Tác giả Nguyệt Chu: Mỗi người viết đều có tạng riêng

___________________________________________________________________________________________

Nguyệt Chu là tác giả xuất hiện với nhiều truyện ngắn đậm đặc cảm xúc. 13 truyện ngắn trong tập “Chiếc khăn của mẹ” vừa được NXB Văn học in và phát hành cho thấy chị rất vững về đặc tả tâm trạng nhân vật. Phóng viên có cuộc trao đổi với tác giả Nguyệt Chu.

- Đọc truyện ngắn của chị, thấy cảm xúc đầy ắp. Miêu tả và cảm xúc có phải là thế mạnh trong văn của chị?

- Đọc truyện ngắn của chị, thấy cảm xúc đầy ắp. Miêu tả và cảm xúc có phải là thế mạnh trong văn của chị?

- “Không gia đình” của nhà văn Hector Malot là cuốn tiểu thuyết đầu tiên tôi đọc từ khi còn nhỏ. Tôi đã khóc rất nhiều trước cảnh ngộ bất hạnh của cậu bé Remy, ông già Vitalis, trước cái chết của con chó Đôn xơ, Decbino, con khỉ Giolico rồi cuối cùng là con chó Capis cả một đời trung thành, tận tuy. Ngập tràn trong kí ức tôi là những cánh rừng lá kim mênh mông tuyết trắng, là những bước chân bơ vơ giữa đêm hoang lạnh, đói rét, cô độc của kiếp nghệ sĩ xiếc rong, một già một trẻ bám víu vào nhau và cùng bầu bạn với bầy thú nhỏ. Câu chuyện ấy ám ảnh tôi, nó hằn in trong trí nhớ non nớt và tạo nên một xúc cảm mạnh mẽ từ những hình ảnh tươi đẹp bậc nhất và cũng đau đớn đến tột cùng. Để từ đó về sau, với tôi, văn chương, trước hết là câu chuyện của cảm xúc, là sự kết nối của những hình ảnh mang đến cho người đọc sự rung động mãnh liệt.

Mỗi khi viết một câu chuyện, tôi thường nhắm mắt và tưởng tượng ra nó. Lúc ấy, trong đầu tôi hiện ra một cuốn phim quay chậm và tôi sẽ viết những thứ tôi đang nhìn thấy hay chính là miêu tả lại khung cảnh đang hiện ra trong đầu tôi. Cũng là tả đấy, nhưng cách tả của tôi thường là nhìn từ lăng kính của xúc cảm. Xúc cảm sẽ chi phối hiện thực chứ không phải là hiện thực đơn thuần như nó vốn có.

Như thế cũng có thể nói miêu tả và cảm xúc là thế mạnh trong văn của tôi. Theo tôi nghĩ, nếu văn không chú trọng yếu tố miêu tả và cảm xúc thì sẽ rất dễ rơi vào khô cứng, kém sự mềm mại, tinh tế, khó tìm thấy những câu văn đẹp. Vì quan điểm của tôi là, dù có kể câu chuyện gì đi chăng nữa thì một truyện ngắn hay phải là một truyện ngắn đẹp, đẹp từ nội dung đến hình thức. Tôi thường nghe nhiều nhà văn nhận xét rằng truyện của người này có văn, của người kia không có văn. Sao lại vậy? Rõ ràng, truyện là văn rồi! Nhưng “văn” ở đây muốn nói đến vẻ đẹp của ngôn từ. Mà nếu không có xúc cảm tinh tế thì rất khó để có “văn” trong truyện.

- Nhưng truyện ngắn bây giờ ở nhiều báo có dung lượng ngắn, nếu cứ diễn biến dài quá thì không thể in được. Chị có lo không hợp “gu” thì truyện ngắn của mình sẽ không được đăng tải trên nhiều báo?

