Tác dụng của cây xấu hổ

Cây xấu hổ có mặt ở khắp bãi sông, ven đường, nương rẫy, ruộng bỏ hoang, tuy là cây dại nhưng lại có tác dụng tốt với sức khỏe, dưới đây tác dụng của cây xấu hổ ít người biết.

Cây xấu hổ hay còn gọi là cây mắc cỡ, cây thẹn, cây trinh nữ, hàm tu thảo,... Tên khoa học của cây mắc cỡ là Mimosa pudica L, thuộc họ đậu (Fabaceae). Cây mắc cỡ không phải là cây trinh nữ hoàng cung nên bài viết này sẽ không phân tích về công dụng của cây trinh nữ hoàng cung. Dưới đây là những tác dụng của cây xấu hổ.

Tổng quan về cây xấu hổ

Cây xấu hổ là cây thân thảo, sống lâu năm. Khi mới sinh trưởng, cây thường mọc thẳng, hướng lên trên nhưng khi trưởng thành, cây thường bò lan trên mặt đất. Thân cây nhỏ, phân thành nhiều cành nhánh, chiều dài có thể lên tới 1,5m; thân và nhánh có nhiều gai móc. Lá xấu hổ hình lông chim, khi chạm vào sẽ tự động khép lại. Hoa xấu hổ mọc từ nách lá, cuống dài, hoa nhỏ với màu tím đỏ hình cầu. Quả xấu hổ hình ngôi sao, nhiều lông cứng, mọc tụ thành chùm.

Miền Nam và Trung Mỹ là "quê hương" của cây xấu hổ. Hiện tại, loại dược liệu này khá phổ biến ở các nước châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia,... Ở nước ta, cây xấu hổ hay học ở ven đường, bãi đất trống hoặc bờ sông.

Tuy là cỏ dại nhưng cây xấu hổ có nhiều tác dụng

Tuy là cỏ dại nhưng cây xấu hổ có nhiều tác dụng

Tất cả các bộ phận của cây xấu hổ có thể được sử dụng làm dược liệu. Người ta thường thu hái cành và lá cây xấu hổ vào mùa khô để dùng tươi hoặc dùng hô. Rễ xấu hổ có thể thu hái quanh năm, sau khi đào thì mang đi rửa sạch, thái mỏng rồi phơi khô dùng dần. Dược liệu từ cây mắc cỡ sau khi phơi khô cần được bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát, tránh ẩm. Thỉnh thoảng nên mang dược liệu ra phơi nắng để tránh ẩm mốc.

Tác dụng của cây xấu hổ

Theo Đông y, cây xấu hổ tác dụng trừ phong thấp, bổ tâm an thần, chống viêm, chống sởi... Đặc biệt, cây xấu hổ dùng có hiệu quả nhất trong trị bệnh về thận, tiết niệu và phong tê thấp. Sau đây là một số bài thuốc trị bệnh có cây xấu hổ:

Trị đau mỏi lưng, tiểu buốt, tiểu dắt: xấu hổ, thủy long, biển súc, cây cối xay mỗi vị 20g; thương nhĩ 16g. Sắc uống ngày 1 thang.

Trị khớp gối bị đau nhức kéo dài, hạn chế vận động: rễ cỏ xước, rễ cây xấu hổ, nam tục đoạn mỗi vị 20g; kinh giới, ngải diệp, đơn hoa, mỗi vị 16g; quế vỏ 10g. Các vị cho vào nồi, đổ 1 lít nước, sắc lọc bỏ bã lấy 350ml, chia 2 lần uống trong ngày.

Trị viêm khớp cấp tính: Người bệnh khớp sưng đau đột ngột, sốt, người mệt mỏi, ăn uống kém. Dùng bài: cây xấu hổ, cà gai leo, nam tục đoạn, rễ cỏ xước, rễ cúc tần, thổ phục linh, mỗi vị 20g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Nếu mất ngủ, gia: hắc táo nhân, lá vông mỗi vị 16g.

Nếu trong bụng đói cồn cào, xót ruột, gia: hoài sơn, liên nhục, mỗi vị 16g; cam thảo 10g.

Nếu người bệnh đau, rát họng, gia: cát cánh, mạch môn, kinh giới mỗi vị 16g.

Đau thần kinh vai, cổ do nhiễm phong hàn: cây xấu hổ, rễ bưởi bung, mỗi vị 20g; phong phong, kinh giới, thiên niên kiện, tất bát, mỗi vị 12g; tục đoạn, ngũ gia bì, rễ cúc tần, mỗi vị 16g; quế vỏ, trần bì, mỗi vị 10g; tế tân 6g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Trị tiểu buốt, tiểu dắt do bàng quang bị thấp nhiệt: cây xấu hổ, mã đề thảo, đinh lăng, dấp cá, mỗi vị 20g; chi tử, hoàng cầm, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Trị sỏi thận: rễ cây xấu hổ, ích mẫu, kim tiền thảo, đinh lăng, thài lài tía mỗi vị 20g; cây cối xay 16g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần. Nên uống từ 5 - 8 ngày.

Trị căng thẳng thần kinh, stress: cây xấu hổ, tang diệp, đinh lăng, mỗi vị 20g; thảo quyết minh (sao kỹ), xuyên khung, đương quy, mỗi vị 16g; táo tàu 5 quả. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Lưu ý: Cây có độc tính liều nhẹ nên không nên sử dụng số lượng lớn và liên tục. Tuyệt đối không sử dụng cho phụ nữ có thai.

Trên đây là những tác dụng của cây xấu hổ, hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn.

Hạ An(Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tac-dung-cua-cay-xau-ho-ar771219.html