Tác dụng bất lợi trên thận và xương của thuốc trị HIV

Nhiễm HIV trong thời gian dài và sử dụng các thuốc điều trị HIV có thể gây bệnh thận và giảm mật độ khoáng trong xương.

Nhiễm HIV trong thời gian dài và sử dụng các thuốc điều trị HIV có thể gây bệnh thận và giảm mật độ khoáng trong xương. TS. Hadigan và cộng sự tại Viện nghiên cứu quốc gia bệnh truyền nhiễm và dị ứng Maryland, Hoa Kỳ đã tiến hành phân tích kết quả của hai nghiên cứu thuần tập tiến cứu trên bệnh nhân vị thành niên và bệnh nhân trẻ tuổi nhiễm HIV từ khi mới sinh hoặc từ nhỏ để đánh giá tác động của nhiễm HIV và thuốc điều trị HIV lên chức năng thận và xương ở những bệnh nhân này. Hai nghiên cứu được thực hiện trên 65 bệnh nhân HIV trẻ tuổi sử dụng thuốc điều trị HIV với thời gian theo dõi trung bình là 15,8 năm; trong đó, 57% số bệnh nhân có tải lượng virut dưới 40 copies/ml và nhóm đối chứng gồm 23 bệnh nhân không nhiễm HIV. Kết quả cho thấy, mật độ khoáng trong xương ở nhóm bệnh nhân nhiễm HIV là 1,15g/cm 2 , thấp hơn đáng kể so với nhóm không nhiễm HIV là 1,21 g/cm 2 ; đồng thời NTX-telopeptid niệu (cho thấy mức độ hủy xương), osteocalcin (cho thấy mức độ chuyển hóa xương) và hormon cận giáp (PTH) đều tăng ở nhóm bệnh nhân nhiễm HIV. Didanosin và stavudin đã được ghi nhận gây giảm mật độ khoáng trong xương trong khi các thuốc điều trị HIV khác không gây ra tác dụng bất lợi này. Sự giảm mức lọc cầu thận cũng đã được ghi nhận liên quan đến thời gian sử dụng tenofovir.

Theo TS. Hadigan, cần xem xét cả hiệu quả và độc tính của các thuốc điều trị HIV và theo dõi những chỉ số liên quan đến chức năng thận và mật độ khoáng trong xương của bệnh nhân theo thời gian. Bên cạnh đó, tiến sĩ cũng nhấn mạnh cần có những nghiên cứu dọc theo dõi bệnh nhân nhiễm HIV từ khi mới sinh đến khi trưởng thành với thiết kế nghiên cứu chặt chẽ hơn để khẳng định những phát hiện trên.

DS. Trần Thúy Ngần

((Medscape, 6/2017))

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/tac-dung-bat-loi-tren-than-va-xuong-cua-thuoc-tri-hiv-n133208.html