Tác động của lối sống với việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi các chế định pháp luật hiện nay

Sự đa dạng, uyển chuyển của lối sống và sự chặt chẽ, 'khô cứng' của những chế định pháp luật là hai biểu hiện hành vi rõ nhất trong mỗi con người, mỗi cộng đồng. Sự dung hòa và ứng biến này trong từng không gian cụ thể thể hiện rất rõ trong tư duy và tính cách người Việt. Nhận diện những hành vi đó có ý nghĩa định hướng, dẫn dắt dư luận đồng thuận hướng đến những chế định pháp luật tiến bộ, văn minh nhưng không xa rời, đứt gãy với truyền thống.

1. Nếu như đời sống văn hóa là khái niệm chỉ sự vận động khách quan thì lối sống lại gắn với một chủ thể văn hóa nào đó. Là khái niệm không xa lạ đối với mọi người, nhưng cho đến nay, cách hiểu về lối sống không phải vì thế mà có sự đồng nhất.Dưới góc độ triết học, lối sống là một phạm trù rộng lớn bao gồm nhiều hoạt động sống của con người, từ những sinh hoạt vật chất đến tinh thần.Trong một xã hội có giai cấp, lối sống thể hiện một kiểu sinh hoạt của cá nhân và cộng đồng nhất định.Nói đúng hơn đó là một dạng thức văn hóa trong một không gian và thời gian xã hội nào đó.

Trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức, Mác và Ănghen cho rằng: Không nên nghiên cứu phương thức sản xuất đơn thuần theo khía cạnh là sự sản xuất ra sự tồn tại thể xác của cá nhân. Mà hơn thế, nó là một hình thức hoạt động nhất định của sự biểu hiện đời sống của họ, một phương thức sinh sống nhất định của họ.

Nhận định trên của Mác nhấn mạnh đến việc: muốn biết rõ lối sống của một cá nhân, một cộng đồng thì phải tìm cơ sở của nó từ phương thức sản xuất của con người ở hai bình diện chủ yếu là ứng xử với thiên nhiên và ứng xử với xã hội. Tuy nhiên, hoạt động của lối sống trong thực tiễn lại phong phú hơn nhiều bởi lối sống thể hiện trong rất nhiều chiều cạnh của đời sống kinh tế, đời sống chính trị, trong hoạt động tư tưởng và văn hóa.

Trong một công trình nghiên cứu của mình, nhà văn hóa học, GS. Vũ Khiêu từng định nghĩa: Lối sống là một phạm trù xã hội, khái quát toàn bộ hoạt động của các dân tộc, các giai cấp, các nhóm xã hội, các cá nhân trong những điều kiện của một hình thái kinh tế - xã hội nhất định, và biểu hiện trên các mặt của đời sống: trong lao động và hưởng thụ, trong quan hệ giữa người với người, trong sinh hoạt tinh thần và văn hóa(1).

Liên quan và nằm trong cấu trúc của khái niệm lối sống có khái niệm nếp sống và lẽ sống.So với lối sống, khái niệm nếp sống hẹp hơn nhưng tính ổn định cao hơn. Nếp sống là những hành vi được lặp đi lặp lại nhiều lần, trở thành nếp, thành thói quen và trong một xã hội nó có thể trở thành phong tục tập quán nếu được mọi người chấp nhận và tuân thủ như một giá trị. Trong khi đó khái niệm lẽ sống nói đến ý thức, lý tưởng của con người khi lựa chọnmột cách sống nào đó. Lối sống có thể là cơ sở đầu tiên để hình thành lẽ sống nhưng đến lượt nó, lẽ sống lại dẫn dắt lối sống bằng ánh sáng trí tuệ của nó. Lẽ sống trả lời câu hỏi: sống để làm gì? sống vì cái gì? Tức là nó biểu đạt một quan niệm sống, một lý tưởng sống, một thái độ lựa chọn định hướng giá trị cuộc sống của bản thân. Nó chứa đựng trong đó cả mục đích, động cơ, nhu cầu và lý tưởng sống của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc trong một giai đoạn phát triển nhất định của lịch sử(2).

Trong đời sống hằng ngày, lối sống biểu hiện diện mạo của một con người hoặc một nhóm người. Nó mang những yếu tố đặc trưng cho một kiểu sống nào đó, chính vì vậy mà người ta thường dùng hai khái niệm văn hóa và lối sống đi liền nhau, có thể là văn hóa lối sống hoặc lối sống văn hóa. Chẳng hạn, lối sống nông thôn không giống đô thị; lối sống dân tộc thiểu số không giống người Kinh; lối sống người nông dân không giống người công nhân, không giống giới trí thức... Tuy nhiên, không nên đồng nghĩa lối sống nào cũng đều là lối sống văn hóa, nếu như những biểu hiện trong hành vi không mang những phẩm chất tốt đẹp.

