiễm trầm trọng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của con người cũng như sinh vật. Trong khi đó, theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua năm 1991 thì phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp. Để thực hiện được mục tiêu này thì khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 được coi là quốc sách hàng đầu. Cụ thể, với sự phát triển của công nghệ in 3D sẽ giúp rút ngắn quy trình sản xuất, giảm nguyên, nhiên liệu sử dụng trong quá trình sản xuất góp phần phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Sử dụng công nghệ vật liệu mới nano trong sản xuất công nghiệp còn tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường. Hơn nữa, sự phát triển của công nghệ rô bốt, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet kết nối vạn vật (IoT) sẽ giúp sẽ tạo ra các rô bốt tự học tập, tự nhận thức và phân công lao động. Siêu tự động hóa và siêu kết nối kết hợp với nhau cho phép hệ thống máy tính kiểm soát và quản lý các quá trình vật lý và phản ứng một cách con người. Interner of thing (IoT) có thể giúp rô bốt kết nối với nhau và tương tác với con người, thậm chí rô bốt có thể điều hành từ hoạt động sản xuất đến các hoạt động đầu tư, phân tích, quyết định các vấn đề doanh nghiệp gặp phải và đưa ra hướng giải quyết. Do vậy, ở góc độ tích cực CMCN 4.0 sẽ mang lại tương lai tươi sáng cho nâng cao năng suất lao động xã hội, thúc đẩy công nghiệp phát triển và phòng ngừa được ô nhiễm môi trường cũng như các rủi ro phát sinh. Tuy nhiên, ở góc độ khác việc sử dụng người máy và rô bốt với trí tuệ nhân tạo trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thể làm ảnh hưởng đến việc làm của người lao động, đặc biệt là lao động thủ công dệt may, da giày,…gây ra các vấn đề về môi trường và xã hội. Trên cơ sở đó cần điều chỉnh pháp luật theo hướng thúc đẩy ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0, như: công nghệ in 3D, rô bốt trang bị trí tuệ nhân tạo nhằm nâng cao năng suất lao động xã hội; nhà xưởng sản xuất gắn cảm biến kết nối với máy tính, nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý ô nhiễm môi trường được kịp thời. Các quy định pháp luật cũng cần hướng tới khuyến khích, hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động để có thể làm chủ các thành tựu của 4.0 hoặc chuyển đổi nghề nghiệp để bảo đảm việc làm và sinh kế cho họ. Đặc biệt, vừa qua rô bốt Sophia đã trở thành rô bốt đầu tiên được các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất công nhận là công dân của nước này và có quyền tự quyết. Đây là vấn đề đáng quan tâm, bởi khi các rô bốt với trí tuệ nhân tạo được sử dụng phổ biến trong các lĩnh vực sản xuất được trao quyền công dân sẽ đặt ra vấn đề về mặt pháp lý là liệu các rô bốt có quyền được sống, quyền được bầu cử, ứng cử, quyền được hưởng các chế độ tiền lương, giờ làm, bảo hiểm, quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích khi có hành vi xâm phạm từ chủ thể khác hay không hoặc ngược lại khi các rô bốt này xâm phạm đến quyền và lợi ích của chủ thể khác thì sẽ xử lý ra sao? Hơn nữa, việc kiểm soát các rô bốt này sẽ được thực hiện như thế nào, có điều chỉnh quan hệ giữa rôbốt với con người hay không, hay chỉ điều chỉnh trách nhiệm pháp lý đối với người sở hữu những rô bốt này? Đó là những câu hỏi cần phải trả lời khi con người quyết định trao quyền công dân cho rô bốt - một sản phẩm mang trí tuệ nhân tạo.

