Tác giả bài thơ 'Thời hoa đỏ' qua đời

Tác giả bài thơ “Thời hoa đỏ”, nhà thơ Thanh Tùng, đã qua đời lúc 21h50 ngày 12/9 tại nhà riêng ở TP.HCM sau gần 1 năm chống chọi với căn bệnh ung thư dạ dày, hưởng thọ 83 tuổi.

Chia sẻ với báo Vnexpress, chị Lan Hương, con gái nhà thơ Thanh Tùng, cho biết sau gần một năm chống chọi bệnh ung thư dạ dày, bố chị đã ra đi nhẹ nhàng trong vòng tay của gia đình.

"Bố tôi chỉ thuần là một nhà thơ, một thi sĩ. Ông sống không ganh đua với ai, không bon chen, tính toán thiệt hơn mà luôn giữ sự hồn nhiên, lãng tử. Ông luôn chịu đựng sự nghèo túng một cách vui vẻ, lạc quan. Ông yêu thơ nên coi sự nghèo khổ, rách rưới chỉ là một thử thách, rồi sẽ có lúc vượt qua. Đời ông luôn coi trọng tình bạn và thơ ca. Tinh thần và nghị lực của ông đã truyền cho tôi có được cuộc sống như ngày hôm nay", chị Hương xúc động nói.

Nhà thơ Thanh Tùng - tác giả bài thơ "Thời hoa đỏ" qua đời, hưởng thọ 83 tuổi. Ảnh chụp nhân sinh nhật 80 tuổi của ông.

Trước đó, chiều 12/9, nhà thơ có dấu hiệu yếu dần, thỉnh thoảng chảy nước mắt nhìn người thân.

Theo thông tin từ nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang, Linh cữu nhà thơ Thanh Tùng được quàn tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, quận 3); lễ viếng bắt đầu từ lúc 10h sáng ngày 13/9; lễ động quan vào lúc 12h ngày 15/9 (nhằm 24/7 Âm lịch); sau đó thi hài ông sẽ được đưa đi an táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.

Nhà thơ Thanh Tùng, tên thật là Doãn Tùng, sinh năm 1935 tại Mỹ Lộc, Nam Định, nhưng trưởng thành ở thành phố Hải Phòng. Vì vậy, ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng viết về Hải Phòng. Năm 1995, ở tuổi 60, Thanh Tùng chuyển vào định cư tại TP.HCM.

Nhà thơ Thanh Tùng là nhà thơ tiêu biểu xuất thân từ công nhân, tác giả những bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc, đặc biệt là Thời hoa đỏ. Năm 1997, ông được Hội Nhà văn Việt Nam cử sang Hy Lạp đại diện giao lưu, đọc thơ với đại biểu các nước khác.

Vợ của nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời vào năm 1989 vì bệnh tim, để lại cho ông hai người con, một trai, một gái. Năm đó, chị Lan Hương - con gái đầu của ông - được khoảng 15 tuổi. Suốt những năm tháng dài về sau, dù vẫn trải qua vài rung cảm lãng mạn, Thanh Tùng không kết hôn lần nữa. Ông một mình nuôi hai con khôn lớn dù phải trải qua nhiều vất vả, cực nhọc.

Bài thơ Thời hoa đỏ được nhà thơ Thanh Tùng viết năm 1972, sau đó được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ thành nhạc phẩm cùng tên nổi tiếng, in chung cùng một số tập thơ, đến năm 2001 nhà thơ Thanh Tùng mới có tập thơ in riêng đầu tiên là “Thời hoa đỏ”, được tái bản năm 2016. Tập thơ này cũng đã được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002.

Ngoài ra nhà thơ Thanh Tùng có nhiều tác phẩm được phổ nhạc như bài Người về, Hà Nội ngày trở về và Mùa thu giấu em của Phú Quang. Riêng bài Hà Nội ngày trở về có câu hát "Vội vã trở về, vội vã ra đi" đã trở thành cửa miệng của nhiều người. "Phải thừa nhận, Thanh Tùng đã có những câu thơ thật thi sĩ, đọc một lần thì ám ảnh khôn nguôi. Ngoài cái tứ, thơ Thanh Tùng cũng giàu nhạc điệu", Phú Quang từng chia sẻ.

Thời hoa đỏ

Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao

Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng

Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh

Chẳng chịu cho lòng ta yên

Anh mải mê về một màu mây xa

Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ

Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa

Em hát một câu thơ cũ

Cái say mê của một thời thiếu nữ

Mỗi mùa hoa đỏ về

Hoa như mưa rơi rơi

Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi

Như máu ứa một thời trai trẻ

Hoa như mưa rơi rơi

Như tháng ngày xưa ta dại khờ

Ta nhìn sâu vào mắt nhau

Mà thấy lòng đau xót

Trong câu thơ của em

Anh không có mặt

Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết

Anh đâu buồn mà chỉ tiếc

Em không đi hết những ngày đắm say

Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ

Không cho ai có thể lạnh tanh

Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ

Như vết xước của trái tim

Sau bài hát rồi em lặng im

Cái lặng im rực màu hoa đỏ

Anh biết mình vô nghĩa đi bên em

Sau bài hát rồi em như thể

Em của thời hoa đỏ ngày xưa

Sau bài hát rồi anh cũng thế

Anh của thời trai trẻ ngày xưa.

Mai Linh (Tổng hợp)

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/nha-tho-thanh-tung-tac-gia-bai-tho-thoi-hoa-do-qua-doi-p54022.html