Tác động từ dịch Covid-19 tới thị trường vàng và chứng khoán: Sau cơn sóng gió sẽ là bình yên

Từ nửa cuối tháng 12-2019, những bất ổn trên toàn cầu, nhất là từ khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) bùng phát đã khiến thị trường vàng, chứng khoán trong nước có những diễn biến phức tạp. Giống như nhiều lĩnh vực kinh tế khác, trải qua những cơn sóng tác động do dịch bệnh sẽ là cơ hội để hai thị trường tái cơ cấu lại để phát triển theo hướng lành mạnh, bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế.

Theo xu hướng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước tăng và giữ ở mức cao do tác động của dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Khuê Diệp

Thị trường vàng: Diễn biến phức tạp

Từ cuối tháng 12-2019 và những tháng đầu năm 2020, thị trường vàng diễn biến phức tạp. Nhiều thời điểm, giá vàng thế giới tăng vượt lên mốc 1.570 USD/ounce, giá vàng trong nước cũng tăng theo. Nếu lấy ngưỡng 1.570 USD/ounce của giá thế giới để so với thời điểm đầu năm 2019, giá vàng tăng khoảng 22%, tương đương 280 USD/ounce. Quy đổi ra giá vàng trong nước theo tỷ giá của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), vàng thế giới đạt 43,5 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế, phí...

Theo xu hướng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng tăng và giữ ở mức cao. Cụ thể, tại Hà Nội, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC vào thời điểm lúc 14h ngày 13-2 là 43,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,32 triệu đồng/lượng (bán ra).

Giá vàng diễn biến phức tạp là do thế giới vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều nhân tố bất ổn, cả về kinh tế lẫn địa chính trị; căng thẳng Mỹ - Iran; cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa rõ ràng; đặc biệt là dịch bệnh do Covid-19 khiến nhà đầu tư tìm đến vàng như tài sản trú ẩn an toàn... Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, thị trường vàng trong nước sẽ biến động theo xu hướng của giá vàng thế giới. "Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế cũng có thể khiến giá vàng được đẩy lên. Mặt khác, tình hình dịch bệnh do Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, cũng như các nền kinh tế khác. Trước các khó khăn đó, nhiều quốc gia có thể sẽ áp dụng các chính sách kích thích kinh tế bằng cách tăng cung tiền hoặc cắt giảm thuế, điều này cũng có thể khiến giá vàng tăng", ông Trần Thanh Hải phân tích.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ - Luật sư Bùi Quang Tín, giá vàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên luôn biến chuyển phức tạp. Cũng bởi vậy, vàng là kênh đầu tư nhiều rủi ro, nhà đầu tư nên cân nhắc đổ tiền vào vàng trong năm 2020.

Về phía nhà đầu tư, chị Nguyễn Ngọc Ánh (chung cư Seasons Avenue, Hà Đông, Hà Nội) lại cho rằng, thị trường vàng trong nước sẽ biến động tăng, giảm theo xu hướng của giá vàng thế giới. Vàng có thể trở thành kênh đầu tư được tính đến trong năm 2020 khi thị trường chứng khoán có xu hướng giảm giá trong những ngày đầu năm, thị trường bất động sản đang chịu một số tác động bất lợi từ chủ trương thắt chặt tín dụng của ngân hàng.

Thị trường chứng khoán sẽ sớm diễn biến tích cực. Ảnh: Khuê Diệp

Chứng khoán: Sẽ sớm ổn định

Nhìn lại diễn biến thực tế dễ thấy, thị trường chứng khoán đã có những chuỗi ngày tăng điểm vững chắc từ đầu năm 2020 nhờ được hỗ trợ bởi nhiều thông tin kinh tế tích cực trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra trên diện rộng khiến chỉ số chung trên sàn thành phố Hồ Chí Minh giảm sâu. Đặc biệt, phiên ngày 3-2, có thời điểm VN-Index giảm tới hơn 40 điểm (tương đương giảm gần 4,8%) về 891 điểm - mức thấp nhất của chỉ số này từ cuối năm 2017. Chỉ trong 3 phiên sau đợt nghỉ dài, VN-Index giảm tới 6,4%.

Sau ba phiên sụt giảm mạnh, thị trường có những phiên tăng giảm đan xen và gần đây có nhiều phiên tăng điểm nhưng mức tăng không mạnh.

Theo nhà đầu tư Nguyễn Văn Huy (chung cư An Bình City, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm), diễn biến như vừa qua của thị trường chứng khoán trong nước là điều dễ hiểu bởi thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với những thông tin tích cực và không tích cực.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận, mức giảm sâu trên, ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh còn do yếu tố cộng dồn sau kỳ nghỉ dài. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã có phần phản ứng thái quá bởi tại một số nước có phát hiện ca nhiễm dịch bệnh do Covid-19 thời điểm đó chỉ số chứng khoán cũng không giảm đến mức như vậy.

Còn ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho rằng, trong bối cảnh chung trên thế giới, việc thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm là điều khó tránh khỏi, bởi tâm lý lo ngại về dịch bệnh bao trùm nhiều lĩnh vực. Thị trường chứng khoán là nơi phản ứng rất nhạy với các biến cố của đời sống xã hội.

Mặc dù vậy, thị trường được dự báo sớm ổn định trở lại và diễn biến tích cực. Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho rằng, dịch bệnh do Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại đã được phản ánh vào giá cổ phiếu trong những phiên giảm sâu vừa qua. Thị trường giảm sâu, cổ phiếu đã về mức hấp dẫn nên sẽ thu hút lực bắt đáy gia tăng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, công nghệ, thép được dự báo hoạt động kinh doanh tốt trong năm nay. Bên cạnh đó, các ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do Covid-19. Đây sẽ là những yếu tố tích cực cho thị trường. Chuyên gia này khuyến cáo nhà đầu tư có lượng tiền mặt dồi dào nên cân nhắc mua cổ phiếu vào thời điểm này.

Để hỗ trợ thị trường chứng khoán, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, trong ngắn hạn, Bộ sẽ chủ động theo dõi diễn biến tình hình chứng khoán trong nước, quốc tế; yêu cầu Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, các trung tâm lưu ký chứng khoán tăng cường công tác giám sát, thực hiện báo cáo hằng ngày và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý hành vi trục lợi, tung tin đồn gây thất thiệt.

Về dài hạn, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo các cơ quan quản lý tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại thị trường chứng khoán, phát triển hiệu quả hơn, năng động hơn. Đồng thời, tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát xử lý vi phạm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo lòng tin cho công chúng, giúp thị trường phát triển theo hướng lành mạnh, bền vững.

Góc nhìn

Thời cơ để tái cơ cấu

Hà Vân

(HNM) - Những căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc, tình hình tại Triều Tiên, quan hệ Mỹ - Iran và đặc biệt là dịch bệnh do Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay, được coi là nguyên nhân dẫn đến các “cơn sóng” cho thị trường vàng và chứng khoán. Xem tiếp »

Hương - Nga

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/tai-chinh/958460/tac-dong-tu-dich-covid-19-toi-thi-truong-vang-va-chung-khoan-sau-con-song-gio-se-la-binh-yen