Thứ ba, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động xây dựng

Ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 nhằm phòng ngừa ô nhiễm môi trường từ hoạt động xây dựng. Theo thống kê đến năm 2018, thế giới đã có khoảng 7,5 tỷ người dự báo đến năm 2050 dân số thế giới có thể lên tới 10 tỷ người, còn ở Việt Nam đến nay dân số đã trên 95 triệu người. Trước sự gia tăng dân số như vậy dẫn tới quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh, nhu cầu về nhà ở sẽ ngày càng nhiều lên, việc xây dựng nhà ở theo cách thức truyền thống khó đáp ứng được yêu cầu. Hơn nữa, thực tế những năm qua cho thấy ô nhiễm môi trường từ hoạt động xây dựng diễn ra ngày càng phổ biến. Các quy hoạch xây dựng thiếu định hướng và thực tiễn xây dựng sử dụng vật liệu chất lượng kém, thiếu tính bền vững, công nghệ xây dựng lạc hậu lại thêm thiếu kiểm soát trong quá trình này đã gây ra nhiều hệ lụy, như: độ bền, an toàn của công trình không cao, mất mỹ quan đô thị, lãng phí tài nguyên, ô nhiễm bụi, tiếng ồn tại các khu vực xây dựng vượt nhiều lần quy chuẩn cho phép,… Trước bối cảnh đó, ứng dụng các thành tựu từ cuộc CMCN 4.0 mang lại ý nghĩa về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng: (1) Ứng dụng công nghệ vật liệu vào trong hoạt động xây dựng giúp tạo ra các công trình, tòa nhà, căn hộ mới, bền, thân thiện môi trường. Giảm thiểu các chất thải xây dựng, thậm chí có thể tái chế các chất thải thành các vật liệu xây dựng giá thành thấp, thân thiện môi trường để tái sử dụng, ví dụ: chất thải bùn đỏ thay vì chôn lấp có thể tái chế thành gạch để xây dựng, ngói tích hợp pin quang điện tesla vừa lợp được nhà vừa tạo ra điện cung cấp cho căn nhà từ năng lượng mặt trời,... Qua đó góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, phòng ngừa ô nhiễm môi trường; (2) Ứng dụng công nghệ in 3D vào hoạt động xây dựng giúp bỏ qua nhiều khâu trung gian trong quá trình này. Từ đó vật liệu xây dựng được sử dụng hợp lý, giảm thiểu nhân công lao động, chi phí đầu tư xây dựng, trong khi đó công trình vẫn đạt các giá trị thẩm mỹ và an toàn, tiện lợi cho con người và hạn chế được ô nhiễm, suy thoái môi trường. Hiện nay, ứng dụng công nghệ in 3D trong xây dựng các căn hộ, các tòa nhà đã trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới tạo ra một cuộc cách mạng trong xây dựng nhà ở tại các quốc gia này góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế; (3) Sử dụng các công nghệ cảm biến gắn các tòa nhà, các phương tiện bay không người lái,… có thể giám sát, phát hiện ô nhiễm môi trường đất, nước không khí do hoạt động xây dựng gây ra. Hơn nữa, việc ứng dụng các cảm biến cùng công nghệ Internet of things (IoT) để kết nối với hệ thống điện, đèn, tivi, máy điều hòa, máy giặt,… để các thiết bị này hoạt động tự động dựa trên cảm ứng đã được lập trình, điều khiển bằng smatphone để tạo ra những căn hộ thông minh, tòa nhà thông minh, thậm chí là thành phố thông minh.

