Tác hại 'khó đo đếm' của tôm càng đỏ

Thời gian gần đây, tôm càng đỏ (hay còn gọi là tôm hùm đất) từ nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam dưới nhiều hình thức. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, đây là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai xâm hại, khi phát tán ra môi trường, chúng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến đa dạng sinh học và gây hậu quả nặng nề cho nông nghiệp nước ta. Vì thế, tôm càng đỏ không được phép kinh doanh tại Việt Nam, tiêu thụ loài tôm này là vi phạm quy định của pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản.

300kg tôm càng đỏ chứa trong 15 thùng xốp được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai phát hiện và bắt giữ ngày 12-5, tại khu vực biên giới Nậm Thi, thôn Bản Quẩn, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Trung Dũng

300kg tôm càng đỏ chứa trong 15 thùng xốp được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai phát hiện và bắt giữ ngày 12-5, tại khu vực biên giới Nậm Thi, thôn Bản Quẩn, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Trung Dũng

Tôm càng đỏ có đặc điểm hai càng đỏ, thân màu xanh sẫm đến nâu đất, cơ thể dài khoảng 17cm, đầu và ngực được vỏ che kín, bụng có 6 đốt và đuôi hình cánh quạt xòe ra thành 5 phần, là động vật thuộc lớp giáp xác, sống trong môi trường nước ngọt. Tôm càng đỏ có xuất xứ từ Bắc Mỹ với khoảng 500 loài tôm hùm đất khác nhau và nhiều tên gọi khác nhau, nhưng tên chung của loài này là Crayfish, với tên tiếng Anh là Crawfish và tên khoa học là Procambarus clarkii.

Tôm càng đỏ được du nhập vào Nhật Bản, Trung Quốc từ khoảng những năm 30 của thế kỷ 20. Hiện, Trung Quốc là nơi sản xuất loài tôm này lớn nhất thế giới. Tôm càng đỏ từng được nuôi thử nghiệm tại Phú Thọ từ năm 2012, nhưng ngay sau đó, loài tôm này được các nhà khoa học xác định là loài thủy sinh ngoại lai xâm hại và không nhân giống phát triển.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôm càng đỏ là loài sống khỏe, có tuổi thọ cao hàng chục năm, có khả năng tự tái tạo chân, càng nếu bị đứt. Loài tôm này có tập quán thích đào hang, thường đào hang trú ẩn sâu từ 1 đến 2m, nên phá hoại hệ thống kênh mương, đê điều tưới tiêu nông nghiệp, gây vỡ và sạt lở bờ đập, ao nuôi tôm cá. Tôm càng đỏ sống dưới đáy ao hồ, di chuyển rất nhanh, hoặc ẩn nấp trong rễ cây ven sông hồ.

Nếu thiếu ô-xi, thức ăn, nguồn nước sạch, tôm càng đỏ có thể bò lên cạn thở di chuyển sang nơi khác và hoạt động mạnh về đêm nên rất khó đánh bắt, tiêu diệt triệt để. Đặc biệt, tôm càng đỏ có khả năng sinh sản rất nhanh chóng, đặc tính thích nghi cao, chống chịu được với những biến đổi khắc nghiệt từ môi trường, như nhiệt độ (sống được từ 0 đến 37 độ C), độ ẩm, độ chua mặn của đất.

Tôm càng đỏ ăn tạp, ăn nhiều, cạnh tranh nguồn thức ăn với các loại thủy sản khác. Nguồn thức ăn của loài tôm này rất phong phú, như mùn bã hữu cơ, ngũ cốc, rau quả, cỏ non, rong tảo, côn trùng, sinh vật đáy cỡ nhỏ, xác động vật, thức ăn chế biến... Với đôi càng màu đỏ to và khỏe, tôm càng đỏ dễ dàng cắt ngang thân cây lúa, hoa màu, phá hoại những búp cây non, tôm và cá nhỏ.

Khi lọt ra ngoài tự nhiên, tôm càng đỏ có thể nhanh chóng thiết lập quần thể bầy đàn, trở thành một loài chính trong hệ sinh thái mà nó sinh sống. Bởi tôm càng đỏ vừa cạnh tranh thức ăn, tiêu diệt tôm, cá bản địa, khiến các loài tôm, cá đặc trưng có thể biến mất, vừa phá hại lúa và là vật chủ lây bệnh, phát tán nhiều loại bệnh dịch ra môi trường như mầm bệnh nấm tôm, vi-rút gây bệnh đốm trắng gây thiệt hại nặng nề cho các đầm nuôi tôm. Từ đó, gây nên những thay đổi mạnh mẽ trong hệ sinh thái động vật, thực vật bản địa, thậm chí có thể xóa sổ những loài thủy sinh bản địa. Chính vì vậy, nếu tôm càng đỏ phát tán ở môi trường nói chung và trên những cánh đồng lúa nói riêng ở nước ta, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến đa dạng sinh học, đặc biệt là tàn phá nặng nề đối với sản xuất nông nghiệp.

Vì những tác hại khôn lường của tôm càng đỏ đối với môi trường và hoạt động sản xuất nông nghiệp, ở nước ta, theo Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực từ tháng 9-2013, thì loài tôm càng đỏ đã được đưa vào danh mục sinh vật ngoại lai xâm hại cấm nhập khẩu, sản xuất nên hoạt động kinh doanh, nuôi, phát tán loài tôm này là vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản.

Đầu năm 2019, ngay sau khi tôm càng đỏ có dấu hiệu ồ ạt vào Việt Nam, để bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn hỏa tốc, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với trường hợp vi phạm. Khi phát hiện có tôm càng đỏ phát tán ra môi trường, phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt loài tôm này theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.

Nhằm ngăn chặn tôm càng đỏ ngay từ biên giới, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chủ động chỉ đạo các đơn vị tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh BĐBP về đấu tranh chống mua bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép sinh vật ngoại lai xâm hại, các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm qua biên giới, trong đó có tôm càng đỏ.

Đồng thời, các đơn vị BĐBP đã tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, các đường mòn, lối mở qua biên giới, kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ mua bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép tôm càng đỏ; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát để phát hiện, ngăn chặn hoạt động nhập khẩu, vận chuyển trái phép tôm càng đỏ từ nước ngoài vào Việt Nam. Ngoài ra, các đơn vị BĐBP còn chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền để nhân dân nhận thức rõ về nguy cơ, hiểm họa từ tôm càng đỏ, không buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ hoặc tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép tôm càng đỏ qua biên giới.

Thùy Trang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tac-hai-kho-do-dem-cua-tom-cang-do/