Tác giả tựa sách du lịch từng bán chạy nhất của Lonely Planet

Nhà văn Joe Cummings là 'cha đẻ' của hàng loạt những cuốn hướng dẫn du lịch nổi tiếng. Chỉ riêng quyển đầu tay viết về Thái Lan của ông bán được hơn 2 triệu bản trên thế giới.

Gần đây, nhà xuất bản Lonely Planet đóng cửa văn phòng ở Melbourne (Australia) và London (Anh), cũng như hủy phát hành mọi tạp chí và tựa sách không phải loại hướng dẫn du lịch.

Thực ra, điều này không mấy ngạc nhiên khi tất cả doanh nghiệp du lịch lữ hành đều gặp thiệt hại nặng nề ở thời điểm này. Dịch Covid-19 khiến các quốc gia đóng cửa biên giới, cảng hàng không ngừng hoạt động và người dân trên khắp thế giới phải ở nhà.

Tuy nhiên, sau 25 năm viết sách hướng dẫn du lịch cho Lonely Planet, tôi vẫn cảm thấy khá buồn. Chắc hẳn, với bản thân tôi và những người từng du lịch khắp thế giới với cuốn sách hướng dẫn trên tay, việc đóng cửa nhà xuất bản Lonely Planet báo hiệu cho sự khép lại của một kỷ nguyên rực rỡ.

 Cuốn Southeast Asia on a Shoestring ở những năm 1970. Ảnh: Golding/Fairfax Media.

Cuốn Southeast Asia on a Shoestring ở những năm 1970. Ảnh: Golding/Fairfax Media.

Năm 1977, tôi đang trên đường tới Thái Lan với tư cách là một tình nguyện viên của Tổ chức Hòa bình. Đó là lần đầu tiên tôi đọc cuốn Southeast Asia on a Shoestring (tạm dịch: Du lịch bụi ở Đông Nam Á).

Mặc dù thông tin còn sơ sài và hầu hết bản đồ trong sách không dùng được, tôi rất ấn tượng với sự cố gắng thực hiện của tác giả.

Sau khi trở về Mỹ, tôi bắt đầu viết cho The Asia Record, một tờ báo chuyên về các vấn đề ở Đông Nam Á. Tôi cũng đăng ký theo học một chương trình thạc sĩ tại Đại học California.

Cuối năm 1980, tôi gửi kế hoạch thực hiện cuốn hướng dẫn du lịch Thái Lan trực tiếp cho Tony Wheeler, vị giám đốc kiêm nhà sáng lập Lonely Planet. Thật bất ngờ, Wheeler cho biết ông cũng đang tìm người viết về chủ đề này.

Wheeler đề nghị tôi thực hiện cuốn sách với mức giá 9.000 USD.

Tác giả Cummings ở Lào vào những năm 1990. Ảnh: Joe Cummings.

Lên đường khám phá Thái Lan hoang sơ

Giống như tôn chỉ hoạt động của Lonely Planet, mục đích của tôi là tránh việc đi du lịch “nửa mùa” càng nhiều càng tốt. Chúng tôi hướng tới những độc giả muốn có những trải nghiệm đặc biệt khi đi du lịch.

Kể từ cuốn Guide to Bangkok with Notes on Siam (tạm dịch: Chỉ dẫn du lịch Bangkok với ghi chú của Siam) ra mắt năm 1928, thế giới chưa từng có ấn bản hướng dẫn về du lịch Thái Lan bằng tiếng Anh nào.

Trước đó, có một vài quyển hướng dẫn bằng tiếng Pháp hoặc Đức nhưng họ thường hướng người đọc tới việc thuê xe và tài xế riêng, cũng như ở tại khách sạn hạng nhất.

Ngoài mấy bộ quần áo, vài cuốn sổ tay và một máy ảnh phim SLR, tôi xách túi lên đường tới Thái Lan.

Ba anh em ở đoàn hài kịch nhà Mandalay cùng bức ảnh chụp lưu niệm với tác giả Cummings từ thế kỷ trước. Ảnh: Joe Cummings.

Đối với những nơi như Chiang Mai, Ayutthaya và Phuket, Tổng cục Du lịch Thái Lan đã có những bản thông tin chi tiết về các điểm tham quan và khách sạn. Tuy nhiên, tôi thường tự tìm chỗ ở và trực tiếp trò chuyện với người dân địa phương tại các khu chợ.

Bởi là du khách da trắng hiếm hoi nơi đây, tôi thường được mời ăn mì hay uống rượu whiskey Thái cùng, đặc biệt ở các chợ đêm. Họ cũng nhiệt tình giới thiệu các địa điểm tham quan như thác nước, bảo tàng, tượng đài khi tôi hỏi thăm về những địa điểm hoặc hoạt động thú vị quanh đây.

Thông thường sẽ có người tình nguyện đưa tôi đi thăm thú trên chiếc xe máy, miễn là tôi trả tiền ăn và tiền xăng. Ở những thị trấn nhỏ không có khách sạn, tôi ngủ luôn trên sàn nhà của một tu viện Phật giáo địa phương.