Bên cạnh mặt tích cực của việc sử dụng công nghệ in 3D và công nghệ vật liệu mới, công nghệ cảm biến kết nối vạn vật để thúc đẩy phát triển công nghiệp xây dựng và kiểm soát ô nhiễm môi trường thực tế vẫn có những lo ngại về vật liệu sử dụng và độ bền của các căn nhà được xây dựng bằng công nghệ in 3D. Hay việc ứng dụng các cảm biến cùng công nghệ Internet of things (IoT) tại các căn hộ, tòa nhà, thành phố có thể gây ra vấn đề an toàn của các thiết bị này, vấn đề rò rỉ an ninh, quyền cá nhân,… Do vậy, điều chỉnh pháp luật về vấn đề này cần hướng tới ban hành các quy chuẩn xây dựng áp dụng với vật liệu xây dựng, kiến trúc cảnh quan, độ bền, an toàn xây dựng, và sản phẩm xây dựng bằng công nghệ in 3D; cần coi chất thải xây dựng là một loại tài nguyên để sử dụng tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả. Đặc biệt để xây dựng được các tòa nhà thông minh và bảo vệ quyền cá nhân của con người thì điều chỉnh pháp luật cần thúc đẩy sự chuẩn bị về hạ tầng cơ sở, công nghệ tương thích, sự thích nghi, thay đổi cách ứng xử của con người với thực tế đó.

Thứ tư, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt giao thông vận tải

Giao thông vận tải là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm môi trường. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và khu vực hóa, sự gặp gỡ, giao lưu, kết nối giữa con người với con người trong nước, khu vực và quốc tế ngày càng diễn ra mạnh mẽ với cấp độ số nhân thì sự phát triển gia tăng của giao thông vận tải còn mạnh mẽ hơn nữa và nếu không có những cải tiến trong ứng dụng công nghệ thì ô nhiễm môi trường đặc biệt là môi trường không khí dễ trở thành vấn đề lớn. Theo thống kê đến năm 2017, Việt Nam có trên 45 triệu ô tô, xe máy gây ô nhiễm nặng nề cho các thành phố, nồng độ bụi, khí thải do các phương tiện giao thông gây ra vượt nhiều lần quy chuẩn cho phép. Để thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kiểm soát ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông, việc ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 là đặc biệt cần thiết. Các thành tựu từ cuộc cách mạng này sẽ tạo ra những phương tiện di chuyển nhanh, an toàn, bền, sử dụng nhiên liệu sạch, tiết kiệm và chi phí thấp hơn. Ví dụ: sử dụng nhiên liệu sinh học cho các máy bay giảm ô nhiễm môi trường không khí, sử dụng nước hoặc khí Hydro để chạy ô tô, xe máy,… sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, trong tương lai việc có thể sản xuất các phương tiện giao thông, như: ô tô, xe máy, máy bay,… hàng loạt bằng công nghệ in 3D (theo đó nhà sản xuất chỉ cần nghiên cứu thiết kế ra chiếc ô tô mà mình thích bằng máy tính với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI), sau đó đưa vật liệu vào máy in 3D để in ra sản phẩm đó thay thế cho việc sản xuất một chiếc ô tô phải lắp ráp nhiều chi tiết ở nhiều nơi/quốc gia khác nhau như hiện nay) quá trình sản xuất này cũng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng tiết kiệm tài nguyên. Bên cạnh đó, khi các phương tiện này được trang bị trí tuệ nhân tạo và Internet kết nối vạn vật với các cảm biến thông minh thì chúng có thể tự điều khiển không người lái kết nối với hệ thống giao thông thông qua công nghệ định vị toàn cầu. Hiện nay, nhiều quốc gia đã sản xuất và đưa vào sử dụng ô tô không người lái, máy bay không người lái, thậm chí Uber đã đưa vào sử dụng các ô tô không người lái tại Mỹ cũng như một số nước châu Âu. Sự phát triển này dẫn tới các quy định pháp luật về an toàn giao thông sẽ phải thay đổi theo để điều chỉnh cho phù hợp với các phương tiện giao thông không người lái cả đường bộ và đường không. Hơn nữa, vừa qua xe ô tô không người lái của Uber đã gây ra tai nạn chết người tại Mỹ dẫn tới Uber đã phải tạm dừng hoạt động của các phương tiện này và sự kiện này đặt ra vấn đề pháp lý là trách nhiệm của Uber trong vụ việc này đến đâu, liệu vụ việc này có ảnh hưởng đến sự phát triển của công nghệ xe không người lái? Không chỉ trong lĩnh vực giao thông, lĩnh vực quốc phòng cũng đi đầu trong việc chế tạo ra ô tô không người lái, máy bay không người lái, các rô bốt ứng dụng công nghệ AI và IoT phục vụ cho mục đích quân sự. Vấn đề đặt ra là mức độ an toàn của nó đến đâu, chuyện gì sẽ xảy ra nếu các công nghệ này bị tấn công mạng/hoặc chiếm quyền điều khiển mạng, liệu con người có thể kiểm soát các thiết bị mang trí tuệ nhân tạo hay không?

