Tác động của kinh tế ban đêm đến phát triển bất động sản du lịch

Trên thế giới, phát triển kinh tế ban đêm đã thúc đẩy BĐS du lịch phát triển. Nếu Việt Nam phát triển được loại hình này, nó sẽ không chỉ là 'gà đẻ trứng vàng', sản phẩm đắt giá giữ chân du khách, kinh tế ban đêm còn là đòn bẩy quan trọng giúp gia tăng BĐS khu vực.

Dư địa phát triển lớn

Theo một nghiên cứu của Ernst & Young (E&Y), ngành công nghiệp về đêm đóng góp khoảng 6% GDP của nước Anh, tương đương 66 tỷ bảng Anh, tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm. Nền kinh tế ban đêm mang lại 102 tỷ USD cho Australia mỗi năm và ước tính đạt quy mô 400 tỷ Yên tại Nhật Bản vào năm 2020. Kinh tế ban đêm cũng đóng góp cho Thái Lan 57 tỷ USD. Còn tại Việt Nam mang về nguồn thu lớn khoảng 8,3 tỷ USD thuế mỗi năm.

Rõ ràng, kinh tế đêm đã mang lại những giá trị lớn, thúc đẩy đời sống kinh tế, xã hội; tạo giá trị thặng dư, góp phần thu hút ngoại tệ; tăng việc làm cũng như dịch vụ, tiêu dùng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Phùng Văn Năng, Cố vấn cấp cao HĐQT công ty Hưng Lộc Phát, tại Việt Nam, kinh tế ban đêm còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tận dụng được văn hóa địa phương - một trong các yếu tố quan trọng hấp dẫn du khách, chưa tạo được nhiều sản phẩm phong phú, hệ sinh thái. Đặc biệt là chính sách, cơ sở hạ tầng chưa phù hợp để phát triển kinh tế ban đêm.

Theo ghi nhận, tổng lượng khách du lịch của Việt Nam năm 2018 đạt 95,5 triệu khách, trong đó khách quốc tế đạt hơn 15,5 triệu lượt. Các địa phương như Tp.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Thuận, Đà Nẵng, Nha Trang thu hút được lượng khách du lịch đông nhất. Đây cũng chính là những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhất.

Lợi thế phát triển của các địa phương này là nhiều tài nguyên du lịch, điểm đến ưa thích nhiều du khách quốc tế, tiềm năng văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc, có dân số trẻ và mức độ hội nhập toàn cầu hóa cao…

“Nếu một vùng đất đẹp hấp dẫn du khách đến thăm thì kinh tế ban đêm chính là sản phẩm “đỉnh” giúp giữ chân du khách và tối đa hóa lợi nhuận cho ngành du lịch”, ông Năng chia sẻ.

Lợi ích kinh tế khổng lồ và tiềm năng gia tăng giá trị bất động sản (BĐS) vượt trội mà nền kinh tế đêm mang lại khiến nhiều doanh nghiệp (DN) địa ốc bắt đầu tìm hướng phát triển mô hình kinh doanh này tại các dự án BĐS của mình.

Thúc đẩy phát triển BĐS du lịch

Theo kinh nghiệm của các chuyên gia, khách trong hay ngoài nước đến du lịch ở các địa phương đều muốn có những trải nghiệm không chỉ là nghỉ ngơi mà còn khám phá. Do đó, mỗi du khách ở lại là tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu mỗi ngày của khách du lịch.

Lấy ví dụ như Phú Quốc, sản phẩm “đinh” hút khách rất mạnh của Phú Quốc hiện nay là chợ đêm Phú Quốc. Tính ra, mỗi ngày chợ đêm đã mang về cho Phú Quốc khoảng hơn 10 tỷ đồng. Chưa kể, giá trị BĐS và dịch vụ xung quanh chợ đêm này trong bán kính 1km đã tăng lên 300%.

Tại địa phương khác như khu phố đêm như Bùi Viện ở Tp.HCM, hay Tạ Hiện ở Hà Nội luôn là địa điểm hấp dẫn du khách thập phương. Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu các bộ liên quan và các địa phương chủ động nghiên cứu chính sách kinh tế ban đêm. Theo các chuyên gia, kinh tế đêm có thể chiếm đến 70% doanh thu của du lịch, giúp tăng trưởng GDP và giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động.

Phố đi bộ Bùi Viện TP. HCM là mô hình kinh tế ban đêm nổi bật tại Việt Nam

Bởi tiềm năng giao thương đắt giá mang lại lợi ích kinh tế khổng lồ và gia tăng giá trị BĐS vượt trội, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã bắt đầu tìm hướng phát triển mô hình kinh doanh này tại các dự án BĐS của mình. Nhiều dự án BĐS lớn đang triển khai các tổ hợp thương mại giải trí đêm ấn tượng như Shophouse Europe ở Hạ Long, Mũi Né Summerland Resort ở Bình Thuận…

Theo ông Năng, để phát triển kinh tế ban đêm, chính quyền và doanh nghiệp cần xây dựng các loại hình giải trí, trung tâm mua sắm, ẩm thực, giải trí, các hoạt động vui chơi nhằm thu hút khách du lịch, khách hàng trẻ.

Đặc biệt, để phát triển thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng phục vụ cho kinh tế ban đêm, các nhà phát triển BĐS cần có một tầm nhìn chiến lược, đầu tư bài bản như đầu tư hạ tầng của dự án đồng bộ, xây dựng đầy đủ các tiện ích và mô hình giải trí để thu hút khách du lịch, xây dựng các công trình kiến trúc và cảnh quan đặc sắc và đặc biệt là cần chú ý xây dựng môi trường sống.

Theo Ts. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện nay đang thiếu khuôn khổ pháp lý và còn sự dè dặt của cơ quan nhà nước và địa phương trong phát triển kinh tế ban đêm. Để kinh tế ban đêm có thể trở thành khu vực kinh tế hiện đại, có tính chuyên nghiệp, cần thiết phải sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa một số tập đoàn BĐS lớn và chính quyền địa phương.

Thủy Tiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tac-dong-cua-kinh-te-ban-dem-den-phat-trien-bat-dong-san-du-lich-post71729.html