Với bản chất như vậy, lối sống có tác động nhất định vào các hoạt động xã hội ở cả 2 chiều hướng tích cực và tiêu cực, trong đó có luật pháp với tư cách là những chế định bắt buộc. Suy cho cùng, sự tác động này nói đến mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và pháp luật.

Từ chế định theo nghĩa HánViệt là “Lập ra, làm ra và giữ cho đúng”. Từ khi xã hội loài người hình thành, để quản lý xã hội thì phải có những quy định, chế ước, khế ước xã hội.Những định chế này, ban đầu có thể tồn tại trong dân gian, truyền miệng (bất thành văn), nhưng sau này đã được văn bản hóa (thành văn) ở nhiều hình thức, trong đó hình thức chặt chẽ nhất là pháp luật.

Trong xã hội loài người, luật pháp ra đời sau văn hóa và đạo đức.Chính vì vậy, việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi các chế định do pháp luật đưa ra có liên quan mật thiết đến văn hóa và lối sống trong từng nhóm người cụ thể.Nhưng lối sống suy cho cùng là những thói quen của cá nhân và cũng là thói quen của một cộng đồng nào đó. Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt cho rằng: Con người luôn luôn phải tồn tại trong một cộng đồng người, một nước, một khu vực nhất định. Trong cuộc sống chung như thế, người ta buộc phải tuân thủ những quy tắc nhất định, thành văn hoặc bất thành văn. Những quy tắc này bao trùm tất cả các lĩnh vực: đạo đức, thẩm mỹ... Trong số đó, có những quy tắc dần dần được cá nhân thừa nhận và trở thành thói quen.Đó là lối sống cá nhân.Có những quy tắc được thừa nhận rộng rãi trong nội bộ một cộng đồng nào đó.Chúng được người ta tuân thủ gần như vô điều kiện, gần như một lẽ đương nhiên.Đó là lối sống cộng đồng.

Như vậy, dù sao thì giữa lối sống và các chế định pháp luật có một điểm chung là những quy tắc nhưng điểm khác nhau là quy tắc bất thành văn và quy tắc thành văn. Chính vì vậy, sự tác động của lối sống vào các chế định có tích cực hay không tích là nằm ở ranh giới này.

2. Việt Nam là quốc gia đang phát triển và đang đối diện với nhiều thách thức trong việc xử lý mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, giữa thói quen, lối sống và chế định pháp luật.

Trong lĩnh vực kinh tế, lối sống, thói quen tích cực của người Việt Nam như tiết kiệm trong chi tiêu, cần cù, chịu khó trong lao động, sản xuất… có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, cũng chính lối sống này ở nhiều khía cạnh, đã làm cản trở sự phát triển của cá nhân và cộng đồng. Từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, mặc dù chúng ta đã xây dựng, hoàn thiện khá nhiều luật nhưng quá trình thực thi các chế định pháp luật vẫn còn gặp nhiều cản trở do những tập quán, thói quen lạc hậu, khó thay đổi của người Việt. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa nhanh và thiếu bền vững.

Trong lĩnh vực chính trị, lối sống, thói quen tích cực của người Việt Nam như lòng yêu nước, tính cộng đồng, tinh thần dân tộc… đã đóng góp to lớn vào những thắng lợi trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, các giá trị đó tiếp tục góp phần vào ổn định chính trị. Tuy nhiên, cũng chính những đứctính đó khi xuất phát từ động cơ cá nhân, cục bộ, bè phái, “địa phương chủ nghĩa”… lại gây ra những rối ren trong xã hội và hệ thống chính trị, làm giảm sút lòng tin của người dân đối với luật pháp, với chế độ.

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, tính tích cực của lối sống, thói quen, truyền thống của người Việt Nam như tinh thần hiếu học, tương thân tương ái, duy tình… đã góp phần rất lớn vào quá trình bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, bảo vệ cộng đồng, phát triển xã hội. Song, cũng chính những tư duy đó, thói quen đó khi phát huy theo hướng cực đoan lại cản trở việc thực thi các chế định pháp luật, sẵn sàng bỏ qua các chế định pháp luật để đạt mục đích cá nhân, lợi ích nhóm...

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.Việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi các chế định pháp luật ngày càng cao hơn để đáp ứng cho mục tiêu hội nhập, phát triển là một yêu cầu tất yếu.

Vì vậy, việc nhận diện và đề xuất những giải pháp để giải quyết những mâu thuẫn trong lối sống, thói quen, tập tính của người Việt là công việc vừa mang tính trước mắt vừa mang tính lâu dài.