- Một câu chuyện đầy đặn với những diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật, những cảnh huống éo le của đời sống thì chắc hẳn tốn nhiều giấy mực, tất nhiên không phải là kiểu dài lê thê, lan man, dây cà ra dây muống. Và giờ để in những truyện ngắn như vậy cũng chỉ có vài tờ văn nghệ như báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội hay tạp chí Sông Hương. Tuy nhiên, tôi cũng không lo lắm về chuyện có hợp “gu” với nhiều báo hay không. Bởi viết trước hết là thỏa mãn cái Tôi của mình nên phải nói hết được cái gì mình cần nói, chứ phải bó mình trong một khuôn khổ, một giới hạn thì cứ như người bị chặt mất tay mất chân vậy (cười). Nhưng nói như vậy không có nghĩa là tôi không viết truyện với dung lượng ngắn để in ở những tờ báo khác. Khi xác định viết cho tờ nào thì tôi đã có sự chuẩn bị trước để điều chỉnh sao cho phù hợp. Ví dụ gửi đến báo Nhân dân cuối tuần, Thời Nay hay Người lao động thì tôi chỉ viết 2000 chữ thôi.

Nói chung là mình cũng cần phải linh hoạt để khỏi bị “ế”!

- Chị mạnh về dòng truyện lịch sử. Tập truyện “Chiếc khăn của mẹ” lại tập trung vào đề tài xã hội. Khi viết chị có thấy thiếu tự tin?

- Những truyện đầu tiên tôi viết không phải truyện lịch sử mà là truyện có đề tài xã hội. Nếu như viết truyện lịch sử, tôi có khát vọng kiến tạo một lịch sử qua lăng kính chủ quan của mình, nỗ lực lấp đầy những góc khuất, những điểm mờ của lịch sử bằng sự tưởng tượng, hư cấu thì khi viết truyện đời sống xã hội, tôi viết về cuộc sống của chính mình, gia đình, làng xóm, quê hương thân thuộc của tôi, những mảnh đời xung quanh tôi, hạnh phúc có mà đau khổ cũng nhiều. Viết truyện lịch sử, tôi phải tạo được không gian cảnh cũ người xưa, cách đây hàng trăm năm, hàng nghìn năm, đã trở thành xa lạ hay rơi vào quên lãng với nhiều người. Điều đó chắc chắn sẽ khó hơn việc viết về không gian gần gũi hằng ngày mà chúng ta đang sống. Thế nên, tôi cảm thấy mình không hề thiếu tự tin một chút nào khi viết về đề tài này. Nó tự nhiên như hơi thở, cơm ăn, nước uống, những công việc hằng ngày mà mỗi chúng ta đều phải trải qua.

- Nhưng truyện ngắn cũng không nên “một màu” quá. Chị có ý định thay đổi, viết theo một kiểu khác, hơn là cứ để cảm xúc chảy tràn, có chỗ không điều tiết mà để cảm xúc lấn át mạch truyện. Thậm chí là lấn át cả cốt truyện, khiến cốt truyện bị mờ?

- Văn học Việt Nam hiện đại, bên cạnh các nhà văn hiện thực như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Vũ trọng Phụng là các nhà văn lãng mạn như nhóm Tự Lực văn đoàn. Bên cạnh kiểu truyện đào sâu vào hiện thực xã hội là kiểu truyện đào sâu vào hiện thực tâm trạng. Muốn tìm một cốt truyện hấp dẫn, ly kỳ trong tác phẩm của Thạch Lam thì quá khó. Với những chuyện đời thường, Thạch Lam viết truyện không có cốt truyện, mỗi truyện như một bài thơ trữ tình đượm buồn. Từ Hai đứa trẻ, Dưới bóng hoàng lan đến Nhà mẹ Lê hay Sợi tóc, tất cả là những cung bậc của sắc màu tâm trạng.

Hay như Kawabata trong văn học Nhật Bản, Kundera trong văn học Tiệp Khắc..., tác phẩm của họ được mờ hóa theo những dòng xúc cảm của nhân vật, yếu tố cốt truyện nhiều khi bị đẩy lùi. Đọc truyện, độc giả như lạc vào một miền sương khói huyền ảo, mông lung.

Thứ nữa, mỗi nhà văn có một tạng riêng của mình. Để thay đổi là rất khó và khi đã thay đổi thì nó sẽ không còn là mình nữa.

Tuy nhiên, tôi nghĩ cũng sẽ nên thử, xem sự thay đổi ấy có phù hợp với mình không. Nếu không, tôi vẫn đi theo con đường của mình, nơi mà tôi phát huy được sở trường một cách trọn vẹn.

- Xin trân trọng cảm ơn!

_______________________________________________________________________________________

Nguyễn Văn Học (thực hiện)

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tac-gia-nguyet-chu-moi-nguoi-viet-deu-co-tang-rieng-69940