Tác động kép cho ngành mía đường

Việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan được cho là mang lại tác động nhiều mặt với cả người nông dân, doanh nghiệp sản xuất đường, doanh nghiệp sử dụng đường làm nguyên liệu và Nhà nước.

Quyết định phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan mang lại hiệu quả tích cực

Quyết định phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan mang lại hiệu quả tích cực

Hiệu quả lớn từ quyết định kịp thời

Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, ngay sau khi thực thi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ tháng 2/2020, đã có một lượng đường nhập khẩu rất lớn (chủ yếu từ Thái Lan) tràn vào Việt Nam. Trong năm 2020, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam (gồm cả nhập khẩu chính ngạch và đường lậu) lớn kỷ lục, ước tính tương đương với sản lượng đường của Việt Nam sản xuất được ở thời điểm đỉnh cao (khoảng 1,5 triệu tấn).

Trước sự ồ ạt của đường nhập khẩu, Bộ Công Thương đã vào cuộc điều tra. Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ, kết quả điều tra của Bộ Công thương cho thấy, lượng đường nhập khẩu chính thống từ Thái Lan vào Việt Nam năm 2020 ước tính khoảng 860.000 tấn, so với trước khi hội nhập ATIGA, tăng gấp khoảng 3,5 lần. Đây là một mức tăng nhập khẩu rất lớn và bất thường.

Điều đáng nói, là giá đường Thái Lan bán vào Việt Nam phá giá thấp hơn cả giá thành sản xuất ra một tấn đường. Trong khi Thái Lan bán phá giá đường vào Việt Nam với mức giá chỉ khoảng từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, thì người tiêu dùng của Thái Lan vẫn phải ăn đường Thái Lan với giá khoảng 17.000 - 18.000 đồng/kg. Trước sức ép của đường Thái Lan bán phá giá, hoặc vào Việt Nam theo con đường nhập lậu, gian lận thương mại thông qua Lào, Campuchia, đường sản xuất ở trong nước không thể cạnh tranh, không bán được, tồn kho lớn, nhiều nhà máy gặp khó khăn, kinh doanh thua lỗ. VSSA cho biết, trước đây, cả nước có khoảng 40 nhà máy đường hoạt động, mấy năm gần đây, đã có nhiều nhà máy phải đóng cửa, hiện chỉ còn khoảng hơn 20 nhà máy đường duy trì được hoạt động.

Trong bối cảnh đó, Quyết định số 477/QĐ-BCT ngày 9/2/2021 của Bộ Công Thương về việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan (Quyết định 477) được nhận định là mang lại những hiệu quả rất lớn, là “tấm lá chắn” hiệu quả cho người nông dân và doanh nghiệp ngành mía đường Việt Nam.

Tại tọa đàm trực tuyến “Cơ hội và thách thức cho ngành mía đường” do Báo Nhân dân Điện tử tổ chức mới đây, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An nhận định, trước thực trạng đường nhập lậu và đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan, bước đầu các cơ quan chức năng đã kịp thời đưa ra các biện pháp, giải pháp nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành mía đường Việt Nam, trong khi vẫn bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và ATIGA.

Trong các giải pháp đó, giải pháp áp thuế phòng vệ thương mại (PVTM) là một trong những biện pháp tích cực. Biện pháp thứ 2 là tiến hành điều tra, khởi kiện các sự việc bán phá giá, trợ cấp quá mức. Từ đó, nông dân Việt Nam có thể bán được mía giá tốt, thu lãi lớn; đồng thời các nhà máy mía đường cũng vượt qua được giai đoạn khó khăn và có điều kiện để tăng tốc phát triển.

Thực tế, vụ 2020-2021, nhiều nhà máy đã tăng giá thu mua mía cho bà con nông dân. Đơn cử, Công ty Mía đường Lam Sơn (Nghệ An) đã thông báo giá mua mía trước vụ ép là 1.000.000 đồng/tấn với chữ đường 10 CCS (CCS-Commercial cane sugar - hàm lượng % đường có trong mía) tại ruộng, cao hơn giá trong vùng 200.000 đồng/tấn và cao hơn so với vụ trước 2019-2020 là 150.000 đồng/tấn.