Thứ năm, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 đến kiểm soát ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực năng lượng

Cùng với quá trình phát triển kinh tế, nhu cầu sử dụng năng lượng điện, đặc biệt là năng lượng tái tạo ngày càng gia tăng. Ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 vào lĩnh vực năng lượng sẽ mang lại nhiều ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch, như: than đá, dầu mỏ ngày càng cạn kiệt. Theo đó những nguồn năng lượng mới hữu ích và thân thiện môi trường hơn, như: năng lượng sức gió, năng lượng địa nhiệt, năng lượng thủy triều, năng lượng mặt trời sẽ được sử dụng phổ biến, an toàn và hiệu quả hơn. Ví dụ: Ứng dụng vật liệu mới vừa làm vật liệu xây dựng lại vừa có thể tạo ra điện năng lấy từ năng lượng mặt trời (ngói tesla), hay pin Powerwall (lithium-Ion) xếp chồng có khả năng tích trữ điện năng cho các hộ gia đình, doanh nghiệp, thậm chí là cung cấp điện cho lưới điện,... Con người cũng có thể sản xuất ra ô tô điện, ô tô chạy bằng khí hydro, các phương tiện này được hỗ trợ bởi công nghệ Internet kết nối vạn vật thúc đẩy phát triển nền kinh tế chia sẻ như: Uber hay Grab taxi, tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu và thân thiện với môi trường, chi phí thấp. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ rô bốt trang bị trí tuệ nhân tạo, công nghệ cảm biến tích hợp Internet kết nối vạn vật sẽ giúp chúng ta có thể quản lý được hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân, thủy điện hay nhiệt điện,… Từ đó góp phần phòng ngừa, phát hiện ô nhiễm môi trường; tham gia vào quá trình phân tích, dựa báo đưa ra phương án để xử lý ô nhiễm môi trường cũng như trực tiếp tham gia vào quá trình bảo vệ môi trường. Do vậy, trong lĩnh vực này các quy định pháp luật cần hướng tới thúc đẩy phát triển các loại năng lượng mới, sạch, thân thiện môi trường; giảm thiểu dần các nguồn năng lượng gây ô nhiễm môi trường và ứng dụng các công nghệ vào kiểm soát ô nhiễm môi trường do hoạt động năng lượng gây ra.

Có thể thấy ô nhiễm môi trường là vấn đề không của riêng quốc gia nào. Ô nhiễm môi trường tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế các quốc gia, đến sức khỏe, tính mạng, đời sống của con người và sinh vật. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này chủ yếu là do hoạt động kinh tế của con người, như hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ, sản xuất năng lượng,… Muốn kiểm soát được ô nhiễm môi trường chúng ta cần phải kiểm soát được nguyên nhân gây ra ô nhiễm. Ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, đặc biệt là thành tựu vĩ đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để kiểm soát các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường có vai trò đặc biệt quan trọng. Nên việc nhận diện, dự báo tác động các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 đến các hoạt động gây ô nhiễm môi trường là chìa khóa để xây dựng, hoàn thiện pháp luật về vấn đề này nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường hiệu quả, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành, hướng tới phát triển bền vững đất nước./.

TS. Bùi Đức HiểnViện Nhà nước và Pháp luật

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/van-hoa-xa-hoi/2018/51813/tac-dong-cua-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-40-den-cac-hoat.aspx