Trước hết, phát huy tối đa tính tích cực, giá trị của lối sống người Việt Nam trong xây dựng và hoàn thiện các chế định pháp luật.Đây là quy luật tất yếu của khoa học luật pháp. Việt Nam chịu ảnh hưởng văn hóa phương Đông khá sâu đậm, cho nên trong quá trình hướng đến văn minh, phương Tây hóa nhất định phải học hỏi và sử dụng luật pháp của phương Tây. Tuy nhiên, để các chế định pháp luật đi vào đời sống, được người dân tin dùng thì phải kế thừa các giá trị truyền thống, trong đó có lối sống văn hóa, tính đặc thù của từng tộc người cụ thể. Sẽ không thể có một chế định pháp luật nào đủ cơ sở tồn tại khi xa lạ với chính môi trường sống, môi trường văn hóa, tính cộng đồng được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Có một thực tế là, lâu nay, ở một số phương diện chúng ta vẫn phê phán lối sống, thói quen “phép vua thua lệ làng” trong nông thôn Việt Nam, nhưng lại vẫn chấp nhận một cách bất thành văn cách quản lý xã hội theo luật tục của ngươìdân tộc thiểu số và hương ước của người Kinh.

Thứ hai, việc thực thi các chế định pháp luật phải thật sự nghiêm minh. Thực tế cho thấy, chúng ta đã xây dựng và hoàn thiện rất nhiều chế định luật pháp nhưng ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, việc thực hiện không nghiêm, chưa “giữ cho đúng” đã từng bước làm mất đi vai trò hiệu lực của pháp luật. Người Việt Nam có năng lực thích nghi cao, đồng thời cũng có “biệt tài” về “lách luật”, làm mềm hóa các chế định pháp luật. Thời gian gần đây, nhiều vụ án kinh tế lớn xảy ra, nhiều vụ việc chính trị vẫn được coi là đúng quy trình nhưng thực tế là vi phạm pháp luật có nguyên nhân chính xuất phát từ lối sống, thói quen “ăn sâu, bám rễ” trong tư duy của người Việt! Một trong những hành vi đáng nói nhất chính là lối sống, thói quen “xin - cho”. Chẳng hạn, trong kinh tế, chúng ta đã có luật đấu thầu, nhưng chỉ cần tờ trình (thực chất là “xin”) và cấp trên đồng ý (thực chất là “cho”) là chuyển sang chỉ định thầu; chúng ta thấy bổ nhiệm cán bộ này là sai quy định nhưng vì một lý do nào đó xin ý kiến cấp trên và được sự đồng ý thì bổ nhiệm vẫn đúng quy trình; tình trạng “con ông cháu cha” dù không có năng lực trình độ nhưng vẫn được “cất nhắc, sắp đặt” là do tư duy, thói quen “một người làm quan cả họ được nhờ” gây bức xúc trong dư luận lâu nay vẫn chưa được xử lý triệt để.

Thứ ba, phải đổi mới, bổ sung những định chế để phù hợp với lối sống mới. Đời sống luôn thay đổi, tư duy thay đổi và xuất hiện nhiều khuôn mẫu sống mới từ bên ngoài và cũng mất dần những thói quen không còn phù hợp từ nội tại. Những người làm luật phải quan sát sự biến đổi của đời sống xã hội, tâm trạng xã hội, tâm lý tộc người, tâm lý đám đông để xây dựng và hoàn thiện các chế định ràng buộc. Thực tế cho thấy có những chế định không thể thực thi bởi chính sức mạnh của lối sống, của phong tục, tập quán, thuần phong mỹ tục. Chẳng hạn, trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chúng ta không thể quy định một cách rõ ràng trang phục như thế nào là phù hợp hay vi phạm thuần phong mỹ tục. Gần đây, do thiếu những chế định rõ ràng nên khi xuất hiện một số sinh hoạt mới du nhập từ bên ngoài vào (như biểu diễn ca nhạc đường phố…) lại xử lý lúng túng. Chính vì vậy, để xây dựng, hoàn thiện và thực thi các chế định pháp luật một cách khoa học, chúng ta cần dùng công cụ tuyên truyền, truyền thông để định hướng, dẫn dắt dư luận đồng thuận hướng đến những chế định pháp luật tiến bộ, văn minh nhưng không xa rời, đứt gãy truyền thống./.

-----------------------------------------

(1) Vũ Khiêu: Văn hóa Việt Nam, xã hội và con người, Nxb. Khoa học xã hội, H, 2011. tr. 514. (2) Khoa Văn hóa XHCN, Phân viện Báo chí và tuyên truyền: Giáo trình Lý luận văn hóa Mác - Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa

Bài đăng trên Tạp chí Tuyên giáo số 11/2018

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/tac-dong-cua-loi-song-voi-viec-xay-dung-hoan-thien-va-thuc-thi-cac-che-dinh-phap-luat-hien-nay-116768