Tại Gia Lai, giá mía, giá đường đều tăng; giá mía tăng trên 100-200 nghìn đồng/tấn với chữ đường là 10 CCS, được nhà máy hỗ trợ chi phí vận chuyển, thu hoạch, mía sạch. Mỗi ha nông dân lãi 30-50 triệu đồng. Giá đường tăng gần 50% khoảng trên 4.000 đồng/kg so với năm 2020 (những vụ trước nhà máy, nhiều gia đình trồng mía bị lỗ, hoặc hòa vốn hoặc có lãi không đáng kể).

Cần giải pháp mạnh tay hơn

Đối với nông dân, việc áp thuế PVTM là cần thiết để nông dân bám trụ với cây mía, có thể bán được mía giá tốt, tăng thêm thu nhập. Đối với các doanh nghiệp sản xuất sử dụng đường làm nguyên liệu và người tiêu dùng, việc áp thuế giá PVTM cao trong ngắn hạn sẽ khiến giá thành sản xuất các sản phẩm từ đường như bánh kẹo, nước ngọt… gia tăng, gây khó khăn cho doanh nghiệp sử dụng đường và người tiêu dùng.

Tuy nhiên về dài hạn, việc áp thuế sẽ giúp tạo nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định cho các doanh nghiệp sản xuất có sử dụng đường làm nguyên liệu trong nước, đồng thời giúp cho giá đường ổn định không phụ thuộc bởi bên ngoài.

Việc áp thuế cũng giúp tạo ra một môi trường kinh doanh canh tranh công bằng và sòng phẳng hơn cho ngành mía đường Việt Nam, tăng thuế cho ngân sách quốc gia. Đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, an ninh lương thực, trật tự ở các vùng nông thôn, ổn định chính trị tại các địa phương (đặc biệt là các vùng biên giới) khi cây mía được xem là cây trồng độc canh.

Ông Nguyễn Văn Lộc nhấn mạnh, ngay khi Bộ Công Thương quyết định điều tra (tháng 9/2020), giá đường sản xuất trong nước đã được cải thiện, mở ra cho doanh nghiệp và người nông dân một tương lai mới. Giá đường trong nước cải thiện có lợi cho sản xuất, các nhà máy đường đã nâng giá mua mía cho nông dân kể từ đầu niên vụ 2020-2021, người nông dân rất phấn khởi. Đây là một quyết định mang lại sự hồi sinh cho ngành mía đường Việt Nam.

“Nếu trong năm 2020 và đầu năm 2021, Bộ Công thương không đưa ra được quyết định điều tra, quyết định áp thuế tạm thời chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan, thì niên vụ 2020-2021 có lẽ sẽ là vụ sản xuất cuối cùng của ngành mía đường Việt Nam” - ông Lộc nhấn mạnh.

Ở góc độ doanh nghiệp sản xuất, ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi (QNS) chia sẻ, dù Bộ Công thương mới có quyết định tạm thời áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan, song hoạt động của các nhà máy đường đã có những cải thiện, có điều kiện để duy trì vùng nguyên liệu. Nông dân trồng mía và doanh nghiệp tin tưởng vào Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ sản xuất trong nước đúng pháp luật khi hội nhập quốc tế. Ông Đàng kiến nghị, Bộ Công Thương cần sớm kết luận và chính thức áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan.

Ngày 12/5/2021, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương (Cơ quan điều tra) đã tổ chức buổi tham vấn công khai (dưới hình thức trực tuyến) liên quan đến vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan. Bộ Công thương khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình để đưa ra các phương án xử lý phù hợp, đúng đắn.

BT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doanh-nghiep/tac-dong-kep-cho-nganh-mia-duong/433022.vgp