Mặc dù đã có dịp du lịch vòng quanh Thái Lan hồi làm tình nguyện viên năm 1977, tôi vẫn có những trải nghiệm mới mẻ khi quay trở lại đây. Có lẽ bởi tôi không còn bị giới hạn ngày nghỉ phép như trước nữa.

Đường Khao San trở thành điểm thu hút khách du lịch bụi lớn nhất thế giới vào những năm 1990. Ảnh: Christophe Archambault/AFP.

Tôi nhớ mãi hồi lái chiếc xe máy Yamaha cũ nát chạy dọc trên con đường đất từ Chiang Mai tới Mae Hong Son. Phong cảnh từ những đỉnh núi đá gồ ghề và rừng tre đẹp như thiên đường vậy.

Tháng 4/1981, sau Lễ Songkran, ngày Tết truyền thống của người Thái, tôi dành đêm đầu tiên ở thị trấn Pai (tỉnh Mae Hong Son) ở khách sạn Wiang Pai. Khách sạn được làm hoàn toàn bằng gỗ. Hồi tưởng lại khoảng thời gian ấy, tôi thấy mình như sống trong cuốn tiểu thuyết của nhà văn Graham Greene.

Cuối tháng 4, tôi tới Koh Samui bằng thuyền và khám phá hòn đảo này trên con đường đất duy nhất chạy vòng quanh đảo. Ban đêm, tôi ngủ thiếp đi trong những túp lều bằng tre với tiếng sóng vỗ rì rào ngoài biển. Tôi tự hỏi bản thân đã may mắn tới chừng nào khi được tận hưởng khung cảnh hoang sơ vùng nhiệt đới tuyệt vời nhường này.

Các khách sạn ở Bangkok thời đó rất rẻ mặc dù chỉ nằm cách các địa điểm tham quan vài bước chân. Sau này, khi trở lại đây để viết phần hiệu chỉnh cho cuốn tái bản, chúng đều cháy phòng. Đường Khao San đã trở thành trung tâm thu hút khách du lịch bụi lớn nhất thế giới vào giữa những năm 1990.

Thái Lan cách đây hơn 30 năm. Ảnh: Doi Kuro.

Sau 10 tuần, tôi trở về California và tiến hành viết cuốn Thailand - A travel survival kit (tạm dịch: Bí kíp sinh tồn khi du lịch Thái Lan). Sau khi được xuất bản, nó nhanh chóng trở thành tựa sách được bán chạy nhất ở Lonely Planet và tiếp tục giữ vững danh hiệu đó trong hơn 20 năm tiếp theo.

“Được đó, việc này thật phù hợp với tôi. Tôi đã tìm thấy mục tiêu của đời mình”, tôi tự nhủ với bản thân như vậy.

Ngay lập tức, tôi từ bỏ dự định học tiến sĩ ở Trường nghiên cứu về châu Phi và phương Đông tại London (Anh). Kể từ giây phút ấy, tôi dành hết tâm huyết viết về du lịch, ẩm thực, nghệ thuật, văn hóa và tôi chưa bao giờ hối hận.

Nhìn lại sau 30 năm

Trong thời điểm nghỉ dịch, tôi có dịp xem lại cuốn Thailand - A travel survival kit, nay có tên là Lonely Planet Thailand. Tôi nhận thấy có nhiều nội dung giờ đây không còn phù hợp với xu thế hiện tại, và Lonely Planet đã xóa bỏ chúng trong những lần tái bản sau đó.

Trang tiểu sử về tác giả Cummings ở ấn bản đầu tiên của cuốn hướng dẫn du lịch Thái Lan. Ảnh: Joe Cummings.

Ngoài Thái Lan, tôi được thuê để viết thêm thông tin bổ sung cho những ấn bản trước đó về các quốc gia khác của nhà xuất bản, bao gồm Myanmar, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia…

Bhutan là quốc gia duy nhất mà Lonely Planet chưa viết sách hồi đó nên ban giám đốc cũng đề nghị tôi làm luôn. Tuy nhiên tôi từ chối do khối lượng công việc quá nặng, và đó trở thành nỗi tiếc nuối lớn nhất của tôi.

Mặc dù tôi chuyển sang viết thể loại khác ngoài sách hướng dẫn du lịch, niềm đam mê khám phá thế giới của tôi chưa bao giờ mất đi.

Ajahn Buddhadasa, một nhà sư nổi tiếng người Thái Lan, từng nói với tôi: “Anh biết vì sao anh thích du lịch không? Khi anh rời đi, chẳng có gì thuộc về anh. Nhưng khi anh trở về nhà, có quá nhiều thức ràng buộc anh khiến anh cảm thấy bí bách”.

Tác giả Joe Cummings hiện tại. Ảnh: Joe Cummings.

Hồng Chang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tac-gia-tua-sach-du-lich-tung-ban-chay-nhat-cua-lonely-planet-post1080201.html