Tác giả 'Bồ câu cô đơn' qua đời

Tác giả của 'Bồ câu cô đơn' đồng thời là nhà biên kịch tài ba của 'Chuyện tình núi Brokeback', Larry McMurtry, đã qua đời ở tuổi 84 tại nhà riêng ở Mỹ.

Larry McMurtry là tác giả của hơn 30 tiểu thuyết, chủ yếu lấy bối cảnh ở miền Tây xưa cũ hoặc ở Texas đương đại. Các tiểu thuyết nổi tiếng của ông có thể kể đến Horseman, Passby (1962), The Last Picture Show (1966), Terms of Endearment (1975) và đều được dựng thành phim. Những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của ông được đề cử Oscar tổng cộng 34 lần trong đó có 13 lần đoạt giải.

Nhà văn Larry McMurtry chụp năm 2013. Ảnh: Leslie Nestor Miranda / FilmMagic.

Người khổng lồ của văn học Mỹ

"McMurtry là một trong những người khổng lồ của văn học Mỹ, với truyền thống kể chuyện về miền Tây phong phú", ông Jeremy Trevathan của Nhà xuất bản Macmillan tại Anh nghẹn ngào chia sẻ.

"Ông ấy là một người yêu sách thực sự, đã dành cả cuộc đời của mình không chỉ với tư cách là một nhà phê bình và tiểu thuyết gia, mà còn là một người bán sách, cặm cụi tìm tòi những cuốn sách hiếm. Ông ấy rất xứng đáng với hình ảnh một quý ông lịch lãm và là 'người đàn ông của những lá thư', điều vô cùng hiếm hoi trong thời đại bùng nổ mạng Internet như ngày nay".

McMurtry, sinh ra và lớn lên ở Texas, xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình, Horseman, Passby vào năm 1962. Cuốn sách lấy bối cảnh tại trang trại chăn nuôi gia súc ở một thị trấn phía bắc Texas, bộ phim chuyển thể sau này tên là Hud, có sự tham gia của Paul Newman trong vai chính.

Cuốn tiểu thuyết thứ ba của ông, The Last Picture Show, có bối cảnh giống Horseman, Passby, là câu chuyện về tuổi trẻ mộng mơ. Bộ phim cùng tên năm 1971 với sự góp mặt của Jeff Bridges và Cybill Shepherd đã đưa tên tuổi McMurtry được biết đến rộng rãi.

Cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer đầu tiên của ông vào năm 1984 là Bồ câu cô đơn, theo chân những người kiểm lâm nghỉ hưu chăn hàng đàn gia súc khổng lồ từ Texas đến Montana, sau đó đã được dựng thành một loạt phim truyền hình ngắn tập và giành được 18 đề cử giải Emmy với 7 lần chiến thắng.

Hình ảnh trong phim Chuyện tình núi Brokeback do McMurtry biên kịch. Ảnh: Thinkmagazine.

Nhà văn của miền Tây nước Mỹ

Ông cùng nhà văn Diana Ossana đã chuyển thể truyện ngắn Chuyện tình núi Brokeback vào năm 2005, sau đó phim được 8 đề cử cho giải Oscar với 3 chiến thắng, bao gồm Kịch bản chuyển thể xuất sắc cho McMurtry và Diana Ossana.

"Tôi đã viết Bồ câu cô đơn và thấy nó được đón nhận nhiệt liệt, tuyệt vời hơn thế nữa, nó xứng đáng là cuốn tiểu thuyết xuất sắc trong sự nghiệp của tôi", McMurtry đã dành những ngôn từ hay nhất để ngợi ca Bồ câu cô đơn trong cuốn hồi kí của mình, Literary Life. "Cuốn sách giống như Cuốn theo chiều gió của miền Tây vậy, tuy nhiên, nó chưa thể xứng tầm tượng đài trong lòng người đọc được", ông chia sẻ.

Năm 2015, tổng thống Mỹ Barack Obama đã trao Huân chương Nhân văn Quốc gia cho McMurtry vì ông đã viết nên một Texas chân thực từ chính những kinh nghiệm sống của mình. Cuộc sống nơi miền Tây cổ kính của nước Mỹ qua những câu chuyện của ông trở nên vô cùng sống động và đẹp đẽ.

Bồ câu cô đơn một câu chuyện tình yêu và thiên anh hùng ca của vùng biên giới, là cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất viết về những con người quật cường, chuộng tự do, yêu thiên nhiên khoáng đạt. Độc giả hẳn sẽ tìm ra điều gì đó quan trọng trong tâm hồn của chính họ, ngay cả khi họ chưa bao giờ đặt chân đến miền Tây.

McMurtry nói rằng ông không hề muốn tô vẽ những người cao bồi thành hình tượng anh hùng hay gì cả. "Đối với tôi, điều đó thật phù phiếm và tôi nghĩ rằng cố gán mác mỹ miều là không phải với cha tôi, mặc dù ông ấy sẽ chẳng bao giờ quan tâm tôi viết cái gì. Cha tôi có ấn tượng tốt với những anh chàng cao bồi, những con người phiêu lưu, từng trải. Hầu hết người làm việc cùng với ông đều như vậy và họ giúp đỡ ông rất nhiều, trong suốt cuộc đời ông. Nhưng cha tôi hiểu rằng thế hệ khác sẽ chẳng thể nào hiểu được điều đó".

Bên cạnh vai trò là một tiểu thuyết gia, McMurtry còn tỏa sáng dưới hình ảnh một người bán sách cổ, với bộ sưu tập cổ thư của ông hơn 30.000 cuốn, "là một thành tựu ngang bằng nếu không muốn nói nhỉnh hơn rất nhiều so với văn nghiệp của tôi".

Khi McMurtry nhận giải Oscar năm 2006 cho Kịch bản chuyển thể xuất sắc của Chuyện tình núi Brokeback, ông đã nhân dịp này cảm ơn những người bán sách và chia sẻ, "hãy nhớ rằng Chuyện tình núi Brokeback là một cuốn sách hay trước khi coi nó là một bộ phim đoạt giải. Từ những cuốn sách bìa mềm nép bóng tại những hiệu sách nhỏ đến những cuốn sách được khoác áo ngoài lộng lẫy tại các cửa hàng sầm uất trên thế giới, chúng đều góp phần xây dựng một văn hóa đọc cho nhân loại, một nét đẹp tuyệt vời mà chúng ta không được để mất".

Hạnh Nguyễn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tac-gia-bo-cau-co-don-qua-doi-post1197717.html